Mỹ không kích hạ sát tướng cấp cao đầy quyền lực của Iran
Lầu Năm Góc ngày 3/1 xác nhận, Thiếu tướng Qassem Soleimani - Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích vào Sân bay Quốc tế Baghdad, Iraq mà Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là “hành động phòng thủ quyết đoán”.
"Theo mệnh lệnh của Tổng thống, Quân đội Mỹ đã thực hiện một hành động phòng vệ quyết đoán để bảo vệ các nhân viên Mỹ ở nước ngoài bằng cách tiêu diệt Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran", thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
“Tướng Soleimani là người đã chủ động xây dựng các kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ ở Iraq và trên khắp địa bàn trong khu vực”.
Lầu Năm Góc cũng cáo buộc Soleimani đã tiến hành các vụ tấn công vào binh lính Mỹ và Đại sứ quán nước này ở Baghdad thời gian gần đây, đồng thời khẳng định vụ không kích trên là nhằm “ngăn chặn các kế hoạch tấn công trong tương lai của Iran".
Qassem Soleimani được đánh giá là một trong những nhân vật quân sự nổi bật và có ảnh hưởng nhất ở Iran hiện nay. Ông ta từng dẫn đầu các hoạt động quân sự ở nhiều nước, gồm cả Iraq, Afghanistan và các nước Caucasus và được cho là một trong những người gần gũi nhất với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.
Tại Tehran, Qassim Soleimani vẫn được ví như "vị tư lệnh trong bóng tối" trong suốt thời gian ông này là chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds, một cánh tay đắc lực của (IRGC) chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động đặc biệt bên ngoài lãnh thổ Iran.
Giới chức Mỹ từ lâu đã coi Soleimani là một trùm khủng bố và phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq cũng như các lợi ích của Washington trên khắp thế giới.
Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds đã bị tử vong trong vụ không kích ở gần Sân bay Quốc tế Baghdad, Iraq. Ảnh: Guardian
Hành động trả đũa mạnh mẽ đang ở phía trước?
Vụ sát hại Qassem Soleimani được đánh giá sẽ kích hoạt một làn sóng báo thù mới mà theo tướng David Petraeus, người từng giám sát việc điều chuyển binh sĩ Mỹ tới Iraq sau cuộc xâm lược năm 2003 thì “hoạt động trả đũa sẽ diễn ra ở Iraq, Syria và cả khu vực”.
Hessamoddin Ashena, cố vấn của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Washington “đã vượt qua giới hạn đỏ” khi tiến hành ám sát tướng Qassem Soleimani và do vậy sẽ phải “đối diện với những hậu quả do chính mình gây nên”.
Ông Hessamoddin Ashena cũng tuyên bố Tổng thống Donald Trump đã đẩy nước Mỹ vào “những tình thế nguy hiểm nhất trong khu vực”.
"Iran không thể không trả đũa", Afshon Ostovar, chuyên gia về Soleimani kiêm tác giả cuốn sách “Vanguard of the Imam” viết về lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Cuộc không kích bất ngờ của Mỹ cũng đã giết chết một chỉ huy của phong trào vũ trang Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, người có mặt trong cùng đoàn xe với Soleimani.
"Tôi không thể tin nổi", một quan chức Mỹ ẩn danh bình luận. "Mối quan ngại trước nhất đối với tôi lúc này là: Iran sẽ thực hiện hành động gì tiếp theo? Liệu đây có phải là sự khởi đầu cho một cuộc bất ổn mới trong khu vực?".
Một cựu quan chức Mỹ khác, người từng có nhiều kinh nghiệm xử lý vấn đề Trung Đông cho rằng, vụ không kích của Mỹ đặc biệt đáng chú ý bởi nó đã tấn công vào một lãnh đạo cấp nhà nước, điều này hoàn toàn trái ngược với các nhân tố phi nhà nước.
"Chúng ta cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh", vị quan chức trên nhấn mạnh.
Trong khi đó, một quan chức nữa phụ trách địa bàn Trung Đông làm việc cho chính quyền Mỹ hiện nay cũng dự đoán rằng, hành động trả đũa do Iran tiến hành có thể diễn ra ở bất cứ địa bàn nào: "Đó có thể là các mục tiêu ở châu Phi, hoặc cũng có thể là ở Mỹ La Tinh hay vùng Vịnh hay bất cứ đâu".
"Iran có thể rất dễ dàng tấn công đáp trả các mục tiêu mà họ xem là lực lượng ủy nhiệm của Mỹ tại khu vực, trong đó có cả nhà nước Israel và Saudi Arabia", Philip Smyth,chuyên gia thuộc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington chia sẻ trên tờ The Jerusalem Post.
Cái chết của Qasem Soleimani là không thể xem nhẹ bởi đây là nhân vật chịu trách nhiệm điều hành gần như toàn bộ các chiến dịch quân sự của Iran trên khắp Trung Đông.
Đây là cách tướng Joseph Votel, chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) giải thích về vai trò của Soleimani hồi năm 2018: "Bất cứ nơi đâu bạn nhìn thấy hoạt động của Iran là bạn nhìn thấy Qasem Soleimani, dù đó có ở Syria, Iraq hay Yemen. Ông ta luôn có mặt ở đó cùng với sự xuất hiện của đặc nhiệm Quds, tổ chức mà ông ta cầm đầu".
Trong suốt thập kỷ vừa qua, Iran đã phát động nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, ở Iraq, Syria và Yemen, đồng thời Tehran cũng kiểm soát phần lớn Lebanon thông qua phong trào vũ trang Hezbollah. Soleimani chịu trách nhiệm về tất cả các chiến dịch này.
Chưa hết, Soleimani còn giám sát các hoạt động chống lại binh sĩ Mỹ ở Iraq thông qua các nhóm bán vũ trang dòng Hồi giáo Shia khiến hàng trăm lính Mỹ thiệt mạng kể từ sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Tướng Qassem Soleimani (giữa) tham dự một cuộc họp của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: AP
Vì vậy, câu hỏi làm đau đầu giới quan sát hiện nay là: Iran sẽ phản ứng như thế nào?
Những tháng gần đây, họ đã tiến hành nhiều vụ tấn công với mục đích được cho là nhằm kích động Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực nhưng lại chưa tới mức làm bùng phát cuộc chiến tranh toàn diện.
Tháng 6/2019, Iran bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Hành động chút xíu nữa đã khiến Mỹ đáp trả bằng biện pháp quân sự nhưng sau đó lại không tiến hành khi Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định: "Chưa phải lúc!".
3 tháng sau đó, một loạt tên lửa và máy bay không người lái lại ồ ạt tấn công xuống 2 trong số nhiều cơ sở dầu mỏ quan trọng nhất thế giới của Saudi Arabia. Iran cũng bị cáo buộc đứng đằng sau sự việc.
Phản ứng trước cuộc tấn công, Tổng thống Trump ngay lập tức đăng tải trên tài khoản Twitter nội dung: Nước Mỹ đã trong tình thế "đạn đã lên nòng" và chỉ chờ xác định xem thủ phạm là ai.
Tuy nhiên, sau đó ông lại quyết định không hành động để tránh bị cuốn vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông và không cho phép tiến hành chiến dịch quân sự đáp trả một vụ tấn công vào quốc gia đồng minh thân cận.
Thế nhưng, giống như những gì đã thực hiện vào tháng 10/2019 khi phê chuẩn kế hoạch tập kích và tiêu diệt trùm khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi, ông Trump cũng chính là người thông qua chủ trương sát hại Soleimani.
Vụ không kích hôm 3/1 cho thấy, người đứng đầu Nhà Trắng đang rất tự tin trong việc sử dụng sức mạnh quân sự Mỹ.
Iran chắc chắn biết rõ điều này. Cả khu vực Trung Đông dường như đang nín thở chờ xem Iran sẽ tiến hành những bước đi nào tiếp theo để báo thù cho cái chết của thủ lĩnh cấp cao của họ.