Hãng tin Mỹ Axios ngày 13/3 đưa tin đầu tiên về sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ vào tháng 4 và hai nguyên thủ sẽ có cuộc gặp gỡ không chính thức tại Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào ngày 6-7/4.
Ngày 30/3, Bộ ngoại giao Trung Quốc xác nhận thông tin trên.
Sau thời gian "mặt nặng mày nhẹ", nguyên thủ hai nước đã thỏa thuận gặp gỡ nhau để xác định khung hình "Quan hệ Mỹ - Trung thời kỳ Tập - Trump".
Điều đáng lưu ý là, mặc dù ông Trump bác bỏ nhiều di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng vẫn áp dụng cách thức tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc tại một khu nghỉ dưỡng, như ông Obama đã làm tháng 6/2013 tại biệt thự Annenberg ở bang California.
Hành trang của Obama để lại về quan hệ Mỹ - Trung
Cuộc gặp gỡ Obama-Tập diễn ra khi cựu Tổng thống Mỹ bước sang nhiệm kỳ thứ hai, còn ông Tập Cận Bình mới lên nắm quyền. Còn ở cuộc hội đàm với Trump, Chủ tịch Trung Quốc đã "đổi vai" khi ông gần kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên.
Kể từ khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, Tập Cận Bình đã có 9 lần gặp gỡ Obama kể cả chính thức và không chính thức, trong đó có 2 lần ông Tập thăm Mỹ (năm 2013 và 2015), Obama 2 lần thăm Trung Quốc (2014 và 2016) và 5 lần gặp gỡ bên lề các Hội nghị quốc tế.
Điểm lại 9 lần gặp gỡ, quan hệ hai nước xoay quanh khung hình cơ bản là "Hợp tác vẫn đấu đá, đấu đá rồi hợp tác", "Đấu nhưng không để vỡ, hòa nhưng vẫn bất đồng".
Dư luận cho rằng khung hình này vẫn tiếp tục cho dù ông Obama rút khỏi chính trường đầu năm 2017 và có thể được chính quyền Trump duy trì.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên tháng 6/2013 tại Biệt thự riêng Annenberg của Obama, ông Tập Cận Bình đã nêu mô hình "Quan hệ nước lớn kiểu mới Trung – Mỹ" gồm ba tiêu chí: Bình đẳng tin cậy lẫn nhau; Bao dung, nhìn nhau cùng tiến; Hợp tác cùng thắng lợi.
Tháng 11/2014 tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình bổ sung một số nội dung như "Không liên minh, không xung đột, không đối kháng, không nhằm vào nước thứ 3, tôn trọng lẫn nhau và cùng thắng lợi".
Tuy nhiên, phía Mỹ chủ trương "4 không" đối với mô hình này, gồm: Không bác bỏ; Không tham gia; Không mắc bẫy; Không mơ hồ. Khi ông Obama rời khỏi chính trường, chủ trương này vẫn chưa bị thay đổi.
Ông Tập và ông Obama nói chuyện tại khu biệt thự Annenberg ở Sunnylands, bang California ngày 8/6/2013 (Ảnh: Xinhua)
Điểm lại quan hệ hai nước qua các thời kỳ Tổng thống Mỹ cho tới Obama, những mâu thuẫn và bất đồng giữa hai nước luôn tồn tại.
Nhiều học giả Trung Quốc, điển hình như Giáo sư Kim Sán Vinh, Phó Giám đốc Học viện quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng mâu thuẫn và bất đồng hai nước luôn tồn tại xoay quanh các vấn đề "4T và 8N".
"4T" là 4 vấn đề tồn tại nhiều thập kỷ trong quan hệ Trung - Mỹ, gồm Taiwan, Tibet, Trade, Tian An Men (tức vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, thương mại, và sự kiện Thiên An Môn).
"8N" là 8 vấn đề mới nảy sinh, gồm: Quyền lãnh đạo khu vực, Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, an ninh mạng, tiền tệ, mục tiêu cường quốc biển của Trung Quốc, đa nguyên hóa của xã hội Trung Quốc, sự trỗi dậy của Trung Quốc, và sự thay đổi của nước Mỹ. Đây là những vấn đề cốt lõi quyết định và chi phối sự phát triển quan hệ hai nước trong thời gian dài.
Dù Mỹ cam kết thực hiện chính sách "Một Trung Quốc", nhưng vẫn luôn hỗ trợ Đài Loan phòng thủ. Năm 2010, ông Obama phê chuẩn hiệp định bán 6.4 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan.
Ngoài ra, vào cuối nhiệm kỳ của Obama, hai nước còn nổi lên những vấn đề như: Biến đổi khí hậu, An toàn hạt nhân, Chống khủng bố, Vấn đề khu vực như Biển Đông và Đông Bắc Á, nhất là vấn đề bán đảo Triều Tiên, quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng gay gắt.
Một di sản do ông Obama tiếp nhận từ thời kỳ Bush và Hồ Cẩm Đào, và đến nay tiếp tục được trao lại cho chính quyền Trump, là "Đối thoại chiến lược và kinh tế". Đây là cơ chế đối thoại quan trọng nhất trong số 96 cơ chế đối thoại hiện nay giữa hai nước về quy mô cũng như về cấp bậc tham gia.
Điểm lại hành trang về quan hệ Mỹ - Trung mà ông Obama để lại không mấy sáng sủa, vẫn đầy gai góc mà ông Trump phải đối phó trong nhiệm kỳ của mình.
Kinh nghiệm của Trung Quốc: Trump chỉ nói cứng khi tranh cử
Điểm dễ nhận thấy so với ông Obama là thái độ và lập trường chống Trung Quốc của ông Trump mạnh mẽ hơn nhiều. Trong thời gian vận động tranh cử, các tuyên bố về Trung Quốc của Trump rất gay gắt, đặc biệt trong hai vấn đề nhạy cảm là Đài Loan và thương mại.
Báo chí Trung Quốc ngày 26/9/2016 bình luận "Trump là người chống Trung Quốc mạnh mẽ ", đội ngũ cố vấn và những các quan chức được ông Trump lựa chọn vào Nhà Trắng đều là những nhân vật có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.
Trump cho rằng sai lầm lớn nhất của Mỹ là chấp thuận để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hơn 10 năm qua kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã "lấy đi" của Mỹ hơn 70.000 doanh nghiệp, bởi vậy ông Trump tuyên bố khi làm Tổng thống sẽ thi hành các biện pháp cứng rắn như áp dụng mức thuế quan 45% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đối với vấn đề Đài Loan, ông Trump từng nói Mỹ cần phải xét lại vấn đề "Một Trung Quốc", thậm chí cần phải thừa nhận tính hợp pháp của Đài Loan. Đồng thời, ông cam kết sẽ tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Đài Loan, ngoài ra sẽ "lỏng tay" để Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân chống lại bắc Triều Tiên.
Ngày 2/12/2016, ông Donald Trump - khi đó là tổng thống đắc cử - đã điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hơn 10 phút, dài hơn tất cả các cuộc điện đàm của ông với các nhà lãnh đạo khác.
Đây là sự kiện bất thường đầu tiên trong gần 40 năm qua kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao năm 1979 mà các đời Tổng thống đương nhiệm cũng như mới đắc cử chưa bao giờ làm.
Tuy nhiên khi chính thức nắm quyền từ 20/1/2017, thái độ của Tổng thống Trump có phần thay đổi. Dư luận cho rằng từ trước tới nay, hầu hết các chính khách khi tranh cử đều có những phát ngôn mạnh mẽ để thu hút phiếu bầu, nhưng khi ngồi vào ghế Tổng thống sẽ bị ràng buộc bởi lợi ích quốc gia và không thể phát ngôn như trước.
Ông Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bắc Kinh ngày 19/3/2017 (Ảnh: Thomas Peter / AFP - Getty Images)
Các học giả Trung Quốc cho biết kinh nghiệm quan hệ Trung – Mỹ kể từ khi thiết lập tới nay cho thấy khi tranh cử các ứng cử viên đều chỉ trích mạnh mẽ, nhất là các ứng viên đảng Cộng Hòa, nhưng khi nắm quyền họ vẫn phải cải thiện quan hệ hai nước, điển hình như Reagan hay Bush.
Ông Trump cũng không ngoại lệ, nhưng diễn ra chậm hơn và thận trọng hơn. Mãi tới ngày 9/2, Trump mới gọi điện cho Tập Cận Bình sau khi đã điện đàm với 18 nguyên thủ các nước trên thế giới.
Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm Trung Quốc hai ngày 18-19/3 trong chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) nhằm làm hòa dịu quan hệ và góp phần thúc đẩy cuộc gặp Trump-Tập đầu tiên.
Tillerson cho biết mục đích ông sang Trung Quốc là để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình nhằm xác định "khung hình cơ bản quan hệ hợp tác hai nước thời gian 50 năm".
Ngày 19/3, khi Tập Cận Bình tiếp kiến, Ngoại trưởng Tillerson nhắc lại quan hệ Mỹ - Trung cần tuân thủ nguyên tắc "Không xung đột, Không đối kháng, Tôn trọng lẫn nhau, Hợp tác cùng thắng lợi" - cũng là các nguyên tắc mà Bắc Kinh nêu ra trong mô hình "Quan hệ nước lớn kiểu mới".
Đối sách của Bắc Kinh
Trước chính sách và biện pháp cứng rắn của Trump, đối sách của Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng, thậm chí có phần nhân nhượng.
