Trung Quốc bất ngờ tăng nhập khẩu gấp 3 lần mặt hàng này của Việt Nam: Nước ta là 'ông trùm' đứng thứ 2 thế giới, hơn 100 quốc gia đặt gạch mua hàng

Như Quỳnh |

Mặt hàng này được mệnh danh là kho báu dưới nước khi mang về cho Việt Nam hàng tỷ USD mỗi năm.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2024 đã thu về 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng.

Cũng theo VASEP, về cơ cấu các mặt hàng, sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú đã ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số trong khi tôm loại khác tăng trưởng 3 chữ số. Các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh hơn các sản phẩm tôm chế biến.

Xét về thị trường xuất khẩu, nhóm thị trường Trung Quốc và Hong Kong (TQ) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 42 triệu USD, tăng 275% so với tháng 1/2023, tương đương mức tăng hơn 3 lần. Nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ, đây trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với tỷ trọng 17,5%. Trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này xếp thứ 2 sau Mỹ.

Trung Quốc bất ngờ tăng nhập khẩu gấp 3 lần mặt hàng này của Việt Nam: Nước ta là 'ông trùm' đứng thứ 2 thế giới, hơn 100 quốc gia đặt gạch mua hàng- Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2023, với mức tăng 77% đạt 41 triệu USD trong tháng 1. Tuy nhiên diễn biến xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2024 sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.

Theo VASEP, tại thị trường Mỹ, Việt Nam chiếm 10% thị phần, đứng thứ 4 sau Ấn Độ (36%), Ecuador (22%), Indonesia (18%). Năm 2023, tôm nguyên liệu bóc vỏ được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ, ghi nhận tăng trưởng nhẹ.

Theo thống kê của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, tôm là loại hải sản được ưa thích nhất trong thực đơn của người tiêu dùng ở quốc gia này. Hàng năm, mỗi người dân Mỹ sẽ tiêu thụ trung bình khoảng 2 kg tôm.

Trung Quốc bất ngờ tăng nhập khẩu gấp 3 lần mặt hàng này của Việt Nam: Nước ta là 'ông trùm' đứng thứ 2 thế giới, hơn 100 quốc gia đặt gạch mua hàng- Ảnh 3.

Nguồn: VASEP

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng đầu năm nay tăng trưởng lần lượt 30% và 21% đạt 37 triệu USD và 23 triệu USD. Sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường châu Âu đã ghi nhận tăng 22% đạt 30 triệu USD trong tháng 1.

Năm 2023, Việt Nam đã thu về hơn 3,4 tỷ USD từ xuất khẩu tôm. Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới, xuất khẩu tới 100 quốc gia.

Việt Nam có hơn 600.000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Đối với mặt hàng tôm sú, Việt Nam là nước sản xuất hàng đầu thế giới với sản lượng 300.000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành tôm. Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm.. 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang. Cho đến nay, có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại