Trump mở toang cửa, nhường Trung Quốc làm chủ “sân sau”?

Minh Đức |

Thay đổi trong chính sách của Mỹ bất ngờ đem lại cơ hội lớn cho Trung Quốc.

Theo một số nhà phân tích, chủ nghĩa bảo hộ của tân Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những tác động ngược lên chính Washington: áp lực của ông Donald Trump dành cho các quốc gia Mỹ Latin nhiều khả năng sẽ “đẩy” khu vực này đến gần hơn Trung Quốc – đối thủ chính của Mỹ trên cả hai mặt trận kinh tế và chính trị.

Boris Martynov, Phó Giám đốc của Viện Mỹ Latin, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga (RAS) trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik cho rằng, các chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump sẽ mở toang cánh cửa cơ hội cho Trung Quốc tiến vào khu vực Nam Mỹ.

Trung Quốc sẽ không đứng ngoài

Tờ Nhân dân nhật báo gần đây từng đề cập đến việc chính quyền mới của nước Mỹ đang gia tăng áp lực lên các quốc gia Mỹ Latin. Ông Trump đã quyết định thi hành mức thuế 20% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mexico, để chi trả cho khoản tiền xây dựng bức tường biên giới giữa hai quốc gia. 

Ngoài ra, ngài Tổng thống còn đưa ra lời hứa sẽ chuyển các nhà máy của Mỹ ra khỏi lãnh thổ Mexico. 

Tuy nhiên, tờ báo Trung Quốc cũng tiết lộ rằng, Mexico mới ký kết một hợp đồng về sản xuất ô tô với JAC – một tập đoàn nhà nước của Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm ô tô đầu tiên sẽ chính thức được xuất xưởng vào nửa cuối của năm 2017.

Boris Martynov nhận xét, bài báo trên tờ Nhân dân nhật báo đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đến Washington: Bắc Kinh sẽ không đứng ngoài những thay đổi đang diễn ra tại Mỹ Latin; ngược lại, họ sẽ tìm mọi cách để có được những “món hời” lớn nhất từ quá trình này.

“Chắc chắn Trung Quốc sẽ lợi dụng cơ hội này,” Martynov nói với Sputnik, đồng thời cũng bổ sung, chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã thi hành một chính sách kinh tế được chuẩn bị rất kỹ càng đối với khu vực Mỹ Latin - vốn vẫn được coi là “sân sau” của Mỹ. 

Theo chuyên gia người Nga, những gì quốc gia châu Á đạt được cho đến thời điểm hiện tại, đang gia tăng rất ổn định và không thể xem thường.

“Ngày nay, khái niệm ‘sân sau’ không còn thích hợp nữa,” Martynov nói. “Các quốc gia Mỹ Latin đang ngày càng chứng tỏ sự độc lập về cả kinh tế và chính trị, ngay cả khi đặt lên bàn cân so sánh với các quốc gia phát triển.” 

Ông cho rằng, sự thay đổi đang diễn ra một cách “qua lại”: không chỉ Bắc Kinh tìm mọi cách tiến gần hơn Mỹ Latin, mà khu vực này cũng đang mở rộng cửa đón chào sự đầu tư đến từ Trung Quốc.

Ngoài ra, nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc đối với các hàng hoá truyền thống từ các nước Mỹ Latin, đã góp phần quan trọng giúp khu vực này vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Trong nhiều thập kỷ trước đây, phần lớn xuất khẩu của Mexico đều dựa vào thị trường Mỹ; tuy nhiên, chính sự thiếu đa dạng đã đẩy quốc gia này vào tình thế nguy khốn trong thời kỳ khủng hoảng.

Cơ hội đi kèm với thử thách

Rõ ràng bài học quý giá từ Mexico đã được các quốc gia Mỹ Latin nhanh chóng rút kinh nghiệm.

Năm 2011, Chile, Colombia, Mexico và Peru đã thành lập khối thương mại Liên minh Thái Bình Dương. 

Quyết định của Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là một đòn mạnh lên kế hoạch của Liên minh Thái Bình Dương, dự định vận hành trong khuôn khổ của TPP; tuy nhiên, cùng lúc, nó lại mở rộng cánh cửa cho hợp tác Trung Quốc – Mỹ Latin.

Tiến sỹ Ekaterina Arapova của Viện nghiên cứu quốc gia về quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) đồng tình với ý kiến của ông Martynov. 

Theo Arapova, các quốc gia Mỹ Latin dường như tỏ ra quan tâm hơn đến các cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc và các thành viên khối ASEAN. Peru từng ký kết không ít hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác của khu vực.

Bà Arapova cho rằng, Peru sẽ sớm bắt đầu các cuộc thương lượng với một số quốc gia ASEAN, như Indonesia và Việt Nam. Ngoài ra, Lima cũng đã sớm thiết lập một mối quan hệ chiến lược thân thiết cùng Bắc Kinh.

Cheng Fengying, một chuyên gia đến từ Trung tâm Kinh tế toàn cầu tại Học viện Trung Quốc về Quan hệ quốc tế đương đại (CICIR) phân tích, việc Mexico “hướng” về Trung Quốc không chỉ tạo ra các cơ hội mới cho cả hai quốc gia, mà nó còn đem lại nhiều thách thức mới.

“Những cơ hội luôn song hành với thử thách,” Cheng nói. “Mexico bắt buộc phải dành nhiều sự chú ý hơn tới các thị trường mới nổi tại châu Á và Mỹ Latin. Trong thời điểm hiện tại, các quốc gia nên sát cánh với nhau vì lợi ích chung.”

Tương tự, đối với Trung Quốc, bối cảnh thế giới hiện nay vừa mở ra cơ hội, đồng thời cũng đem lại những thách thức cho quốc gia đông dân nhất thế giới. 

“Ví dụ, một chính sách không rõ ràng của Mỹ đối với Bắc Kinh làm phức tạp hoá chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách đầu tư nước ngoài,” chuyên gia người Trung Quốc giải thích. 

“Tuy nhiên, điều tối cần thiết là, các quốc gia nên theo đuổi chiến lược và lợi ích phát triển của riêng mình. Các thị trường mới nổi sẽ có thể đối phó được những thách thức quốc tế nếu họ giữ được sự ổn định.” 

Cheng cho rằng, điều này đặc biệt quan trọng trong thời điểm Washington “đang nói một đằng, làm một nẻo.”

Nhà kinh tế học người Peru, Daniel Carpio cũng nhận định, quan điểm chính trị của tân Tổng thống Mỹ có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển cho mối liên kết Trung Quốc – Mỹ Latin. 

“Chúng tôi [Peru] đã ký kết một hiệp định thương mại tự do với Mỹ, đem lại cho chúng tôi khoảng nửa tỉ USD. Với TPP, chúng tôi hướng tới những thị trường mới, chủ yếu là ở châu Á,” Carpio nói; đồng thời cho biết, sau quyết định rút khỏi TPP của Mỹ, khu vực Mỹ Latin chắc chắn sẽ coi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại