Trung Quốc ấm ức "kể khó" tại Đối thoại Shangri-La 2018

P.Võ |

Cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ tại Đối thoại Shangri-La (SLD) 2018 ở Singapore cuối tuần rồi nêu bật những khó khăn Bắc Kinh đang đối mặt khi tìm cách đối thoại với phương Tây.

Phái đoàn cấp thấp của Trung Quốc tham dự SLD vừa qua trở thành tâm điểm của tranh cãi khi họ đáp trả chỉ trích của Mỹ về lập trường ngày càng khiêu khích của Bắc Kinh, nhất là tại biển Đông.

Hôm 2-6, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh vì hành vi quân sự hóa biển Đông, tướng Hà Lôi, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, đáp trả bằng cáo buộc Washington mới là nguồn cơn thật sự của xung đột tại khu vực.

Đằng sau hậu trường, các đại biểu Trung Quốc phàn nàn họ gặp bất lợi tại diễn đàn và cảm thấy tiếng nói của mình bị phớt lờ do sự áp đảo của các nước phương Tây có hệ tự tưởng khác biệt.

"Mỹ đã tạo ra giọng điệu với những từ khóa như "trật tự dựa trên luật lệ" "tự do hàng hải và hàng không", "quân sự hóa". Một khi ai đó nghe đến những từ này, họ biết rõ đó là chỉ trích nhằm vào Trung Quốc" - ông Yao Yunzhu, tướng về hưu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và là một đại biểu tại diễn đàn, phàn nàn.

Ông Yao nói thêm rằng giới chức quân sự Trung Quốc cảm thấy khó giao tiếp với những đại biểu phương Tây tại diễn đàn vì rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt trong hướng tiếp cận với những tranh cãi.

Trung Quốc ấm ức kể khó tại Đối thoại Shangri-La 2018 - Ảnh 1.

Ông Hà Lôi (giữa) nghe bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại SLD 2018 hôm 2-6. Ảnh: Reuters

Một nguồn tin thân cận với Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức SLD, cho rằng nỗi quan ngại của phái đoàn Trung Quốc có thể chính đáng nhưng ban tổ chức không thể đối đãi đặc biệt với nước này.

Nguồn tin này cho rằng có thể hiểu được những thắc mắc của phía Trung Quốc như tại sao IISS, trụ sở ở Anh, lại đứng ra tổ chức cuộc đối thoại an ninh hàng đầu châu Á hoặc tại sao lại có quá nhiều đại biểu phương Tây tham gia sự kiện này.

Tuy nhiên, IISS không thể đối đãi đặc biệt với Trung Quốc trong bối cảnh nhiều nước khác cử đoàn đại biểu cấp cao, đứng đầu bởi bộ trưởng quốc phòng hoặc ít nhất là tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Trung Quốc ấm ức kể khó tại Đối thoại Shangri-La 2018 - Ảnh 3.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và ông Hà Lôi tại SLD 2018 . Ảnh: AP

Một nguồn tin khác tiết lộ nhà tổ chức đã thu xếp lịch trình làm việc để bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại một phiên họp toàn thể nhưng sau đó hủy ý định này vì Bắc Kinh chỉ cử một phái đoàn cấp thấp hơn do tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, dẫn đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ mới tham dự SLD một lần cho đến giờ - ông Lương Quang Liệt năm 2011.

Ông William Choong, chuyên gia tại IISS, cho biết tổ chức này đã hai lần cử đại diện đến Bắc Kinh trong năm nay để thuyết phục nước chủ nhà cử phái đoàn cấp cao hơn nhưng không thành. Ngoài ra, theo ông Choong, nỗi lo ngày càng tăng về hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như sáng kiến "Vành đai và Con đường", đồng nghĩa có nhiều thắc mắc được nêu tại sự kiện này.

Trung Quốc ấm ức kể khó tại Đối thoại Shangri-La 2018 - Ảnh 4.

Một thành viên phái đoàn Trung Quốc phát biểu với giới truyền thông tại SLD 2018. Ảnh: SCMP

Đã xuất hiện nhận định thông qua thành phần phái đoàn dự SLD 2018, Trung Quốc có ý giảm nhẹ tầm quan trọng của sự kiện này vì họ muốn lập ra một sự kiện đối thoại song song. Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hương Sơn từ năm 2006 để thảo luận các vấn đề an ninh và quốc phòng của châu Á - Thái Bình Dương và ngày càng được xem là sự kiện đối trọng với SLD.

Diễn đàn Hương Sơn không diễn ra vào năm ngoái do sức ép trong và ngoài nước nhưng một quan chức PLA tiết lộ sự kiện này sẽ được nối lại năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại