Muốn giúp người cũng phải chờ... luật
Sau thời gian dài chờ đợi, luật "Người Samaria nhân hậu" đã chính thức có hiệu lực ở Thượng Hải hôm 2/11. Luật này sẽ bảo vệ những người dân muốn giúp đỡ người lạ tránh những rắc rối hay kiện tụng trong quá trình cứu giúp.
Thuật ngữ người Samaria nhân hậu (Good Samaritan) dùng để chỉ một người nào đó sẵn sàng cứu giúp một kẻ khác đang bị thương hoặc có nguy cơ bị thương chỉ vì thiện chí và không hề tính toán đến chuyện được đền đáp hay mưu cầu bất cứ một phần thưởng nào khác.
Sau rất nhiều vụ việc ra tay cứu người nhưng lại bị chính những người mình giúp đỡ quay lại ăn vạ, kiện tụng, phần lớn người dân Trung Quốc bây giờ chỉ đứng xem, bàn tán và quay phim chụp ảnh chứ không dám lao vào giúp đỡ nữa vì sợ "làm ơn mắc oán".
Chính vì vậy, luật "Người Samaria nhân hậu" được coi là một trong những nỗi lực của chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích người dân tham gia giúp đỡ người bị nạn trong các trường hợp khẩn cấp.
Dự luật này đã được soạn thảo từ hồi tháng 9 năm ngoái và đã được thông qua sau phiên họp Hội đồng nhân dân thành phố Thượng Hải trong tháng 7 vừa qua.
Theo dự thảo luật, khi gặp một tình huống khẩn cấp, người dân nếu không có kinh nghiệm sơ cứu trước hết nên gọi dịch vụ cấp cứu (120) và làm theo những chỉ dẫn của nhân viên cấp cứu.
Ngay cả khi có điều gì xấu xảy ra, người giúp đỡ sơ cứu cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu nạn nhân bị tổn hại.
Ông lão ngã gục xuống đường 8 phút nhưng không ai giúp đỡ.
Thảo luận về luật người Samaria nhân hậu ở Trung Quốc bắt nguồn từ một vụ việc gây tranh cãi lớn năm 2011, khi cô bé 2 tuổi tên là Yue Yue bị chiếc xe hơi cán qua người trong một con hẻm nhỏ ở Phật Sơn nhưng ít nhất 18 người đi qua đã thờ ơ bỏ cô bé nằm trên vũng máu.
Chỉ đến khi một nhân viên quét rác nhìn thấy và kêu gọi giúp đỡ thì cô bé Yue Yue mới được đưa tới viện cấp cứu.
Kể từ đó, những sự cố bi thảm tương tự xuất hiện khá thường xuyên ở Trung Quốc. Năm ngoái, một người đàn ông lớn tuổi ở tỉnh Chiết Giang ngã gục xuống đường phố nhưng trong 8 phút không có ai giúp đỡ cho đến khi ông lão tự lết đi.
Trong tuần này, một đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc ghi lại cảnh một em bé cưỡi trên chiếc xe đồ chơi đi ngược chiều giao thông đông đúc khiến cho dư luận nước này lại được một phen dậy sóng.
Cậu bé cứ "hiên ngang" cưỡi chiếc xe của mình vượt qua bao nhiêu ô tô, xe máy như vậy nhưng chẳng có một người lớn nào chịu xuống xe để dừng em lại dù cho ai cũng nhìn thấy rõ mười mươi mối nguy hiểm đang rình rập em phía trước
Cậu bé hiên ngang chạy xe đồ chơi ngược chiều nhưng cũng không ai bớt chút thời gian dừng lại nhắc nhở và đưa em bé vào vỉa hè.
Bộ luật mới này liệu sẽ có hiệu quả?
Theo chỉ số World Giving Index 2016, tỷ lệ người dân Trung Quốc khi được hỏi cho biết họ đã giúp đỡ người lạ trong tháng vừa qua chỉ đạt 24%, thấp nhất thế giới.
Trong một cuộc khảo sát trực tuyến do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tiến hành vào năm 2014, chỉ có 11,3 số người tham gia phỏng vấn cho biết họ sẽ cứu người trong trường hợp khẩn cấp. Hầu hết cho biết họ sẽ chỉ gọi 120 và 14,4% nói rằng họ sẽ đứng lại xem.
Ngay cả với những người có kiến thức y học, chỉ có 36,8% nói rằng họ sẽ không do dự khi giúp đỡ, trong khi 58,2% cho hay họ sợ những rắc rối phát sinh và 5% chắc chắn không tham gia cấp cứu.
Khi được hỏi lý do vì sao họ miễn cưỡng giúp đỡ, 58% nói rằng họ sợ những rắc rối liên quan tới pháp lý và 36% họ sẽ sợ sẽ bị buộc tội quấy rối nhưng 93,9% nói rằng họ sẽ không do dự giúp đỡ nếu được đảm bảo rằng họ sẽ không gặp phiền hề liên quan tới luật pháp.
Đó chính là lý do thôi thúc các nhà lập pháp Trung Quốc đưa ra luật người Samaria nhân hậu. Tuy nhiên, luật mới này liệu có thể thay đổi được thái độ thờ ơ, bàng quan của người dân trước người bị nạn hay không thì còn phải chờ xem đã.
Theo phát biểu của giáo sư Zhu Wei thuộc trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị Quốc gia trên Sixth Tone hồi tháng 8, luật này chỉ bảo vệ những người đã gọi cấp cứu trước rồi làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Do đó, những người qua đường chưa chắc gì đã bất chấp nguy cơ có thể dính dáng tới pháp luật để giúp đỡ người lạ.
Tuy nhiên, sau khi ban hành quy định mới, chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích người dân học cách sơ cứu qua các chương trình tập huấn được nhà nước tài trợ.
Đồng thời, chính quyền Thượng Hải cũng đã lắp đặt 575 máy khử rung tim tự động ở những nơi công cộng trên khắp thành phố để trợ giúp cấp cứu cho người gặp nạn.