Trung Quốc bị tố "nhét chữ vào mồm" lãnh đạo EU: Nội dung họp một đằng, về báo cáo một nẻo

Hải Võ |

EU cáo buộc Trung Quốc đã đưa ra thông tin "chọn lọc và mất cân bằng" về các cuộc thảo luận giữa song phương.

Trung Quốc bị tố đưa sai lời quan chức EU

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo truyền thông nhà nước Trung Quốc ngưng những hành động mà EU gọi là "chọn lọc" và "không thể chấp nhận" khi báo cáo về phát biểu của nhà ngoại giao EU trong hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần này.

Cảnh báo được châu Âu đưa ra vào thứ Tư, 10/6, khi EU giới thiệu các kế hoạch mới nhằm siết chặt việc ngăn chặn các chiến dịch thông tin sai lệch, mà khối này xác định là có sự tham dự của các nguồn trực tuyến được nhà chức trách "chống lưng" ở Nga và Trung Quốc, vốn đã leo thang trong giai đoạn dịch bệnh lan rộng ở châu Âu những tháng vừa qua.

Mâu thuẫn mới nhất liên quan đến đối thoại chiến lược vào hôm 9/6 giữa ông Vương Nghị với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell.

"Truyền thông Trung Quốc đã cung cấp thông tin có chọn lọc và không cân bằng về các cuộc thảo luận," nữ phát ngôn viên Uỷ ban châu Âu, bà Virginie Battu-Henriksson, nói với SCMP.

"Chúng tôi đã nêu rõ với những đồng nghiệp Trung Quốc rằng sự cố này là không thể chấp nhận, và chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện lập trường của họ trong khi EU thể hiện quan điểm riêng của mình."

Trung Quốc bị tố nhét chữ vào mồm lãnh đạo EU: Nội dung họp một đằng, về báo cáo một nẻo - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourova (Ảnh: AP)

Theo SCMP, vấn đề nảy sinh từ thông cáo do Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố khoảng 3 tiếng sau phiên họp kể trên, trong đó dẫn lời ông Borrell nói rằng EU "tìm kiếm đối thoại và hợp tác với Trung Quốc trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải đối thủ và đối đầu".

Nguồn tin (ẩn danh) trong EU tiết lộ, diễn đạt trên không phù hợp với lý giải của ông Borrel về "đối thủ hệ thống" - cách gọi thể hiện lập trường chính thức của EU đối với Trung Quốc - trong cuộc trao đổi với ông Vương.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin ông Borrel nói rằng Trung Quốc và EU chia sẻ cam kết về những thách thức toàn cầu. Hãng Tân Hoa Xã trích lời ông Borrell, nói EU "kỳ vọng cao độ vào quan hệ với Trung Quốc và sẽ nỗ lực để bảo đảm các liên hệ chặt chẽ hơn", đồng thời EU "hoan nghênh sự tham gia tích cực của Trung Quốc vào hợp tác quốc tế".

Trung Quốc bị tố nhét chữ vào mồm lãnh đạo EU: Nội dung họp một đằng, về báo cáo một nẻo - Ảnh 2.

Nhà ngoại giao EU Josep Borrell (Ảnh: Reuters)

EU không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc

Châu Âu bày tỏ không hài lòng khi báo giới Trung Quốc phản ánh như thể khối này không còn thảo luận về vấn đề "đối thủ hệ thống" với Trung Quốc - chính sách được đưa ra vào năm ngoái. Trong thảo luận với Ngoại trưởng Vương Nghị, Borrel nói ông đã đánh giá rất chi tiết về ý nghĩa của đối thủ hệ thống.

"Từ 'đối thủ' trong ngôn ngữ ngoại giao là quan trọng bởi đó không phải là một từ mềm mỏng. Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã trao đổi rất nhiều về ý nghĩa 'đối thủ hệ thống'," ông Borrell nói.

Giới chức EU cũng phản ứng khi truyền thông nhà nước Trung Quốc gợi ý rằng Borrell có quan điểm giống với Trung Quốc về chủ nghĩa đa phương, khi EU cân nhắc cần cải tổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Trung Quốc cam kết cải cách hơn nữa nền kinh tế - bao gồm cho phép các nước tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường của mình.

Đây không phải là lần đầu các hãng tin nhà nước Trung Quốc bị cáo buộc "bẻ cong" phát biểu của các quan chức châu Âu.

Chính phủ Pháp hồi tháng 5 cũng phản ứng với báo cáo từ Trung Quốc dẫn lời Emmanuel Bonne, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Emmanuel Macron, nói với ông Vương Nghị rằng Pháp sẽ không "can thiệp" vào công việc của Hồng Kông. Paris tuyên bố báo cáo này là "không đúng sự thật".

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourova ngày 10/6 nói về các kế hoạch chống thông tin sai lệch, cho hay: "Những gì chúng ta đã chứng kiến là sự gia tăng các câu chuyện hạ thấp nền dân chủ của chúng ta và nhằm ảnh hưởng đến hành động ứng phó với khủng hoảng."

"Ví dụ, thông tin có các phòng thí nghiệm sinh học bí mật của Mỹ đặt tại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ đã được lan truyền bởi các cơ quan truyền thông thân với Kremlin, cũng như bởi các quan chức và báo chí nhà nước Trung Quốc."

Theo ông Borrell, chiến dịch của EU không phải là một động thái nhằm vào Trung Quốc.

"Chúng tôi đã làm việc về vấn đề chống thông tin sai lệch trong thời gian dài," ông nói. "Chúng tôi bắt đầu từ 5 năm trước; và những năm gần đây thông tin sai lệch cũng bao gồm những nguồn đến từ Trung Quốc. Nhưng [chiến dịch] không nhằm chống lại Trung Quốc, và càng không phải là bất kỳ hình thức chiến tranh lạnh nào với Trung Quốc."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại