Ông Abe quyết dốc toàn lực để thực hiện chiến lược "trung lập Nga, cô lập Trung Quốc", mục đích là tạo ra sự cân bằng quyền lực trong bộ tứ Mỹ - Trung - Nga - Nhật.
Điều này sẽ đảm bảo an ninh và ổn định khu vực cho khu vực Đông Bắc Á, đồng thời giúp Tokyo nâng cao vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế, theo phân tích của cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov.
Khi ông Abe tái cử nhiệm kỳ hai thì cơ hội cho việc hiện thực hóa chính sách trên càng lớn hơn. Ông mong muốn, nếu Nga – Nhật chưa thể là bạn thì cũng không phải là kẻ thù, cho dù hai bên còn tranh chấp lãnh thổ.
Nếu giữ được Nga trung lập trong quan hệ tứ cường, Tokyo và Washington sẽ dễ dàng cô lập Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Có thể thấy rằng, cả "bộ tứ" Barack Obama, Shinzo Abe, Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều nắm giữ (hay tái nắm giữ) quyền lực vào năm 2012. Đến nay, dường như Tập Cận Bình là người thể hiện rõ nhất sức mạnh của mình.
Dù quan hệ Putin – Abe khá thân mật, nhưng chiến lược "trung lập Nga, cô lập Trung" của Thủ tướng Nhật còn rất nhiều rào cản để có thể hiện thực hóa. (Ảnh: Sputnik)
Chưa thể "trung lập Nga"
Hiện tại Nhật Bản đang nằm trong liên minh cấm vận Nga, do đó việc nâng tầm quan hệ với Nga là chưa thể.
Chuyến thăm không chính thức của Shinzo Abe tới Nga hồi tháng 5, dù đem lại nhiều hy vọng hòa dịu quan hệ, vẫn khiến nước Nhật đối mặt rủi ro.
Khi đó, Giáo sư James Brown từ Đại học Temple ở Tokyo cho rằng : "Abe đang có một rủi ro rất lớn vì các thành viên G7- khác đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng. Trong đó Obama đã trực tiếp điện thoại cho Abe rằng, việc thăm Nga của người đứng đầu chính phủ Nhật là chưa thích hợp".
Washington thì nhận định mối quan hệ với Nga "không thể bình thường" chừng nào Moscow "còn vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine".
Sự việc tiếp tục xấu hơn ở Hội nghị G-7 tại Ise Shima, khi Abe muốn làm trung gian cho việc kết nối Nga với G-7, quá đó hy vọng tái lập G-8. Vậy nhưng Tuyên bố chung Ise Shima 2016 tiếp tục lên án Nga trong vấn đề Ukraine, khiến bao công sức của Abe "đổ sông đổ biển".
Triển khai chiến lược "trung lập Nga, cô lập Trung" có thể khiến chương trình Abenomics đầy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe phá sản. (Nguồn : Bloomberg)
Rõ ràng khi hướng về nước Nga là Abe muốn khai thác lợi ích tiềm năng của quan hệ Nga – Nhật, song với những động thái bất lợi trong liên minh cấm vận, khiến cho ông Abe như bị "bó chân bó tay".
Trong khi nước Nga cũng đang lao đao vì hai gọng kìm nguy hại "cấm vận – giá dầu", Putin đã nâng tầm kết nối Nga – Trung, để hy vọng sự tiếp sức từ những đồng nhân dân tệ. Do vậy, muốn thay đổi thái độ của Nga với Trung Quốc thì nước Nhật phải có lợi ích để đánh đổi.
Các mục tiêu phát triển hợp tác với Moscow của ông Abe dường như bị vô hiệu hóa ngay từ đầu bởi "vòng kim cô" cấm vận của phương Tây.
Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc gần như không đạt được tiến triển thực tế, bất chấp Moscow và Tokyo đều khẳng định sẽ tiến hành đàm phán.
Không những vậy, việc giải quyết dứt điểm tranh chấp lãnh thổ Nga – Nhật không hoàn toàn là mong muốn của Washington. Bởi lẽ, khi vấn đề được giải quyết, quan hệ Nga – Nhật hết rào cản thì Mỹ cũng nhìn thấy nguy cơ đồng minh xa cách.
Do đó, Mỹ luôn không sốt sắng hỗ trợ Nhật về tranh chấp với Nga. Việc Nhật muốn hình thành liên minh với Mỹ đối trọng với Trung Quốc luôn nằm trong giới hạn của Washington.
Trong bối cảnh hiện nay, để "trung lập Nga" thì chính phủ Nhật phải thực hiện được 2 vấn đề: Giúp Nga thoát khỏi cấm vận và nhượng bộ trong vấn để lãnh thổ. Nghĩa là lợi ích mà Moscow có được từ Tokyo phải lớn hơn lợi ích khai thác được từ quan hệ Nga – Trung.
Điều đó với Abe ở thời điểm hiện tại gần như là không thể.
Biểu đồ về sự phụ thuộc trong hoạt động của các quốc gia trên thế giới vào Trung Quốc. (Nguồn : Oxford Economics)
Chưa thể "cô lập Trung"
Nhìn vào biểu đồ trên cho thấy, Nhật nằm trong 6 nền kinh tế phụ thuộc lớn nhất vào kinh tế Trung Quốc và chịu ảnh hưởng đáng kể khi Trung Quốc điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế hoặc hai nước căng thẳng trong quan hệ ngoại giao.
Nikkei Asian Review ngày 21/9 dẫn số liệu từ báo cáo của chính phủ Nhật Bản cho thấy tháng 8/2016 kim ngạch xuất khẩu giảm tháng thứ 11 liên tiếp với mức 9,6% so với cùng kỳ năm 2015, xuống 5.320 tỷ yen (52,13 tỷ USD), thiệt hại lớn nhất là ngành thép và sản xuất xe hơi.
Trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8,9% xuống 968.94 tỷ yen (9,5 tỷ USD), giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng hơn 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, của Nhật Bản, vì vậy sự co lại của kinh tế Trung Quốc là rất nguy hại cho Nhật Bản.
Trong khi đó, các đồng minh phương Tây chưa phát huy được nhiều sự hỗ trợ với Tokyo.
Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến sự rời bỏ tư cách thành viên của Anh, trong đó có sự nâng tầm quan hệ của London với Bắc Kinh.
Còn ở Mỹ, Bộ thương mại nước này hôm 17/5 thông báo thuế chống bán phá giá thép cuộn không gỉ cán nguội nhập từ Nhật Bản chịu biên độ 71,35%.
Như vậy là các đồng minh của Nhật không chia sẻ được nhiều những thiệt hại trong việc hạ tầm quan hệ với Trung Quốc.
Nếu Abe mạnh tay trong nỗ lực cô lập Bắc Kinh thì chắc chắn Tokyo sẽ bị trả đũa. Tổn hại nặng nề nhất là ở nền kinh tế.
Ở một khía cạnh khác, Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Hàng Châu hồi đầu tháng 9 được đánh giá là một thành công của Tập Cận Bình trong nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Khi Nhật chưa kịp tăng tốc định hình liên minh nhằm đối kháng và cô lập Trung Quốc, có thể Abe đã nhận đòn "gậy ông đập lưng ông". Bởi lẽ, cho đến lúc này những hành động của Washington và Tokyo hầu hết là bị động đối phó với sự "tác oai tác quái" của Bắc Kinh.
Do vậy, chiến lược "trung lập Nga, cô lập Trung" của Thủ tướng Nhận Shinzo Abe chưa đảm bảo cả điều kiện cần và đủ để có thể hiện thực hóa thành công.