Mỹ viện cớ cũ là đối phó với Nga
Tổng thống Donald Trump đã gửi bản kế hoạch về chương trình hạt nhân quốc gia có tên “Đánh giá mới về tình hình hạt nhân” (NPR) tới các cơ quan quốc phòng. Bản kế hoạch được Nhà Trắng điều chỉnh 8 năm một lần, bao gồm việc dỡ bỏ những rào cản với Bộ Năng lượng Mỹ và nâng cấp tên lửa Trident D5 phóng từ tầu ngầm.
Kế hoạch này nhằm đối phó với Nga, vốn bị Mỹ cáo buộc phát triển các tên lửa hành trình vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Song Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là “thông tin giả”.
Chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm vào Nga, nước nằm ở biên giới phía Đông NATO, là đưa ra những cáo buộc như trên cùng với giả thiết nếu xảy ra chiến tranh Nga-Mỹ, thì Nga có thể nhanh chóng triển khai các vũ khí hạt nhân chiến lược và hạ gục Mỹ.
Tuy nhiên, chính giới chuyên gia của Mỹ cũng gọi giả thiết này của Bộ Quốc phòng là “vô lý”. Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân, tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, Hans Kristensen đã phải lên tiếng phản đối và chỉ trích chiến lược này của Mỹ.
“Giả thiết này được dựng lên từ việc thông tin tình báo xác định Mỹ cần phải phòng vệ bằng việc sử dụng tên lửa có đầu đạn chiến lược bởi vì nước nào đó có năng lực quân sự lớn hơn. Tôi không nghĩ rằng Nga là kẻ thù. Và nếu kho vũ khí hạt nhân của Nga nhỏ hơn thì Mỹ sẽ không có phản ứng như thế. Giả thiết này thật lố bịch”, ông Hans Kristensen nói.
Trong khi đó, cố vấn đặc biệt của Cựu Tổng thống Barack Obama về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân Jon Wolfsthal đã lên tiếng chỉ trích bản kế hoạch của chính phủ đương nhiệm là quá hời hợt. Ông Wolfthal đặc biệt chỉ trích kế hoạch với tên lửa Trident, gọi đây là “hoàn toàn vô bổ” bởi vì Mỹ có sẵn nhiều lựa chọn hạt nhân khác.
Theo cố vấn Wolfsthal việc bắn tên lửa hạt nhân từ một tàu ngầm sẽ làm lộ vị trí và tàu ngầm dễ dàng rơi vào tầm ngắm khi bị tấn công đáp trả.
“Chúng ta chi 5 tỷ USD để khiến các tàu ngầm “vô hình” và trang bị những đầu đạn nhỏ. Nhưng họ muốn làm gì khi trang bị hẳn một tên lửa?. Điều này khiến tôi lo lắng với chiến lược hải quân”, ông Wolfsthal nhấn mạnh thêm.
Mỹ cũng đưa Triều Tiên vào kế hoạch đối phó
Bản kế hoạch NPR cũng tính đến những tình huống mới khi lực lượng hạt nhân Mỹ được huy động để đối phó với những vụ tấn công phi hạt nhân nhưng có khả năng phá hủy và sát thương lớn, hoặc các vụ tấn công nhằm vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Mỹ.
Kế hoạch này dường như là để đối phó với Triều Tiên, trong bối cảnh nước này đang cho thấy sự “tiến bộ” trong chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân của mình. Căng thẳng leo thang tột độ giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm qua. Sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên không ngần ngại đe dọa tấn công nhằm vào lãnh thổ Mỹ.
Cũng theo ông Wolfsthal, NPR giống như một thông điệp gửi tới Nga và Triều Tiên để cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn tới kết cục khủng khiếp. Ông cho rằng bản NPR cuối cùng, dự kiến được công bố cuối tháng 1 này sau khi được Chính phủ liên bang xem xét, sẽ “không đi quá xa” so với bản dự thảo.
Trong đó, bao gồm việc Mỹ từ bỏ cam kết “không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân” hay việc xây dựng Mỹ thành “siêu cường hạt nhân”.
Theo ông Wolfsthal, so với bản kế hoạch cựu Tổng thống Obama công bố năm 2010, vốn giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước và phòng thủ, thì NPR của chính quyền Trump là “một kế hoạch tồi”.
Hiện các nhà lập pháp Mỹ rất ủng hộ dự luật cấm Tổng thống Trump sử dụng vũ khí hạt nhân mà không có sự thông qua của Quốc hội./.