Ngoại trừ thái độ của bà Phó Oánh, phát ngôn viên của trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa XII hôm 4/3 rằng "nếu Mỹ thách thức Trung Quốc thì Trung Quốc đương nhiên phải đối phó", còn lại từ ông Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Ngoại trưởng Vương Nghị đều phát biểu rất thận trọng và bày tỏ "lạc quan đối với quan hệ Trung - Mỹ".
Hồi tháng 12/2016, Trung Quốc đã cử Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì ghé thăm Mỹ, tiếp đó Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, Ngoại trưởng Vương Nghị liên tiếp thăm dò thái độ của nhóm ông Trump.
Trong buổi tiếp Rex Tillerson ngày 19/3 tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình nói: "Lợi ích quan hệ hai nước lớn hơn bất đồng, hợp tác là sự lựa chọn chính xác nhất của quan hệ song phương… Chỉ cần hai bên kiên trì mẫu số chung lớn nhất, thì quan hệ hai nước sẽ phát triển đúng hướng".
Ông nhấn mạnh "hai nước cần tăng cường phối hợp với nhau về các vấn đề điểm nóng khu vực, tôn trọng lợi ích cốt lõi và vấn đề lớn của nhau để duy trì ổn định đại cục quan hệ hai nước, giải quyết ổn thỏa và kiểm soát vấn đề nhạy cảm".
Dư luận báo chí nước ngoài cho biết về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tillerson, hai bên chỉ thỏa thuận được vấn đề kiềm chế Triều Tiên còn các vấn đề khác hầu như không có tiến triển.
Trong bài "Vì sao ông Tập Cận Bình lần này lại nóng lòng muốn gặp ông Trump như vậy?", mạng tin Đa chiều ngày 29/3 nhắc lại rằng ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền năm 1989, nhưng tới năm 1997 mới thăm Mỹ cho dù trước đó lãnh đạo hai nước có cuộc gặp gỡ không chính thức bên lề hội nghị quốc tế.
Ông Hồ Cẩm Đào sau khi lên nắm quyền được 2 năm, tức năm 2006 mới thăm Mỹ. Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2011, tới tháng 6/2013 mới thăm Mỹ sau khi thăm nhiều nước, nhưng vì sao lần này ông rất vội vã sau khi Trump lên nắm quyền?
Có thể do lãnh đạo các nước như Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu , Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng một số nguyên thủ khác đã thăm Mỹ. Bởi vậy, Trung Quốc không muốn "trâu chậm uống nước đục" khi các nước đã có những thỏa thuận với Trump.
Hơn nữa, lập trường, chính sách và thái độ của Mỹ với Trung Quốc lần này cứng rắn, như ngày 31/3 Trump ký sắc lệnh mậu dịch mà dư luận cho rằng chủ yếu nhằm vào Trung Quốc.
Kết quả và triển vọng
Tới nay, hai nước mới chỉ thỏa thuận sơ bộ với nhau về kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, còn những vấn đề nhạy cảm khác hầu như chưa có thỏa thuận nào. Dư luận cho rằng chuyến đi Mỹ của Tập Cận Bình sẽ chưa có đột phá nào đáng kể so với thời kỳ ông Obama còn tại nhiệm.
Học giả người Mỹ gốc Hoa, ông Viên Bằng cho rằng quan hệ hai nước 8 năm qua đi lên theo đường xoắn ốc, nhưng khó có thể tránh khỏi vấn đề lịch sử. Đó là một nước Trung Quốc đang tìm cách vươn lên làm bá chủ thế giới với "giấc mộng Trung Hoa" nhằm thay thế địa vị lãnh đạo thế giới hiện nay của Mỹ, trong khi Washington tìm cách kiên quyết kiềm chế và chống lại.
Nếu trong thời gian 4 năm tới mà ông Trump không thúc đẩy kinh tế Mỹ đi lên, hoặc ông đưa ra những quyết sách sai lầm thì nước Mỹ rất dễ thực sự "nhường" vai trò lãnh đạo cho Trung Quốc.
Học giả Mỹ Thomas Loren Friedman có bài đăng trên New York Times ngày 30/3 viết, ông Trump "không nên dại dột hủy bỏ một số di sản do ông Obama để lại", nhất là vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu không ông sẽ tự dâng những lợi ích to lớn của Mỹ cho Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc Trương Đình Tân cho rằng mâu thuẫn chiến lược giữa hai nước rất gay gắt. Nước cờ chiến lược của hai nước là "Trật tự Mỹ" hay "Trật tự Trung Quốc" là chủ đạo, nhất là ở Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, thời gian tới mối quan hệ song phương sẽ chưa thể dịu xuống cho dù ai lên nắm quyền ở hai nước.
Xét tổng thể, quan hệ Trung – Mỹ thời gian tới vẫn nhiều mâu thuẫn, trục trặc và tình hình Đông Á cũng như khu vực Biển Đông sẽ có những biến số mới phức tạp hơn, cho dù Tập Cận Bình và Trump có đặt nền tảng quan hệ giai đoạn mới vào cuối tuần này.