Trung Quốc bẫy nợ và bòn rút Ecuador bằng đập thủy điện khổng lồ

Vĩnh Thụy |

Cuộc điều tra của báo New York Times kết luận: đập thủy điện khổng lồ Coca Codo Sinclair do Trung Quốc tài trợ và xây, chính là một cách buộc chặt Ecuador thành con nợ lớn của Trung Quốc, và Trung Quốc “vét gần sạch” nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước Nam Mỹ này.

Cuộc điều tra của báo New York Times kết luận: đập thủy điện khổng lồ Coca Codo Sinclair do Trung Quốc tài trợ và xây, chính là một cách buộc chặt Ecuador thành con nợ lớn của Trung Quốc, và Trung Quốc “vét gần sạch” nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước Nam Mỹ này.

Con đập là một tham vọng lớn của Ecuador, nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng điện, và nhằm giúp nước này thoát nghèo. Nhưng con đập cũng đẩy Ecuador vào cảnh nợ Trung Quốc ngập đầu, và tương lai sẽ hoàn toàn bị trói chặt với Trung Quốc.

“Ecuador vớ phải hàng hớ” và “nghiện vay tiền Trung Quốc"

Ecuador đã vay 19 tỉ USD của Trung Quốc, không chỉ để xây con đập, mà còn để xây các chiếc cầu, đường cao tốc, hệ thống tưới tiêu, trường học, bệnh viện cùng một số đập thủy điện khác.

Đổi lại, Trung Quốc có quyền thụ hưởng 80% mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Ecuador: dầu thô, vì nhiều hợp đồng được hoàn trả bằng “vàng đen” thay vì bằng đồng USD. Thực tế là Trung Quốc có được nguồn dầu giá rẻ rồi bán lại để kiếm thêm lãi.

Ecuador đành phải chấp nhận tình cảnh phải bơm đủ dầu để trả nợ vay cho Trung Quốc, nên nước này đang phải khoan dầu sâu hơn trong vùng rừng Amazon, đe dọa tàn phá rừng nặng nề.

Nhưng vì nợ nặng, Tổng thống Lenin Moreno đã phải giảm chi an sinh xã hội, giảm trợ giá xăng, giải thể nhiều cơ quan chính quyền và giảm hơn 1.000 công chức.

Khi cho thế giới đang phát triển vay hàng tỉ USD, Trung Quốc không bao giờ phải đối mặt với một một nguy cơ tài chính nào. Ecuador thua to trong canh bạc này, nay đang phải tìm nguồn tiền vay mới để bù lấp, gồm vay thêm tiền của Trung Quốc. Cuối năm 2018, Tổng thống Moreno bay qua Trung Quốc để tái thương lượng khoản nợ của Ecuador, và vay thêm 900 triệu USD nữa.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng Ecuador sẽ bị lọt sâu vào suy thoái, và nhà kinh tế học Steve Hanke của Đại học Johns Hopkins nói tóm gọn: “Trung Quốc giăng lưỡi câu và cuối cùng, các nước này được gì? Họ mua phải hàng hớ”.

Bộ trưởng Năng lượng Ecuador, ông Carlos Perez nói: “Trung Quốc lợi dụng Ecuador. Chiến lược của họ rất rõ ràng: Nắm quyền kiểm soát kinh tế của các quốc gia”.

Ông Perez cũng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không trả nợ vay”, nhưng việc thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ rất khó.

Theo bà Risa Grais-Targow, một nhà phân tích của công ty tư vấn Eurasia Group: “Họ biết họ không có quá nhiều nguồn tài chính, nên họ sẽ lại phải gõ cửa Trung Quốc”.

Các nhà phân tích nói chính phủ Tổng thống Moreno vẫn cần 11,7 tỉ USD để lo trả nợ. Và chính phủ này đã quay lại với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (W.B) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trung Quốc bẫy nợ và bòn rút Ecuador bằng đập thủy điện khổng lồ - Ảnh 1.

