Trung Nguyên Legend vừa rò rỉ thông tin sẽ xây dựng không gian bán lẻ chuyên về cà phê lớn nhất thế giới tại dự án Thành phố Cà phê (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Trước đó, năm 2006, Trung Nguyên Legend đã bước chân vào mảng bán lẻ với chuỗi 500 cửa hàng tiện ích G7 Mart, sau đó là Ministop, nhưng không thành công.
Mục tiêu của việc xây dựng không gian bán lẻ chuyên về cà phê lần này, theo Trung Nguyên Legend, là để thực sự đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của hơn 2,5 tỷ người yêu và đam mê trên toàn cầu; biến nơi đây thành địa điểm tạo dựng giá trị lâu dài về đầu tư cũng như tạo ra cộng đồng sống đặc sắc, khác biệt của thế giới.
Bên trong Khu đô thị Thành phố Cà phê.
Cuối tháng 5, doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đồng hành với UBND TP. Buôn Ma Thuột trong Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới".
Sự kiện do TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, thu hút 300 đại biểu lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị, cơ chế chính sách…
Đây là đề án quan trọng theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính Trị về việc Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Để Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới, phải tạo ra nhiều sản phẩm liên quan tới cà phê để cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật… chứ không phải là một loại thức uống
Tham luận tại hội thảo, đại diện Trung Nguyên Legend đưa ra 3 góc độ toàn diện của Cà Phê Vật Lý (là toàn bộ chuỗi giá trị vật lý của ngành cà phê từ nghiên cứu, trồng trọt, chế biến, thưởng lãm; từ cà phê thô tới cà phê tinh; từ cà phê đóng gói cho đến không gian thưởng lãm cà phê hay thưởng thức tiêu dùng cà phê tại nhà,…), Cà Phê Tinh Thần (toàn bộ các yếu tố mỹ thật và nghệ thuật để thể hiện và đi kèm với cà phê; các giá trị văn hoá – tinh thần tạo nên cà phê và từ cà phê mà có) và Cà Phê Xã Hội (là sự kết nối và sáng tạo của những người dùng cà phê và tác động tích cực hay tiêu cực của họ đến với sự phát triển chung của xã hội).
Cũng trong buổi tham luận, PGS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường chia sẻ: Để Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới, phải tạo ra nhiều sản phẩm liên quan tới cà phê để cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật… chứ không phải là một loại thức uống. Trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật… cà phê chạm vào những rung cảm của con người, giúp xóa bỏ đi ranh giới dân tộc, quốc gia, vùng miền…
"Người dân tại Buôn Ma Thuột, các cộng đồng dân tộc nơi đây cần có sự am hiểu về cà phê như một phần đời sống của họ. Hàng quán cà phê tại Thành phố cũng cần đa dạng hơn để du khách tới đây đều có thể tiếp cận dễ dàng văn hóa cà phê, văn hóa đại ngàn nơi đây", một đại biểu tại hội thảo nêu ý kiến.
Cách đây hơn 15 năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Trung Nguyên Legend từng chia sẻ đề án đầy tâm huyết về việc xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thiên đường của cà phê thế giới". Mục tiêu này được Trung Nguyên Legend kiên trì theo đuổi với việc đầu tư hàng loạt các dự án trọng điểm tại đây như khu đô thị Thành phố Cà phê; Bảo tàng Thế giới Cà phê; Làng cà phê...