Báo động tỉ lệ tử vong cao, đa số không biết mình mắc bệnh
Trả lời trên VnExpress hồi đầu năm nay, giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc đái tháo đường hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 5,4% dân số với 5 triệu bệnh nhân. Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.
Ở Trung Quốc, theo số liệu khảo sát có liên quan, có tới gần 110 triệu người mắc bệnh tiểu đường, đáng sợ hơn là, số người mắc bệnh trong trạng thái chưa được phát hiện với mức độ dự báo còn khủng khiếp hơn, dự kiến là khoảng 148 triệu người.
Trước đây, Ấn Độ được xem là quốc gia có tỉ lệ và số người mắc tiểu đường cao nhất thế giới, nhưng hiện nay, nhiều nước khác đã không còn khoảng cách quá xa với họ nữa. Thậm chí, Trung Quốc đã vượt lên đứng đầu.
Tại Trung Quốc, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người tử vong do tiểu đường, có tới 30% số người đi khám tiểu đường được cho là có bệnh. Điều này cho thấy, nếu tỉ lệ người đi khám bệnh nhiều hơn thì khả năng phát hiện người mắc tiểu đường sẽ cao hơn nữa. Những người chưa đi khám bệnh cũng có nguy cơ rất cao đã mắc tiểu đường nhưng bản thân họ không biết.
Chính vì lý do này, nhiều người không hề biết mình đang mắc tiểu đường, dẫn đến không có giải pháp điều trị trong giai đoạn tốt nhất, dẫn đến tỉ lệ tử vong khi phát hiện bệnh ở giai đoạn trở nặng là rất cao. Điều này thật sự rất đáng tiếc.
Đây cũng là lý do các bác sĩ cho rằng, nhiều người mắc bệnh tiểu đường rồi tử vong là do "tự mình đẩy mình vào chỗ chết" bởi sự thờ ơ với việc phòng và khám bệnh.
Đứng trước nguy cơ tử vong cao do tiểu đường như vậy, y học hiện đại đã chứng minh rằng, việc khám sớm, phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng, giống như ranh giới để bạn lựa chọn giữa sự sống và cái chết.
Triệu chứng bệnh tiểu đường cần biết
Làm sao để chúng ta có thể biết được, dấu hiệu nào cảnh báo rằng mình đã mắc tiểu đường hay chưa? Giáo sư Trần Yến Minh, Trưởng khoa nội, Bệnh viện số 3, Đại học Trung Sơn (TQ) trả lời trên kênh Bác sĩ Gia đình trực tuyến rằng, để không "tự chết" vì bệnh tiểu đường, hãy học cách quan sát các triệu chứng bệnh càng sớm càng tốt.
Giáo sư Trần Yến Minh đang khám bệnh
Giáo sư Minh cho biết, các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường là "3 tăng 1 giảm", cụ thể là:
- Đi tiểu tăng lên
- Uống nước tăng lên
- Ăn nhiều lên
- Cân nặng giảm đi.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tuýp 2 thì không có dấu hiệu điển hình, chỉ xuất hiện một số triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, hoặc thậm chí nhiều người không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Một số bệnh nhân tiểu đường giai đoạn đầu có thể có hiện tượng lượng đường trong máu hạ thấp ở thời điểm trước bữa ăn trưa hoặc tối, tức là bị tụt đường huyết. Hiện tượng cụ thể như cảm thấy đói, toát mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, một số bệnh nhân sẽ xuất hiện tê, run rẩy, cảm thấy rất mệt mỏi, cao huyết áp, đi tiểu nhiều, mất thị lực, khát nước, đa niệu, giảm cân nhanh.
Những người có các dấu hiệu trên thì cần được xem xét sớm bệnh tiểu đường, phải sắp xếp việc điều trị y tế càng sớm càng tốt để ngăn ngừa bệnh tiến triển mạnh, gây nguy hiểm tính mạng.
Ngoài ra, nếu gia đình bạn từng có người mắc bệnh tiểu đường, hoặc thường xuyên bị các bệnh như nhiễm trùng da có mủ tái phát, rối loạn chức năng tình dục nam, giảm thị lực, hơi thở có mùi, nghiện đường, mệt mỏi rõ rệt thì cần đặc biệt chú ý đến bệnh tiểu đường có khả năng đang ẩn nấp trong cơ thể.
Giải pháp phòng chữa bệnh nên thực hiện
Chúng ta đều biết, để cho bệnh phát triển trong người cho đến mức nặng, phải nhập viện điều trị chính là điều "cực chẳng đã", rất đau đớn và tốn kém.
Nhưng với nhiều người, việc phòng ngừa và điều trị bệnh thì lại là chuyện "của thiên hạ", chưa coi trọng và hờ hững với các dấu hiệu cảnh báo. Theo giáo sư Minh, việc phòng bệnh là điều quan trọng nhất, cần chủ động "xua đuổi" bệnh thì nó mới không có điều kiện để "tấn công" bạn.
Sau đây là những điều cơ bản nhất, bạn phải nên làm cho bằng được.
1. Không ăn uống quá nhiều
Ăn uống tùy tiện và "thả phanh" là một trong những lý do khiến bệnh tiểu đường gia tăng. Những món ăn dù ngon và yêu thích đến đâu cũng không nên ăn nhiều. Muốn phòng bệnh, bạn nên duy trì cách ăn uống khoảng 80% nhu cầu.
Trong một thời gian ngắn không nên ăn quá nhiều thức ăn, đặc biệt là những thực phẩm có lượng đường cao như mật ong, bánh ngọt, đồ uống có ga... Trong chế độ ăn uống hàng ngày cũng nên chú ý đến việc tiết chế lượng muối, hạn chế ăn nhiều chất béo, tăng cường vitamin ở mức cao là tốt nhất.
2. Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục có thể giúp cải thiện sự nhạy cảm với insulin, giúp lượng đường trong máu ổn định. Các nghiên cứu cho thấy nhóm người yêu thích sự vận động và thể dục đều đặn có khả năng bị bệnh tiểu đường thấp hơn những người lười vận động. Tuổi thọ trung bình của nhóm người này cũng cao hơn những người "ngồi lì một chỗ".
3. Khám sức khoẻ định kỳ
Khám sức khoẻ định kỳ không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả, mà còn biết được tình trạng thể chất thực sự của mình để điều chỉnh kịp thời. Nếu phát hiện có bệnh thì sẽ đón đầu được thời kỳ vàng trong điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Mặc dù tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ mắc bệnh cao, nhưng nhiều người bệnh khi được hỏi đều không biết rõ những kiến thức liên quan đến phòng ngừa và chữa bệnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là việc ghi nhớ các dấu hiệu bệnh tiểu đường để phát hiện và điều trị sớm.
*Theo Health/TT