Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết như vậy tại buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương chiều 21-7.
Theo ông Vũ, trước khi bùng phát dịch lần 4, mỗi ngày 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn tiếp nhận khoảng 7.000 - 9.000 tấn rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm.
Lượng hàng này không tiêu thụ hết tại TP HCM mà phân phối đến nhiều tỉnh, thành khác ở khu vực Đông, Tây Nam bộ. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, xuất hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 tại 3 chợ đầu mối, TP buộc phải lần lượt đóng cửa cả 3 chợ.
Trong thời gian chợ đầu mối đóng cửa, nguồn hàng hoá cung cấp cho người dân TP chủ yếu phụ thuộc vào các hệ thống phân phối hiện đại và 1 phần ở kênh truyền thống do các thương nhân chợ đầu mối thực hiện mua bán qua điện thoại, zalo, tổ chức nhận - giao hàng thông qua chành, vựa và điểm trung chuyển.
Đến thời điểm hiện tại, thông qua nhiều hình thức phân phối như bán hàng trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng, các website bán hàng trực tuyến, các hệ thống bưu điện, doanh nghiệp logistics, chuỗi cửa hàng chuyên doanh… tham gia bán hàng lưu động, các hình thức đi chợ giùm, đặt hàng trước... áp lực cung ứng hàng hoá cho TP HCM đã dần được giải toả.
"Hiện lượng hàng tương đối ổn định nhưng giá một số mặt hàng vẫn cao, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm đang phải gồng gánh, chịu lỗ để giữ giá.
Đơn cử như mặt hàng trứng gà đang bán giá bình ổn tại hệ thống Saigon Co.op chỉ 29.000 đồng/chục nhưng giá mua vào của DN bình ổn đã lên đến 31.000 đồng/chục" - ông Vũ phản ánh và kiến nghị Bộ Công Thương cùng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với các đơn vị cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng giá bình ổn để thực hiện bình ổn giá thị trường TP HCM.
Thực tế, diễn biến giá trứng hút hàng, có thời điểm khan hiếm và tăng giá đột biến trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng này chịu nhiều áp lực.
Bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho biết mỗi ngày công ty bán ra thị trường TP HCM khoảng 1 triệu quả trứng, trong đó khoảng 50% từ nguồn thu mua ở các trang trại bên ngoài.
Giá trứng gia cầm trên thị trường tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn khá cao, doanh nghiệp bình ổn giá mặt hàng này đang tiếp tục gồng lỗ để góp phần kéo giá xuống
"Giá trứng tăng chóng mặt do giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 20%-30% từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển cũng tăng do Covid-19, cầu thị trường tăng nên các trại nâng giá lên 30.000 đồng - 31.000 đồng/chục, công ty cũng phải mua để bảo đảm đủ sản lượng cho thị trường TP" - bà Ba Huân cho hay.
Công ty Ba Huân đã cắt gần như 100% sản lượng cung ứng cho các lò bánh, ngưng giao hàng đi tỉnh để tập trung thực hiện bình ổn thị trường TP.
"Mấy ngày trước, tình hình thị trường ổn định trở lại, Sở Công Thương có hỏi tôi cần đề xuất điều chỉnh giá trứng gà bình ổn thị trường lên mức hợp lý không, tôi đã cân nhắc và tự nguyện giữ giá thêm vài ngày nữa để thị trường thật ổn rồi mới xin điều chỉnh" - bà Ba Huân chia sẻ.
Các doanh nghiệp cho biết thêm, do giá nguyên liệu đầu vào lẫn giá đầu ra sản phẩm trên thị trường tăng cao nên từ đầu tháng 6, doanh nghiệp bình ổn đã đề xuất TP điều chỉnh giá bán mặt hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường lên mức giá hợp lý.
Tuy nhiên, trong quá trình xét duyệt, do diễn biến dịch phức tạp, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, đẩy giá trứng ngoài thị trường tăng gần gấp đôi bình thường nên đề xuất này được tạm gác lại.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NN-PTNT và các địa phương, doanh nghiệp, thống nhất phương án hỗ trợ nguồn cung hàng hoá cho thị trường TP HCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Thứ trưởng nhận định diễn biến của dịch Covid-19 có thể xảy ra rất nhanh nên Sở Công Thương phải có kịch bản đối phó với tình huống xấu hơn so với hiện nay, thậm chí cần phải lường được tình huống xấu nhất để xây dựng các kịch bản phù hợp, có giải pháp ứng phó kịp thời.