Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần Lá chắn Arab 1 được khởi động tại Ai Cập thứ 7 tuần qua đã quy tụ quân đội và các cố vấn từ 8 nước Ả Rập. Sự kiện này kéo dài tới ngày 16/11 và mang tới một cái nhìn thoáng qua về sức mạnh chung của các lực lượng quân đội hùng mạnh nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, cuộc tập trận quy mô nhất khu vực Ả Rập này cũng cho thấy sự chia rẽ chính trị đang phần nào phân tán mặt trận thống nhất chống lại Iran ngay cả khi chính quyền Donald Trump tiếp tục áp những đòn trừng phạt nặng nề vào Tehran ngày 5/1. Qatar đã bị loại ra khỏi sự kiện này, đang có sự tham gia của Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain và Jordan. Các cố vấn từ Lebanon và Morocco cũng góp mặt.
"Trăn trở" tham vọng MESA
Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA), tên mà Washington đặt ra cho kế hoạch thiết lập một khối liên kết trong khu vực, (sau khi từng bị trì hoãn) dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 1 năm tới, nhưng có thể vẫn sẽ tiếp tục bị hoãn lại.
Một quan chức Mỹ nói với Al-Monitor rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng sẽ thấy một giải pháp cho căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh trước khi liên minh này được chính thức hóa.
"Mỹ chính xác muốn rằng, một liên minh khu vực nên bao gồm toàn bộ khối GCC [Hội đồng hợp tác vùng Vịnh", ông Zack Gold, một nhà phân tích tại CNA – trung tâm tham vấn quốc phòng tại Washington cho biết. Trong khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vẫn chưa hạ màn thì Doha đã cho biết sẽ chi hơn 1,8 tỷ USD để nâng cấp căn cứ không quân al-Udeid - nơi đang có 10.000 lính Mỹ trú đóng.
Dù vậy, ông Gold nói thêm rằng, sự hợp tác quân sự của Mỹ với các nước vùng Vịnh không hoàn toàn bị trật bánh bởi cuộc khủng hoảng về Qatar.
Vào tháng 8, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết, 800 lính Mỹ đã tham gia Chiến dịch Bright Star, một cuộc tập trận cũng diễn ra tại Ai Cập và có sự tham gia của 16 quốc gia.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia và Ai Cập cũng đã kết thúc một cuộc tập trận 10 ngày vào cuối tháng 10 với tên gọi Tabuk 4 và Riyadh cũng từng tổ chức một cuộc diễn tập 20 quốc gia có tên là North Thunder vào năm 2016, bao gồm 350.000 quân từ các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, trong đó có Qatar.
Tuy nhiên, hiệp định MESA bị trì hoãn lâu nay có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới, khi chính quyền Mỹ thúc đẩy một lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc hậu thuẫn tại Yemen và một cuộc điều tra đầy đủ về vụ giết hại nhà báo 2 quốc tịch Mỹ và Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Một quan chức Mỹ nữa đã chia sẻ với Al-Monitor vào tháng 9 rằng, cuộc họp về MESA, được lên kế hoạch lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm nay, đã dự kiến sẽ tập trung vào việc hòa giải GCC, chứ không chỉ riêng về việc tập trung chống lại Iran.
Tim Lenderking, Phó trợ lí Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Vịnh Arab đã nói với tờ The National vào tháng 9 rằng, MESA sẽ giúp tạo ra một "lá chắn mạnh" chống lại các cuộc tấn công mạng của Iran, và có thể giúp giải quyết các cuộc xung đột ở Syria và Yemen.
Nhưng các quan chức Mỹ cho tới nay đã thất bại trong việc đưa ý tưởng này cất cánh trong nhiều thập kỷ. Năm 1997, người đứng đầu CENTCOM lúc đó là Anthony Zinni ủng hộ việc xây dựng một liên minh Ả Rập trong các kế hoạch tác chiến để chống lại Iran thay vì mở một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu.
Ông Zinni lo ngại lực lượng Iran gắn bó với chính phủ và thân cận địa hình miền núi của nước này sẽ đánh bại cuộc tấn công trên. Sau khi ý tưởng trên chưa thành công, một nỗ lực của chính quyền Barack Obama để phát triển một lá chắn tên lửa với quy mô bao trùm các nước GCC cũng bị đình trệ.
Mỹ chuyển biến chiến lược con đường Trung Đông
Cuộc tập trận Lá chắn Arab 1 tại Ai Cập lần này diễn ra sau khi hai đời bộ trưởng quốc phòng Mỹ cuối cùng đã cố gắng giữ cho các lực lượng Mỹ tránh khỏi nguy hiểm tại khu vực bằng cách chuyển giao hoạt động chiến đấu cho các đối tác ở Iraq, Syria và Yemen, đồng thời hỗ trợ các quốc gia Ả Rập thông qua hoạt động đào tạo, yểm hộ trên không và tiếp nhiên liệu. Nhưng chiến lược đó đang bị bao vây bởi sự hỗn loạn chính trị và sự phức tạp từ đời sống của dân thường tại các chiến trường Trung Đông.
Vào tháng 9, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cho phép Mỹ tiếp tục tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của Saudi và UAE tại Yemen bằng cách xác nhận rằng liên minh này đã thực hiện một nỗ lực thiện chí để giảm thương vong dân sự sau vụ đánh bom vào xe buýt trường học trong tháng 8 ở Yemen.
Vụ việc này đã gây ra nhiều náo động trong Quốc hội và dấy lên câu hỏi Washington có nên tiếp tục ủng hộ cho Saudi tại chiến trường này hay không.
Ở những nơi khác, các lực lượng dân chủ Syria SDF do người Kurd chi phối và thân cận với Mỹ đã tạm gác lại cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS khi Thổ Nhĩ Kỳ - cũng một đồng minh NATO của Mỹ - khởi động các cuộc tấn công xuyên biên giới chống lại họ.
Ankara cho rằng người Kurd trong nhóm này có quan hệ với Đảng Lao động người Kurd PKK đang đòi li khai tại nước này.
Như vậy, sự ủng hộ của Mỹ trong việc thiết lập một liên minh "NATO Ả Rập" trong tương lai có thể bị giới hạn chỉ trong các thương vụ quân sự, mặc dù Jordan và Ai Cập đang là hai trong số những nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ. Một quan chức Mỹ nói với Al-Monitor cho biết, việc xây dựng MESA sẽ khó có khả năng nhận được ủng hộ từ những đồng đô la Mỹ đóng thuế của người dân. Bộ Ngoại giao đã giải ngân hơn 22 tỷ USD trong việc bán vũ khí của Mỹ cho Trung Đông trong năm tài chính 2018, kết thúc vào ngày 30/ 9.
"Một trong những điều mà chúng tôi muốn họ làm là họ có thể tương tác với nhau", Gold nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi bán cho họ những loại vũ khí tương tự".