Theo giới quan sát, Bắc Kinh hiện không có nhiều lựa chọn nếu muốn "gây đau đớn" cho doanh nghiệp Mỹ nếu so với những gì Washington có thể làm với các công ty Trung Quốc.
Lockheed Martin, nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới, là công ty Mỹ đầu tiên chính thức bị Trung Quốc nhắm đến để trừng phạt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng. Bắc Kinh không công bố các chi tiết của lệnh trừng phạt dự kiến.
Việc nêu tên Lockheed Martin đánh dấu bước đi tiếp theo của Bắc Kinh trong chiến lược thận trọng của Trung Quốc, theo đó tìm cách trừng phạt công ty Mỹ nhưng tránh làm tổn hại tới lợi ích của chính mình.
Hơn 1 năm trước, Trung Quốc cảnh báo đang lập ra cái gọi là danh sách các thực thể không đáng tin cậy, tập hợp các công ty có hành động bị xem là làm tổn hại Bắc Kinh. Đây được xem là động thái nhằm đáp trả việc Mỹ ban hành "danh sách đen" để trừng phạt các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei.
Dù vậy, Bắc Kinh hiện vẫn chưa công bố danh tính những công ty sẽ có tên trong danh sách này và những biện pháp trừng phạt nhằm vào họ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc năm ngoái nói bóng gió đến một số công ty đang nằm trong tầm ngắm, như Honeywell, Oshkosh, General Dynamics và công ty con của Gulfstream Aerospace. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức xác nhận điều này.
Điều này cho thấy thế khó mà Bắc Kinh đang gặp phải. Nếu trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, họ có thể vướng vào rủi ro làm ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc để giúp tăng trưởng kinh tế, đặc biệt, trong thời điểm nước này đang cần khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng trừng phạt một số công ty Trung Quốc, Bắc Kinh lại tiếp tục mời gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sang đầu tư và làm ăn.
Điều này khiến Bắc Kinh lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu mạnh tay với doanh nghiệp Mỹ lúc này, Trung Quốc có nguy cơ khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại giữa lúc nước này đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau khi bị trúng đòn Covid-19.
Hãng Boeing từng bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm. Ảnh: Reuters
Vì thế, theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt doanh nghiệp Mỹ của Trung Quốc, nếu có, dự kiến diễn ra vừa phải và không dàn trải. Ông Shi Yinhong, chuyên gia tại Trường ĐH Nhân dân (Trung Quốc) nhận định rất khó đoán được Trung Quốc sẽ trừng phạt thêm công ty nào sau Lockheed bởi sự khác biệt giữa hai nước về đòn bẩy công nghệ và kinh tế.
Trước đó, Bắc Kinh tìm cách ăn miếng trả miếng các biện pháp của Mỹ nhằm vào cá nhân. Chẳng hạn như khi Mỹ trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến những hành vi xâm phạm nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, Bắc Kinh cũng công bố động thái trừng phạt nhằm vào 4 quan chức, nghị sĩ Mỹ.
Tuy nhiên, việc trừng phạt doanh nghiệp lại là câu chuyện khác bởi Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của cộng đồng công ty Mỹ để giúp duy trì vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và làm đối trọng với các quan điểm "diều hâu" tại Washington.
Vì thế, Bắc Kinh có thể kiềm chế trong việc trừng phạt công ty Mỹ, như những gì đã làm với hãng Boeing. Hồi năm 2010, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ trừng phạt hãng Boeing vì liên quan tới thương vụ vũ khí với Đài Loan. Tuy nhiên, Boeing sau đó vẫn tiếp tục bán máy bay thương mại cho các hãng hàng không Trung Quốc.
Giới quan sát giải thích rằng bất cứ lệnh trừng phạt nào chống lại Boeing đều sẽ phản tác dụng ngược vì các máy bay thương mại Trung Quốc vẫn đang sử dụng nhiều linh kiện nhập khẩu.
Giờ đây, ông Andy Mok, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng Bắc Kinh vẫn phải hành động dù không muốn leo thang tình hình. "Trung Quốc hy vọng rằng bằng cách công bố động thái (trừng phạt) này, Washington có lẽ sẽ bớt thù địch hơn (với Bắc Kinh) - ông Andy Mok lý giải.