Một hộ dân nghèo trong khu vực xây đập kiếm sống bằng việc bán nước mía - Ảnh: New York Times

Tiến hành xây đập bất chấp các cảnh báo

Con đập Coca Codo Sinclair được xây đã kéo Ecuador trở thành đồng minh của Trung Quốc, vào lúc hai nước này muốn “bật” Mỹ khỏi quyền lực tối thượng tại Nam Mỹ.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, Trung Quốc lôi kéo các chính phủ Nam Mỹ bằng các lời hứa giúp đỡ vực dậy nền kinh tế và “đối xử bình đẳng với nhau” nhằm phá đổ sự thống trị của Mỹ.

Kế hoạch đạt hiệu quả, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ, thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng cũng như cho các nước trong khu vực vay nhiều tiền. Bắc Kinh cũng đạt được những thắng lợi chính trị, khi thúc ép các nước Nam Mỹ hủy quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Nhưng thực chất thì Trung Quốc và Ecuador không là các “đối tác bình đẳng”. Hai bên đều sẵn sàng phớt lờ các sai sót trong khâu thiết kế con đập khổng lồ, và gạt phắt các cảnh báo độc lập về hiệu quả kinh tế rằng các nghiên cứu kỹ thuật con đập đã bị lạc hậu hàng chục năm.

Ông Fernando Santos, một Bộ trưởng Năng lượng Ecuador vào những năm 1980, nói thẳng: “Chúng tôi bị nghiện vay tiền Trung Quốc mất rồi”.

Ông Santos còn kể hồi đó, chính quyền bác bỏ một phiên bản nhỏ hơn của dự án đập Coca Codo Sinclair chỉ vì gần đó có ngọn núi lửa Reventador. Và năm 1987, một trận động đất lớn đã đánh sập một cơ sở khai thác dầu thô tại khu vực. Ông nói: “Núi lửa đã phun trào từ thuở người Tây Ban Nha đến Ecuador hồi thế kỷ 16. Đầu tư quá nhiều tiền vào khu vực này là điều quá vô lý”.

Ngoài việc ngọn núi vẫn có thể tái hoạt động, còn có những hồi chuông báo động khác: năm 2010, một nghiên cứu độc lập về đập Coca Codo Sinclair (do một cơ quan chính quyền Mexico thực hiện) đã cảnh báo rằng trong gần 30 năm đã không hề có nghiên cứu nào về nguồn nước trong khu vực để con đập có thể phát điện. Sau đó, Ecuador trải qua nhiều cơn hạn hán nặng nề, và còn những lo ngại lớp băng đá ở Ecuador đang bị tan chảy do tình trạng thay đổi thời tiết.

Ngay cả một nhà ngoại giao Trung Quốc ở Ecuador (đề nghị báo Times giấu tên) nói ông cũng nghi ngờ về dự án xây đập: “Chúng tôi đã không chú ý nhiều về nghiên cứu tác động môi trường”.

Nhưng bất chấp các cảnh báo, cựu tổng giám đốc của dự án đập Coca Codo Sinclair, ông Luciano Cepeda nói các quan chức cấp cao trong chính quyền đã thúc ép phải xây con đập này, vì “một nghiên cứu mới đã được tiến hành nhiều năm qua”.

Trung Quốc bẫy nợ và bòn rút Ecuador bằng đập thủy điện khổng lồ - Ảnh 2.

Đâp thủy điện Cola Codo Sinclair - Ảnh: New York Times

Dự án này còn liên quan vấn đề - địa chính trị. Tổng thống Ecuador lúc đó là ông Rafael Correa đã hứa hiện đại hóa đất nước và thoát khỏi quỹ đạo của Mỹ. Chính khách cánh tả này trúng cử tổng thống năm 2006, trùng thời điểm nhiều nhân vật cánh tả giành được quyền lực ở các nước Nam Mỹ.

Ông Correa luôn thể hiện thái độ chống đế quốc Mỹ, và năm 2008, ông từ chối không gia hạn giấy phép cho lực lượng bài trừ ma túy Mỹ bay tuần tra sau khi cất cánh từ một căn cứ không quân Ecuador.

Sau đó, ông Correa ngưng hợp tác với các ngân hàng và các tổ chức tài chính phương Tây như WB và IMF. Ông chỉ đạo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Diego Borja vay tiền của Trung Quốc. Nhưng ông Borja và các quan chức bị choáng trước các điều khoản cho vay:

1- Phải vay phần lớn tiền của Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Trung Quốc (thuộc nhà nước Trung Quốc) với lãi suất cao.

2- Ecuador phải để các công ty Trung Quốc xây dựng con đập khổng lồ, điều này loại bỏ bất kỳ sự cạnh tranh nào của các công ty phương Tây.

Xem ra Trung Quốc “soi” kỹ nguồn dầu thô của Ecuador, nước thành viên nhỏ nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC). Năm 2009, Trung Quốc cho Ecuador vay 1 tỉ USD và nước này phải trả bằng dầu thô cho Tập đoàn dầu khí nhà nước PetroChina (Trung Quốc).

Ecuador hiện vẫn chưa thể trả hết nợ. Khoản vay 1,7 tỉ USD từ Exim Bank rất bở đối với Trung Quốc: lãi suất 7% trong 15 năm. Nếu tính riêng khoản lãi thì Ecuador mỗi năm nợ Trung Quốc125 triệu USD.

Con đập “đắp chiếu” sau chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc

Tổng thống Correa có tiền, nhưng một cuộc khủng hoảng mới lại nổ ra: Ecuador bị mất điện, vì một trận hạn hán nặng làm kiệt cạn nguồn nước dự trữ, làm tê liệt các trạm thủy điện.

Nhưng thay vì tìm nguồn điện khác, ông Correa quyết tăng gấp đôi sản lượng thủy điện. Các quan chức nói Bộ trưởng Điện lực Aleksey Mosquera (dưới quyền ông Correa) chính là người đầu tiên đề xuất xây siêu dự án Coca Codo Sinclair, để cung cấp 1/3 sản lượng điện cho Ecuador, và đó sẽ là cuộc đầu tư lớn nhất trong lịch sử Ecuador.

Vậy là chính quyền Correa quyết giao việc xây con đập ngay dưới chân ngọn núi lửa cho tập đoàn xây dựng nhà nước Sinohydro (Trung Quốc). Cuối năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc bay đến Ecuador dự lễ khánh thành công trình.

Trung Quốc bẫy nợ và bòn rút Ecuador bằng đập thủy điện khổng lồ - Ảnh 3.

Hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Correa trao đổi về dự án đập thủy điện dưới chân núi lửa - Ảnh: Diario El Tiempo

Nhưng chỉ 2 ngày sau chuyến thăm của ông Tập, con đập khổng lồ rơi vào tình trạng hỗn loạn: các kỹ sư cố gắng sản xuất đủ 1.000 megawatt của con đập, nhưng cả cơ sở này lẫn lưới điện quốc gia lại không đủ sức truyền tải nguồn điện đó. Các thiết bị rung sòng sọc rất nguy hiểm, khiến toàn quốc bị cúp điện, theo các quan chức cho biết. Nhưng toàn thể dân Ecuador không bao giờ được cho biết về sự thất bại của con đập, và kể từ đó không hề có lần vận hành con đập nào nữa.

Cuối năm 2018, tức 2 năm sau khi khánh thành, trên thành đập xuất hiện 7.648 vết nứt. Hồ chứa nước đầy bùn, cát và cây khô. Hiện con đập chỉ vận hành một nửa công suất. Các chuyên gia nói do bản thiết kế - cùng với chu kỳ hai mùa khô - mưa của Ecuador - nên con đập chỉ có thể sản xuất đủ sản lượng điện trong chỉ vài giờ/ngày và trong chỉ 6 tháng.

Trước đó vào năm 2014, các kỹ thuật viên phát hiện những vết nứt trên các thiết bị thép không rỉ “made in China”. Đến tháng 12 năm đó, 13 công nhân Trung Quốc chết khi một đường hầm bị ngập nước và sập. Một kỹ sư cao cấp gởi báo cáo đến Tổng thống Correa và xin ý kiến chỉ đạo. Vài ngày sau, viên kỹ sư bị đuổi việc, theo các cựu quan chức cho Times biết.

Hiện cư dân thị trấn Cuyuja rất sợ đập sẽ sập xuống đầu họ, nếu như xảy ra tình trạng chuồi lở đất thường xuyên.

Trung Quốc bẫy nợ và bòn rút Ecuador bằng đập thủy điện khổng lồ - Ảnh 4.

Phương tiện làm việc "made in China" tại đập thủy điện - Ảnh: New York Times

Người Trung Quốc “thi đua đút lót” với đối thủ Brazil?

Con đập cũng trở thành một vụ tai tiếng tham nhũng tầm cỡ quốc gia, với hầu hết quan chức cấp cao (thời Tổng thống Correa) liên quan dự án xây đập đều bị tù, bị tuyên án nhận hối lộ.

Các tội phạm này gồm:

+ Cựu phó tổng thống Jorge Glas Espinel (viết tắt là Glas) bị kết án 6 năm tù vì nhận tiền hối lộ của Odebrecht, tập đoàn xây dựng của Brazil và là đối thủ chính của Trung Quốc ở mảng xây dựng cơ sở hạ tầng khắp Nam Mỹ.

Các công tố viên Mỹ nói Odebrecht đã chi 33,5 triệu USD để hối lộ ở Ecuador nhằm trúng thầu, và hiện các quan chức nước này đang điều tra khả năng Trung Quốc cũng đút lót cho ông Glas cùng tay chân của ông.

+ Ricardo Rivera, một cộng sự thân cận của ông Glas cũng bị buộc tội nhận tiền của người Brazil.

+ Cựu Bộ trưởng Điện lực Aleksey Mosquera đang thụ án 5 năm tù vì nhận 1 triệu USD tiền hối lộ của Odebrecht.

+ Carlos Polit, một cựu quan chức cơ quan bài trừ tham nhũng phụ trách giám sát dự án đập Coca Codo Sinclair, bị buộc tội nhận hối lộ hàng triệu USD từ Odebrecht.

Cũng có chứng cứ gợi ý các quan chức trên cũng nhận tiền hối lộ của người Trung Quốc. Ví dụ một quan chức Odebrecht đã lén ghi âm cuộc nói chuyện tại nhà của Polit. Lúc đó, quan chức đó nói Phó Tổng thống Glas “đòi nhiều tiền” rồi ông giải thích rằng ông ta đã được dạy rằng “đó là điều phải làm vì người Trung Quốc đã đút lót rồi”.

Đoạn ghi âm đã được nộp cho ngành công tố Brazil rồi bị xì cho giới truyền thông nước này. Ecuador cũng mở cuộc điều tra, đặc biệt chú ý Rivera, người tự nhận là đại diện của Phó Tổng thống Glas trong nhiều chuyến thăm Trung Quốc.

Các quan chức bảo vệ pháp luật Ecuador nói họ đang điều tra 13 lần chuyển khoản trị giá 17,4 triệu USD do Rivera thực hiện, đến một tài khoản ngân hàng HSBC ở Hồng Kông.

Gần đây nhất, Bộ trưởng Tư pháp Ecuador, ông Paul Perez chỉ huy cuộc điều tra nghi án người Trung Quốc đưa hối lộ, và hồi tháng 11.2018, ông đến Trung Quốc nhờ hỗ trợ điều tra. Nhưng ông Perez lại từ chức ngày 13.11, ngay sau khi từ Trung Quốc trở về. Ông từ chối bình luận với Times.

Cựu Tổng thống Correa hiện sống lưu vong ở Bỉ, bị chính quyền Ecuador truy nã vì tội tổ chức bắt cóc một đối thủ chính trị. Nhiều trợ lý của ông cũng bị kết án vì tội tham nhũng, hoặc đang trốn tránh pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại