Cán cân và bố trí lực lượng
Các sự cố nghiêm trọng trên biên giới Ấn Độ-Pakistan, bắt đầu ngày 21 tháng 11 năm 1971, đến ngày 3 tháng 12, hai máy bay Pakistan ném bom các thành phố và sân bay Ấn Độ tại tiểu bang Jammu và Kashmir, bang Punjab,... Những cuộc tấn công này là màn khởi đầu các hoạt động chiến tranh, kéo dài hai tuần lễ và kết thúc bằng thất bại của Pakistan.
Các lực lượng hải quân của Ấn Độ trong thành phần của mình có hơn 80 tàu chiến và tàu phụ trợ, bao gồm một tàu sân bay, 2 tuần dương hạm, 6 khu trục hạm, 4 tàu ngầm và 6 tàu cao tốc mang tên lửa. Ưu thế lớn của phía Ấn Độ nằm ở chỗ trong thành phần hạm đội có các tàu cao tốc mang tên lửa diệt hạm.
Phân bố các hạm đội hải quân trước xung đột Ấn Độ – Pakistan 1971.
Đây là những tàu do Liên Xô đóng thuộc đề án 205. Người ta bắt đầu đóng chúng năm 1957. Lượng choán nước toàn thể của tàu là 216 tấn, tốc độ 30 hải lý. Tại tốc độ hành trình 30 hải lý, tàu có tầm hoạt động 800 dặm, còn khi đạt dự trữ nhiên liệu tối đa và đi ở tốc độ 14 hải lý - cự ly đó là 2000 dặm.
Dự trữ thực phẩm và nước của tàu để hoạt động độc lập - 5 ngày đêm. Vũ khí của tàu: 4 ống phóng kiểu hangar cho tên lửa diệt hạm P-15, radar phát hiện mục tiêu bề mặt và truyền chỉ thị mục tiêu cho vũ khí tên lửa "Rangout", hai pháo PK tự động hai nòng cỡ 30-mm AK-230 với radar điều khiển hỏa lực "Rys".
Tên lửa P-15 có đầu tự dẫn radar chủ động đã đi vào phục vụ năm 1960, cự ly bắn của nó là 40 km. Đầu đạn nổ phá 450 kg có thể phá hủy tàu có lượng choán nước cỡ trung bình.
Về mặt tổ chức Hải quân Ấn Độ gồm có Bộ Tư lệnh Hải quân miền Tây, miền Đông và miền Nam. Trong thành phần của Bộ chỉ huy miền Tây và miền Đông có hạm đội miền Tây và hạm đội miền Đông. Bộ chỉ huy Hải quân miền Nam có một tiểu đoàn tàu tuần tra và tàu hỗ trợ.
Lực lượng của hải quân Ấn Độ và Pakistan trước xung đột 1971.
Tính đến tính chất phân tán của không gian chiến trường, người ta đã lấy từ Hạm đội miền Tây và miền Đông của Hải quân Ấn Độ ra thành lập 2 đơn vị hợp thành tạm thời, đơn vị "Đông", có nhiệm vụ hoạt động ở Vịnh Bengal, và đơn vị "Tây" - hoạt động trong khu vực biển Ả Rập.
Trong thành phần của binh đoàn "Đông" có tàu sân bay Vikrant, 1 tàu khu trục, 3 tàu tuần tra và 2 tàu chống ngầm. Binh đoàn này đặt căn cứ tại cảng Vizagapatam.
Binh đoàn "Tây" (căn cứ Bombay) gồm có tàu tuần dương "Mysore", 6 tàu tuần tra, 3 tàu huấn luyện và 6 tàu cao tốc mang tên lửa. Binh đoàn được đảm bảo bởi một tàu căn cứ nổi cho tàu ngầm và hai tàu chở dầu.
Hải quân Pakistan được tổ chức thành các Hạm đội Đông và Tây Pakistan. Trong Hạm đội Tây Pakistan có một phân hạm tàu mặt nước, một hải đoàn tàu quét mìn và khu trục hạm và một chi đội tàu ngầm. Các tàu chiến đó đóng tại căn cứ hải quân Karachi.
Hạm đội Đông Pakistan có 1 phân hạm tàu sông và 1 chi đội tàu tuần tra cao tốc độc lập, đóng căn cứ tại các căn cứ hải quân Chittagong và Khulna. Một trong những thiếu sót nghiêm trọng của Hải quân Pakistan - không có lực lượng không quân hải quân trong biên chế. Vì vấn đề này, bộ chỉ huy Pakistan đã sử dụng các máy bay dân sự có khả năng hạn chế để do thám.
Các lực lượng hải quân Ấn Độ có ưu thế đáng kể về số lượng so với Hải quân Pakistan và có sự cân bằng tốt hơn. Ngoài ra, các tàu của Hải quân Ấn Độ cũng được trang bị các vũ khí tốt hơn.
Trận hải chiến khốc liệt
Nhiệm vụ chính của Hải quân Ấn Độ - phá hoại tuyến hàng hải của Pakistan, thiết lập sự kiểm soát tuyến hàng hải trung lập để ngăn chặn việc cung cấp hàng hóa quân sự cho Pakistan từ các nước đồng minh. Bộ chỉ huy Hải quân Ấn Độ có ý đồ phong tỏa bờ biển của cả Đông và Tây Pakistan.
Nhiệm vụ đặt ra trước Hải quân Ấn Độ là phải làm sao tiêu diệt được tàu địch trên biển và tại căn cứ. Người ta dự kiến giáng các đòn tấn công bằng không quân và pháo-tên lửa vào các cơ sở trên bờ cũng như đổ bộ chiến thuật để hỗ trợ các lực lượng lục quân trên bộ.
Trong thời bình, Hải quân Ấn Độ trong các cuộc tập trận tham mưu-chỉ huy và tập trận thực binh đã luyện tập nhiệm vụ tiến hành các cuộc không kích mạnh mẽ vào Karachi.
Hải quân Ấn Độ còn có nhiệm vụ phòng thủ: bảo vệ các tuyến đường biển của mình ở Biển Ả Rập và Vịnh Bengal, bảo vệ các căn cứ hải quân, bến cảng và vùng duyên hải trước các cuộc tấn công từ hướng biển.
Như vậy, Hải quân Ấn Độ cần phải tiến hành các hoạt động tấn công tích cực.
Tại biển Ả Rập đã tập trung lực lượng hải quân của các bên liên quan đến cuộc xung đột vũ trang. Vì vậy, ở đây đã diễn ra các hoạt động chiến tranh chủ yếu trên biển.
Các hoạt động quân sự trên biển Ả rập trong cuộc xung đột Ấn Độ – Pakistan 1971.
Khi bắt đầu cuộc xung đột, các tàu của Hạm đội Miền Tây Ấn Độ đã tiến hành phong tỏa căn cứ hải quân Karachi, và sau đó đến lượt các căn cứ và các cảng khác của Tây Pakistan.
Vào đêm 04 rạng sáng ngày 05 tháng 12 năm 1971, nhằm làm suy yếu Hải quân Pakistan, Hải quân Ấn Độ đã tấn công vào căn cứ hải quân Karachi. Nhóm xung kích gồm các tàu cao tốc mang tên lửa "Nirghat", "Nipat" và "Veer", lực lượng đảm bảo - các tàu tuần tra "Katchall" và "Kilton".
Các tàu tuần tra thực hiện yểm hộ các tàu cao tốc mang tên lửa trong giai đoạn triển khai và thực hành tấn công tên lửa, chúng cũng bắn pháo vào căn cứ để khuếch trương thắng lợi. Lãnh đạo các lực lượng tham chiến là đại diện bộ tham mưu hải quân thiếu tướng hải quân BB.Yadav.
5 giờ trước cuộc tấn công tên lửa-pháo binh, không quân Ấn Độ đã ném bom một sân bay Pakistan mà từ đó không quân Pakistan xuất phát bảo vệ không phận căn cứ.
Khi màn đêm buông xuống, tuân thủ sự im lặng vô tuyến hoàn toàn, các tàu chiến Ấn Độ tiến gần đến bờ biển Pakistan. Ở một cự ly cách Karachi 20 dặm, các tàu tuần tra thả trôi, các tàu tên lửa đi tốc độ thấp, cải trang thành tàu đánh cá tiếp tục di chuyển về hướng bờ biển.
Mục tiêu đang tiếp cận đã bị radar dân sự Pakistan ven biển phát hiện ở khoảng cách cách bờ 40 dặm. Tàu khu trục làm nhiệm vụ tuần tra "Khyber" của Pakistan được phái đến để nhận dạng mục tiêu.
Sau khi phát hiện ra một mục tiêu lớn đang lại gần, chiếc tàu cao tốc mang tên lửa đầu đàn của Ấn Độ tấn công nó bằng một loạt phóng 2 đạn tên lửa. Trúng cả 2 phát tên lửa, chiếc tàu khu trục đã bị chìm.
Tàu khu trục làm nhiệm vụ tuần tra "Khyber" của Pakistan đã bị tên lửa diệt hạm Ấn Độ bắn chìm.
Một chiếc tàu cao tốc khác bắn một tên lửa trúng tàu quét mìn tuần tra Pakistan "Muhafiz", quả đạn tên lửa thứ hai bắn trúng tàu khu trục "Badr", giết chết toàn bộ ban chỉ huy con tàu này.
Tổn thất các loại tàu chiến trong xung đột Ấn Độ – Pakistan 1971.
Sau đó các tàu cao tốc mang tên lửa tấn công một mục tiêu lớn đang đậu trong cảng, mà các trắc thủ radar đã xác định đó là tàu tuần dương Pakistan. Trong thực tế, đạn tên lửa diệt hạm đã làm hư hại một tàu vận tải.
Sau đó, các tàu tên lửa tiến gần vào bờ và bắn hai đạn tên lửa vào các công trình bến cảng, còn các tàu tuần tra đi tốc độ lớn đã tới thì dùng pháo bắn phá tiếp căn cứ, kết quả làm một tàu quét mìn hư hỏng.
Hoàn thành xong nhiệm vụ, các tàu Ấn Độ trở về căn cứ hải quân tại Bombay. Sự thành công của Hải quân Ấn Độ là kết quả của sự hành động táo bạo, cũng như hiệu suất cao của tên lửa chống hạm.
Hải quân Pakistan thiệt hại nặng vì đâu?
Góp phần vào sự thành công còn là những lỗ hổng lớn của bộ chỉ huy Pakistan trong tổ chức bảo vệ căn cứ hải quân từ hướng biển, những thiếu sót trong việc thực hiện trinh sát và sự hoàn toàn không chuẩn bị của công tác phòng thủ chống tên lửa diệt hạm.
Cuộc đột kích này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình tiếp tục hoạt động chiến đấu trên biển. Sau khi phá hủy được các tàu khu trục và tàu quét mìn, Hải quân Ấn Độ đã làm thay đổi cán cân lực lượng trong vùng biển Ả Rập về phía có lợi cho mình.
Những thành công đầu tiên đạt được trên biển, giúp nâng cao tinh thần cho các thủy thủ Ấn Độ, khi đó họ đã đánh giá đúng khả năng của các tàu cao tốc mang tên lửa.
Đáng chú ý là khuynh hướng của bộ chỉ huy Ấn Độ tổ chức hiệp đồng chiến đấu không chỉ giữa các lực lượng khác nhau của hạm đội, mà còn với các quân binh chúng khác của lực lượng vũ trang.
Sức mạnh Hải quân Ấn Độ
Hải quân Pakistan đã hành động một cách thụ động trong cuộc xung đột. Họ không được chuẩn bị để đối phó với tên lửa hành trình, không chuẩn bị cho công tác bảo vệ các căn cứ hải quân từ hướng biển, chủ yếu do tổ chức trinh sát kém.
Kinh nghiệm sử dụng các tàu cao tốc mang tên lửa trong cuộc xung đột này đã cho thấy tiềm năng to lớn của chúng không chỉ trong việc tiêu diệt các tàu trên biển, mà còn cả trong việc phá hủy các cơ sở ven biển. Trong tương lai, kinh nghiệm này sẽ được sử dụng rộng rãi tại cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973.