Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng cường lực lượng khủng đến khu vực Ladakh và sẵn sàng khai hỏa một khi không đạt được các biện pháp ngoại giao.
Theo The Times of India, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ Đại tướng Bipin Rawat gần đây đã tiến hành thị sát khu vực biên giới phía bắc với Trung Quốc, và sau đó đã yêu cầu Sư đoàn 3 nâng cấp trạng thái sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.
Sư đoàn 3 đã nâng cấp sẵn sàng chiến đấu. Nguồn: Sina.
Hiện, Ấn Độ đang tăng cường bố trí pháo hạng nặng và cũng điều không quân giám sát khu vực. Giới quan sát cho rằng, New Delhi nhiều khả năng đang đưa pháo tự hành K9 Vajra-T lên khu vực biên giới.
Đây là loại pháo hiện đại nhất của quân đội Ấn Độ cho đến nay, có khả năng bắn tất cả các loại đạn tiêu chuẩn NATO. Nhờ tích hợp hệ thống nạp đạn tự động, K9 có thể khai hỏa với tốc độ bắn khoảng 6 viên/phút.
Ngoài ra, nhiều khả năng Ấn Độ cũng triển khai pháo M-777, đây là loại lựu pháo do Mỹ sản xuất, tương đối nhẹ, có thể vận chuyển bằng trực thăng qua các địa hình vùng núi. Tầm bắn của lựu pháo do Mỹ sản xuất này là từ 24-40 km, tùy vào loại đạn được sử dụng.
Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, lực lượng bộ binh nước này sẽ không "xuống thang căng thẳng" cho đến khi hiện trạng được khôi phục ở hồ Pangong Tso, thung lũng Galwan và một số khu vực khác.
Quân đội Ấn Độ đã phản đối quyết liệt sự vi phạm của quân đội Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh rút ngay lập tức để khôi phục hòa bình và yên tĩnh trong khu vực.
Lựu pháo M-777 do Mỹ chế tạo có uy lực mạnh mẽ ở địa hình đồi núi. Nguồn: Sina.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang gặp một vấn đề đó là việc vận chuyển vũ khí hạng nặng lên tuyến biên giới phía Bắc tương đối khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực này chưa đáp ứng được.
Ấn Độ dự kiến xây dựng 44 tuyến đường quốc lộ ở khu vực biên giới phía Bắc với tổng chiều dài lên đến 6.000 km, nhưng đến nay đa số các tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành.
Không chỉ vậy, Quân đoàn 14 hiện đang đóng quân ở biên giới có nguy cơ trực tiếp rơi vào tình huống không có bảo đảm hậu cần do hạn chế về khả năng cơ động, phản ứng nhanh đường không.
Hiện, máy bay Su-30MKI và trực thăng Mi-17 được trang bị rộng rãi trong các căn cứ không quân của Ấn Độ gần khu vực biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, do độ cao hạn chế, nên khả năng cơ động nhanh của các máy bay này cũng bị hạn chế nhiều.
Về phía Trung Quốc, kể từ sau cuộc xung đột với Ấn Độ tại khu vực Doklam năm 2017, Trung Quốc đã trang bị hàng loạt vũ khí mới cho Lục quân nước này, bao gồm trực thăng Z-20, xe tăng Type 15 và pháo PCL-181.
Các vũ khí này nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của bộ binh trên địa hình đồi núi ở biên giới với Ấn Độ.
Ảnh vệ tinh chụp khu vực bố trí quân của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ. Nguồn: Sina.
Trong đó, xe tăng Type 15 được Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt công chúng nhân lễ diễu binh mừng Quốc khánh vào ngày 1/10/2019. Với động cơ lớn, xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nhẹ Type 15 có thể hoạt động hiệu quả trên các vùng cao nguyên, khu vực vốn gây khó cho các tăng hạng nặng.
Bên cạnh đó, Type 15 còn được trang bị các hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại và pháo nòng xoắn cỡ 105 mm.
Pháo tự hành bánh hơi PCL-181 cũng là loại vũ khí mới của Trung Quốc, có thể hoạt động tốt ở những vùng núi cao.
Với trọng lượng 25 tấn, nhẹ hơn so với pháo tự hành PLZ-05, hơn nữa với thiết kế 6x6 bánh cho PCL-181 khả năng cơ động cao trên những khu vực địa hình bị chia cắt. PCL-181 có khả năng hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng chiến đấu, chế áp các trận địa pháo binh, súng cối của phía Ấn Độ.
Hiện, cả hai phương tiện hiện đại này đều đã xuất hiện trong khu vực cao nguyên thuộc khu tự trị Tây Tạng, phía tây nam Trung Quốc. Cùng với đó, gần đây Bắc Kinh cũng đã triển khai thêm 5.000 binh sĩ tới khu vực biên giới giáp Ấn Độ.
Mặc dù giữa giới quân sự và ngoại giao của cả hai bên đang tích cực tiến hành các cuộc đàm phán song phương với nhau, nhưng với quan điểm cứng rắn từ cả hai phía, không loại trừ trường hợp xảy ra một cuộc chiến quy mô nhỏ ở khu vực Ladakh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh từng khẳng định: "Người dân Ấn Độ nên yên tâm rằng trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không cho phép danh dự (tôn nghiêm) của Ấn Độ bị xâm hại”.