Đặt tại Đại học Thanh Hoa (Tsinghua), “Cơ sở công nghệ Internet tương lai” kết nối 40 trường Đại học, Viện nghiên cứu hàng đầu của đất nước với băng thông rộng và độ trễ thấp hơn nhiều so với mạng Internet hiện tại; theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.
Cơ sở này sẽ đóng vai trò mạng “xương sống” để Môi trường Đổi mới mạng Trung Quốc (CENI) - một cơ sở nghiên cứu liên kết những thành phố lớn nhất ở Trung Quốc - xác nhận tính hiệu quả và an toàn của công nghệ mạng trong tương lai trước khi đem vào sử dụng thương mại.
Khi hoàn thiện vào năm 2023, cơ sở CENI sẽ trở thành một nguyên bản của “Internet tương lai”, kết nối gần như mọi thứ - từ máy tính tại nhà cho tới xe hơi trên đường phố - để phục vụ thông tin không bị gián đoạn trong một xã hội được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
“Chúng tôi sẽ đổ rất nhiều công sức vào nó. Internet tương lai cần phải chống chịu được mọi đòn tấn công. Nó có vai trò quan trọng đối an ninh quốc gia của chúng tôi” – một nhà khoa học máy tính giấu tên có tham gia vào dự án tại ĐH Tsinghua nói với SCMP.
Mạng Internet hiện tại của Trung Quốc được xây dựng bằng công nghệ của phương Tây và có đầy “cửa hậu”. Dự án Prism của chính phủ Mỹ, như một ví dụ, đã tận dụng những điểm yếu này để thâm nhập vào chính phủ Trung Quốc và một số viện nghiên cứu của họ, bao gồm Tsinghua; theo “người thổi còi” Edward Snowden.
Sau tiết lộ động trời của Snowden, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực thay thế phần cứng của phương Tây trong các cơ sở hạ tầng thông tin của họ.
Trong những năm gần đây, một số công ty viễn thông của Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies Co., đã vượt mặt các công ty phương Tây trong phát triển mạng 5G và nhiều công nghệ khác. Nhưng sự dẫn đầu của họ lại bị hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định, trong khi phần mềm và các giao thức nước ngoài vẫn thắng thế trong mạng của Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ cũng khởi động vô số mạng thử nghiệm, trong đó có Môi trường Đổi mới mạng Toàn cầu (GENI) nhằm duy trì vị trí dẫn đầu của họ trong công nghệ mạng. Những người chơi khác – như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc – cũng đã khởi động những dự án tương tự.
Theo Tan Hang, nhà khoa học hàng đầu làm việc trong dự án CENI, việc xây dựng mạng thử nghiệm của Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 2019.
Cơ sở của Trung Quốc là nhằm đối đầu với chương trình GENI của Mỹ, với công nghệ hoàn toàn khác biệt.Ví dụ, Trung Quốc sẽ phát triển một hệ điều hành mới toanh để quản lý luồng dữ liệu và “cuộc trò chuyện” giữa các thiết bị trên mạng Internet tương lai, với sự hỗ trợ của phần cứng được sản xuất trong nước – từ router, server cho tới chip máy tính…;theo ông Tan.
Cơ sở mạng trị giá 1,7 tỉ NDT (260 triệu USD) này sẽ “tăng cường sức cạnh tranh của đất nước chúng tôi và cho phép chúng tôi giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh không gian mạng quốc tế”, ông Tan nói thêm.
Trung Quốc hiện đã bắt tay xây dựng mạng 5G lớn nhất thế giới, và trong tương lai gần, dự kiến sẽ có một lượng lớn các thiết bị thông minh – bao gồm xe tự lái – sẽ kết nối với Internet.
Các thiết bị này có thể sản sinh và yêu cầu một lượng dữ liệu khổng lồ, trong khi chỉ cho phép độ trễ cực nhỏ trong liên lạc và mỗi thiết bị cần có một ID độc nhất. Theo ông Tan, cơ sở Internet hiện tại, dựa trên công nghệ của quân đội từ những năm 1980, không đủ mạnh để đáp ứng được những đòi hỏi trong tương lai.
Và càng có nhiều thứ kết nối với Internet, thì tổn thất gây ra do một đòn tấn công mạng càng lớn. Các giao thức an ninh mới được giới nghiên cứu Trung Quốc phát triển nhằm định vị và nhận dạng mọi thiết bị trong mạng tương lai sẽ được thử nghiệm trong mạng CENI; theo ông Tan.
Mạng CENI “sẽ hỗ trợ các cuộc tập huấn tấn công và phòng thủ” bằng cách cho phép hơn 4.000 đội ngũ trên khắp cả nước thực hiện những thí nghiệm tách biệt trong cùng thời điểm; ông nói.
Đương nhiên, mạng của Trung Quốc sẽ không bị cô lập mà sẽ kết nối với các mạng Internet hiện hữu, cũng như các mạng thử nghiệm ở các nước khác, trong đó có Mạng Nghiên cứu và Thử nghiệm Internet Tương lai (FIRE) của châu Âu; theo EU.