Trung Quốc bất ngờ "ném phao cứu sinh" cho nền kinh tế: Thương chiến có biến số mới

Thi Anh |

Peng đánh giá: Mặc dù việc Mỹ và Trung Quốc tăng thuế không diễn ra một cách bất ngờ nhưng quyết định miễn trừ của Bắc Kinh thì có.

Dấu hiệu thương chiến kéo dài lâu hơn dự tính

Khi giới chức Bắc Kinh bắt đầu tham vấn các luật sư cách đây 6 tháng về việc bảo vệ các ngành công nghiệp Trung Quốc khỏi các khoản thuế đánh lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, họ không nghĩ rằng mình sẽ phải hiện thực hóa các lời khuyên này, SCMP nhận định.

Theo một nguồn tin thân cận với quá trình tham vấn, các quan chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc "thực sự đã nghĩ rằng các khoản thuế sẽ biến mất".

Nhưng rồi, ngày 13/5, Trung Quốc tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy "một lằn ranh đã bị vượt qua" - lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh phải đưa ra một quy trình miễn thuế (tariff exclusion).

"Đây là một chỉ dấu cho thấy có thể mọi chuyện sẽ còn kéo dài lâu hơn so với họ nghĩ", nguồn tin của SCMP cho hay.

Quy trình miễn thuế của Trung Quốc chủ yếu dựa trên một chương trình tương tự ở Mỹ, cho phép các công ty chịu thuế ở Trung Quốc đăng ký xin miễn thuế.

Các khoản miễn trừ của Trung Quốc là "dây cứu sinh" cho các ngành công nghiệp trọng yếu mà Bắc Kinh muốn bảo vệ khỏi biến động của cuộc chiến thương mại. Theo các nhà phân tích, xét trong bối cảnh các nhà nhập khẩu phải tự mình đóng thêm thuế thì việc đưa ra các khoản miễn thuế cho những ai không thể chi trả nổi các khoản này là một điều hợp lý.

Jow Cowley, luật sư thương mại quốc tế cấp cao của công ty luật Baker McKenzie tại Hong Kong, cho rằng Trung Quốc đang ném phao cứu sinh cho nền kinh tế của mình trong khi cố gắng so vai với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan.

"Họ muốn cẩn trọng, tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế hoặc những đối tượng kinh tế quan trọng mà lại không có phương án thay thế khả thi cho những sản phẩm ấy. Đó là một chính sách hợp lý, nhưng vô tình lại khó thực thi và đòi hỏi nhiều công sức", Cowley nói.

Động thái bất ngờ của Trung Quốc

Các nhà quan sát thương mại cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Mỹ khá táo bạo vì dữ liệu cho thấy cả hai nền kinh tế đều ở trong tình trạng tốt hơn dự đoán sau 1 năm lún sâu vào thương chiến nhưng cả hai đều không thoải mái với cục diện xung đột vượt khỏi tầm quyền soát trong vài ngày qua.

Cuối tuần trước, Mỹ đã tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến nước này phải tung đòn đáp trả. Washington còn tuyên bố khởi động quá trình kéo dài nhiều tháng nhằm áp mức thuế lên tới 25% đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại mà Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Vẫn còn thời gian để hai bên đi tới thỏa thuận trong vòng 2 tháng kể từ khi Mỹ tuyên bố áp thuế cho tới khi quyết định được thực thi nhưng các nhà quan sát nhận định rằng, tới nay, Mỹ đều thực hiện tất cả những đe dọa mà mình từng đưa ra.

"Thật đáng sợ bởi trong quá khứ mỗi lần họ rục rịch chuẩn bị thì rồi họ đều làm thật. Tôi cho rằng cả hai bên đều không nghĩ mình sẽ đi xa tới mức này", Sally Peng, chuyên gia tại hãng luật Sandler, Travis & Rosenberg nói.

Peng đánh giá: Mặc dù việc Mỹ và Trung Quốc tăng thuế không diễn ra một cách bất ngờ nhưng quyết định miễn trừ của Bắc Kinh thì có. Trong suốt ngày 14/5, khách hàng tới tấp gọi cho Peng để hỏi liệu họ có đủ điều kiện trong diện miễn trừ không.

"Chỉ các công ty Trung Quốc mới có thể đăng ký, và chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các hiệp hội thương mại đăng ký bởi chính phủ đã quen với chuyện làm việc cùng họ", Peng cho rằng Bắc Kinh vốn đã xác định rõ các ngành công nghiệp mà mình muốn hỗ trợ.

Giới chức hai bên có khoảng 6 tuần để đạt một thỏa thuận nếu họ muốn hoàn thành trước thời điểm diễn ra cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Ông Trump đã ám chỉ rằng chuyện này có thể xảy ra nhưng Trung Quốc vẫn chưa xác nhận sự tham gia của ông Tập.

Trong khi đó, khả năng nền kinh tế toàn cầu bị chệch hướng bởi một khả năng xung đột thương mại dữ dội hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư lo lắng và làm thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh trong tuần qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông Cảnh nhấn mạnh: Trung Quốc sẽ không chịu bị bắt nạt.

"Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ không đánh giá sai tình hình và không đánh giá thấp quyết tâm, cũng như ý chỉ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc", ông Cảnh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại