Trung Quốc 'bắt tay' với yêu sách của UAE: Iran nổi giận hiếm thấy với đối tác thương mại lớn nhất

Hữu Hiển |

Iran đã giành quyền kiểm soát các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb cách đây vài thập kỷ, mặc dù UAE từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với 3 hòn đảo này.

Trung Quốc hôm 3/6 nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) liên quan đến tranh chấp với Iran về một số hòn đảo ở vùng Vịnh. Đây là một mối bất đồng công khai hiếm hoi giữa Bắc Kinh và Tehran.

Trung Quốc 'bắt tay' với yêu sách của UAE: Iran nổi giận hiếm thấy với đối tác thương mại lớn nhất- Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan trước lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 10 Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Ả Rập ở Bắc Kinh vào ngày 30/5/2024. Ảnh: AFP

Điều được nhắc tới trong tuyên bố chung và phản ứng của Iran

Theo trang tin tức Trung Đông Al-Monitor, Trung Quốc đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Ả Rập, trong đó có Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, tới Bắc Kinh vào tuần trước để tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Ả Rập. Sự kiện này bao gồm một loạt cuộc gặp giữa các quan chức Trung Quốc và các nước Ả Rập về cách tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực này.

UAE và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung vào ngày 2/6 sau khi kết thúc diễn đàn. Tuyên bố bao gồm nội dung liên quan tới yêu sách của UAE đối với các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb ở vùng Vịnh.

Tuyên bố được hãng thông tấn Emirates (WAM) của UAE công bố nhấn mạnh: "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của UAE nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề ba hòn đảo Greater Tunb, Lesser Tunb và Abu Musa, thông qua đàm phán song phương theo các quy tắc của luật pháp quốc tế và để giải quyết vấn đề này phù hợp với tính hợp pháp quốc tế".

Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran ngày 2/6 vừa qua đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Iran để phản đối việc Trung Quốc "liên tục ủng hộ" đối với "những tuyên bố vô căn cứ" của UAE.

Bộ Ngoại giao Iran cho biết: "Dựa trên quan hệ hợp tác chiến lược giữa Tehran và Bắc Kinh, hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường về vấn đề này".

Reuters đánh giá đây là động thái hiếm hoi Tehran thể hiện sự tức giận trước đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6 lặp lại lời kêu gọi Iran và UAE giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, mô tả lập trường của Trung Quốc về vấn đề này là "nhất quán".

Trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về sự phản đối của Iran, Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết: "Các nội dung liên quan trong Tuyên bố chung Trung Quốc-UAE phù hợp với lập trường của Trung Quốc", đồng thời không đưa ra thay đổi nào về lập trường của Bắc Kinh.

"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giải quyết những khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn. Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và UAE phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này", bà Mao nói.

Bà Mao cũng mô tả mối quan hệ của Trung Quốc với Iran là "vững chắc", bất chấp căng thẳng.

"Mối quan hệ Trung Quốc-Iran rất vững chắc. Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với Iran", bà Mao nói thêm.

Quan hệ Iran - Trung Quốc vẫn bền chặt

Đây không phải là bất đồng công khai đầu tiên giữa Iran và UAE về các đảo. Vào tháng 8/2023, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân ở Abu Musa. Một tháng sau, Ali Akbar Velayati - cố vấn chính sách đối ngoại của Chính phủ Iran - nói với hãng thông tấn Al Jazeera rằng: "Những tuyên bố lặp đi lặp lại của UAE về 3 hòn đảo sẽ gây bất ổn cho an ninh khu vực".

Phóng viên của Al-Monitor tại Tehran đưa tin vào tháng 9 năm ngoái rằng, các quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã ủng hộ yêu sách của UAE và vấn đề này đã đe dọa mối quan hệ hữu hảo của Iran với vùng Vịnh. Căng thẳng giữa Tehran và vùng Vịnh đã hạ nhiệt phần nào kể từ thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm thiết lập lại quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran vào tháng 3/2023.

Trung Quốc 'bắt tay' với yêu sách của UAE: Iran nổi giận hiếm thấy với đối tác thương mại lớn nhất- Ảnh 3.

Tàu cao tốc của Hải quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) di chuyển trong cuộc tập trận ở đảo Abu Musa vào ngày 2/8/2023. Ảnh: Reuters

Giống như Trung Quốc, Nga gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ giải quyết khác biệt một cách hòa bình liên quan tới yêu sách của UAE đối với 3 hòn đảo này. Động thái này diễn ra sau khi Nga và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh kêu gọi "giải pháp hòa bình" cho tranh chấp vào tháng 7 năm ngoái, khiến Iran cũng triệu tập đại sứ Nga.

Tuy nhiên, theo Al-Monitor, quan hệ Iran - Trung Quốc vẫn bền chặt, đặc biệt là về năng lượng. Trong quý I năm 2024, Iran xuất khẩu dầu thô trung bình 1,56 triệu thùng/ngày, gần như tất cả đều đến Trung Quốc. Đây là mức cao nhất trong 6 năm, theo dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa Vortexa được tờ Financial Times trích dẫn.

Về mặt chính trị, cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi từng đến thăm Trung Quốc vào tháng 2/2023, một tháng trước khi thỏa thuận với Ả Rập Saudi được công bố. Ngoài ra, Trung Quốc và Iran còn ký thỏa thuận hợp tác 25 năm vào năm 2021.

Theo trang Al-Monitor, các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb nằm ở vùng Vịnh giữa Iran và UAE. Vào ngày 30/11/1971, Iran - khi đó do quốc vương Mohammad Reza Pahlavi trị vì - đã giành quyền kiểm soát 3 hòn đảo, chỉ hai ngày trước khi UAE trở thành một quốc gia. Iran đã kiểm soát các hòn đảo kể từ đó, nhưng UAE khẳng định các đảo thuộc chủ quyền của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại