Tổng thống Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày Thứ Tư, 28/4/2021. Ảnh: Doug Mills/The New York Times.
Biden chơi "rắn" với Nga
Khi còn tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã tự khắc họa bản thân là một nhân vật cứng rắn với nước Nga – người sẽ khiến Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về nhiều cáo buộc, từ tấn công mạng đến can thiệp bầu cử tại Mỹ.
Trong 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã mạnh tay áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga, coi đây là quốc gia đang tìm cách “bắt nạt” các nước láng giềng thời kỳ hậu Liên Xô và thách thức vai trò dẫn đầu thế giới của Mỹ.
Thoạt nhìn, chính sách về Nga của chính quyền ông Biden có vẻ khác biệt so với chính sách của các cựu Tổng thống Donald Trump và Barack Obama. Không giống như thời Trump, cả tổng thống và Quốc hội hiện tại của Mỹ đều thống nhất về sự cần thiết phải đối phó với Nga như một đối thủ lâu dài. Không có bất cứ cuộc đối thoại nào tại Nhà Trắng đề cập mong muốn “hòa hợp với Nga” và cũng không còn thái độ nồng nhiệt với cá nhân Tổng thống Putin. Trái ngược với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, ở chính quyền Biden không có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc cài đặt lại quan hệ.
Tuy vậy, ở một mức độ nào đó, vẫn có sự tiếp nối từ các nhiệm kỳ của ông Trump và ông Obama. Mặc dù chính quyền Biden áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, gần đây nhất là vào ngày 15/4 liên quan đến vụ tấn công mạng qua phần mềm SolarWinds nhằm vào các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp của Mỹ, song ông cũng nhận thức được rằng, quan hệ Nga-Mỹ có ảnh hưởng rất lớn với thế giới và do đó, không thể bị hủy hoại. Nói cách khác, đối thoại vẫn là một kế hoạch thiết yếu trong chính sách của Mỹ với Nga trong tương lai.
Tổng thống Biden và đội ngũ của ông đều là những người dày dặn kinh nghiệm và có cái nhìn thực tế, với trọng tâm chính là lợi ích của nước Mỹ. Về mặt logic, điều này đòi hỏi một chính sách đối ngoại thận trọng và giảm thiểu xung đột.
Mặt khác ông Biden phải đối mặt với thách thức lớn với vai trò dẫn đầu thế giới và vị thế của Mỹ do Nga và Trung Quốc đặt ra. Bên cạnh đó là những mối đe dọa và những mâu thuẫn nội bộ trong lòng nước Mỹ mà nhiều nhân vật chính trị cho là bắt nguồn từ các “hành vi gây rối của Nga”. Giải quyết đồng thời các thách thức này đòi hỏi nhà lãnh đạo Mỹ cần phải có chính sách vừa răn đe lại vừa hợp tác khi cần.
Nước Nga đã thay đổi
Nhìn từ góc độ của Nga, chính sách mà chính quyền mới của Mỹ đưa ra với nước này dường như được xây dựng trên chiến thuật 2 chiều đầy phức tạp. Moscow tin rằng Mỹ là một cường quốc đối đầu đang muốn làm suy yếu Nga. Điện Kremlin có tương đối ít "thẻ bài" để chơi trong cuộc đối đầu với Mỹ, nhưng họ luôn cho thấy sẽ sẵn sàng sử dụng chúng bất cứ khi nào. Trong thông điệp liên bang tuần trước, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẽ sử dụng các biện pháp “bất đối xứng, nhanh chóng và cứng rắn” để đáp trả Mỹ và phương Tây. Thêm vào đó, Nga cũng đang vận dụng một chiến thuật của Biden: nước này sẽ chỉ hợp tác với Washington khi nào điều đó phục vụ cho lợi ích của Nga.
Nga đã thay đổi khá nhiều kể từ cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Moscow không còn phụ thuộc nhiều vào Washington như trước thời điểm Liên Xô tan rã. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tạo ra một động lực mạnh mẽ khiến Nga tập trung phát triển kinh tế trong nước và thiết lập quan hệ thân thiết với những quốc gia không thuộc phương Tây, trong đó có Trung Quốc.
Hiện tại, quan hệ Nga - Mỹ đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã vắng mặt tại văn phòng ở Washington D.C suốt 2 tháng qua, còn Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan đã trở về nước để hội ý với chính quyền Tổng thống Biden.
Trước khi Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu rút binh sỹ khỏi khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine vào tuần trước, các quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo hậu quả nếu Moscow hành động “gây hấn” với Ukraine.
Kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ
Câu hỏi đặt ra hiện nay không phải là liệu Mỹ và Nga có thể nhìn thế giới qua cùng một lăng kính hay không? Thay vì đó, vấn đề mấu chốt là liệu hai cường quốc đang kiểm soát 90% kho dự trữ hạt nhân của thế giới có thể tìm cách cùng tồn tại trong hòa bình và thiết lập lại mối quan hệ, hay chí ít là ngăn chặn sự đối đầu hay không?
Phát biểu của Tổng thống Biden tại Nhà Trắng ngày 15/4 là một bước đi tích cực và đúng hướng. Cảnh báo các hành vi gây leo thang căng thẳng sẽ chỉ dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho cả Nga và Mỹ, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng điều ông muốn hướng tới là “một quá trình ngoại giao được suy xét kỹ lưỡng”.
Trước đó hôm 13/4, ông Biden đã đề nghị gặp trực tiếp người đồng cấp Nga "trong những tháng tới" tại một quốc gia thứ ba để "để thảo luận về toàn bộ các vấn đề mà 2 nước đang đối mặt". Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin thực sự diễn ra (theo một số nguồn tin có thể là vào tháng 6), thì đây sẽ là một bước tiến đáng kể trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang xấu đi nghiêm trọng ở thời điểm hiện tại.
Theo giới phân tích, nếu cả hai nhà lãnh đạo mong muốn đạt được tiến triển trong quan hệ ở một mức độ nào đó, họ cần phải bỏ qua những lời than phiền hay chỉ trích lẫn nhau và tập trung nhiều hơn vào những vấn đề hợp tác mang tính thực tiễn. Sự ổn định chiến lược vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ-Nga, nên nó phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào.
Nga và Mỹ đã đạt được những bước tiến mới qua việc gia hạn thêm 5 năm hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - áp đặt giới hạn đối với các bệ phóng và đầu đạn hạt nhân chiến lược, đồng thời cung cấp cho cả hai bên các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt để xác minh sự tuân thủ.
Giới phân tích cho rằng, việc cứu hiệp ước New START chỉ là một nỗ lực nhỏ hai bên có thể làm. Trên thực tế, Nga và Mỹ có thể tìm kiếm các thỏa thuận toàn diện về những hệ thống vũ khí chiến lược khác cần phải áp đặt các hạn chế. Hội nghị Thượng đỉnh Biden-Putin sẽ là một cơ hội hoàn hảo để bắt đầu những cuộc thảo luận đó.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do quyết định trục xuất các nhà ngoại giao, đóng cửa lãnh sự quán của nhau và không cấp thị thực nhập cảnh cho các quan chức cấp cao giữa hai nước. Dù những hành động này có thể được cho là đúng đắn trong một số tình huống nhất định, nhưng chúng không có lợi cho quan hệ song phương về lâu về dài.
Theo giới phân tích, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin cần tận dụng cuộc trò chuyện giữa hai bên để tìm cách chuyển mối quan hệ từ đối kháng sang việc bình thường hóa, hạn chế các hành động gây leo thang căng thẳng và dỡ bỏ những hạn chế hiện tại khi điều kiện phù hợp. Ở thời điểm mà quan hệ Nga-Mỹ đang xấu đi, những bước đi nhỏ nhằm thu hẹp bất đồng cũng có thể mang lại lợi ích vô cùng lớn.
Mặc dù Washington và Moscow sẽ khó thiết lập lại quan hệ trong thời gian một sớm một chiều, nhưng cả hai đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương, tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và duy trì hợp tác về những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm./.