Trump dọa đánh thuế đến 35% lên các công ty Mỹ đưa việc làm ra nước ngoài

Linh Nguyễn |

Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa áp dụng mức thuế cao đối với các công ty đến từ Mỹ nhưng lại đưa việc làm ra nước ngoài, trong khi vẫn bán sản phẩm cho thị trường nội địa.

Theo AP, kế hoạch này có thể khiến giá thành bị đội lên quá cao với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Không chỉ vậy, Trump còn đứng trước nguy cơ khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại nếu kế hoạch trở thành sự thật.

Trong loạt tweet được "lên sóng" vào Chủ nhật (04/12), ông Trump thề sẽ phê chuẩn mức thuế 35% lên các mặt hàng bán trong nội địa Mỹ, mà công ty chủ quản lại sa thải nhân công Mỹ và xây nhà xưởng sản xuất tại một nước khác.

Khi còn tranh cử, Trump đã thề rằng sẽ giúp đỡ người công nhân Mỹ, nhưng cũng sẽ cắt giảm thuế và giảm bớt quy định đối với các doanh nghiệp.

Nhưng hiện tại, ông tuyên bố "sẽ đánh thuế 35% lên những công ty muốn đưa sản phẩm của họ, oto, điều hòa,... quay trở lại thị trường nội địa."

Trump cho rằng các công ty này "nên được cảnh báo trước khi phạm phải sai lầm đắt giá".

Gary Hufbauer, nhà nghiên cứu lâu năm thuộc Học viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, nhận định rằng Trump sẽ phải đối mặt với một thách thức pháp lý khá lớn nếu ông muốn áp dụng thuế, hay còn gọi là thuế quan (thuế xuất-nhập khẩu - ND) lên một số doanh nghiệp nhất định mà không được Quốc hội thông qua.

Hufbauer cũng bày tỏ hoài nghi xoay quanh việc Trump có thể xác định được nhóm doanh nghiệp này - tức các công ty đưa việc làm ra nước ngoài, nhưng lại chuyển sản phẩm về Mỹ để bán - nhằm áp dụng mức thuế quan đặc biệt hay không. Ông dự đoán rằng tòa án sẽ ngăn chặn động thái đó.

Nhà kinh tế học Justin Wolfers thuộc ĐH Michigan tìm ra được vấn đề khác trong kế hoạch của Trump: Mức thuế quan do ông đặt ra sẽ chỉ có tác dụng với các doanh nghiệp Mỹ sở hữu nhà máy ở nước ngoài, còn các công ty nước ngoài vận chuyển hàng hóa vào Mỹ sẽ không hề hấn gì.

Wolfers nhận xét: "Thuế quan là một chuyện. Hàng rào thuế quan chỉ tấn công các công ty Mỹ lại là chuyện khác hoàn toàn."

Trump tung ra hàng loạt tweet trên chỉ ba ngày sau khi ông tuyên bố công ty Carrier đã đồng ý hủy bỏ kế hoạch chuyển 800 việc làm từ một nhà máy ở Indiana sang Mexico.

Trump dọa đánh thuế đến 35% lên các công ty Mỹ đưa việc làm ra nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Trump và phó tướng Mike Pence đi thăm nhà máy của Carriers tại bang Indiana (Ảnh: Reuters)

Thuế quan - "Con dao hai lưỡi" với Mỹ

Trong thời gian tranh cử, ông Trump liên tục đe dọa sẽ đặt ra hàng rào thuế quan mới - 35% lên hàng nhập khẩu từ Mexico, 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế quan vốn phục vụ mục đích giúp mang lại lợi thế về giá cả cho các doanh nghiệp nội địa, bằng cách đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao - và còn để trừng phạt các nước khác vì hành vi thương mại không công bằng.

Kể từ khi Trump đắc cử, nhóm chuyển giao của ông luôn gọi thuế quan là công cụ hữu dụng để khiến các đối tác giao thương của Mỹ phải thỏa hiệp.

"Thuế quan là một phần của cuộc đàm phán," ứng viên cho chiếc ghế Bộ trưởng Thương mại trong nội các của Trump, ông Wilbur Ross trả lời CNBC.

Thuế quan có thể đội giá thành lên rất cao. Thuế này được thu ở biên giới, và các nhà nhập khẩu nhiều khả năng sẽ đẩy chi phí này về phía khách hàng hết mức có thể.

Theo tính toán từ Capital Economics, mức thuế quan 45% lên hàng Trung Quốc có thể khiến giá thành sản phẩm đó tại Mỹ tăng trung bình 10%. Người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận trả thêm tiền, vì có rất ít sản phẩm thay thế hàng Trung Quốc trong nhiều ngành hàng. Ví dụ, Trung Quốc sản xuất khoảng 70% số lượng laptop và điện thoại di động của cả thế giới.

Việc đánh thuế lên các sản phẩm ngoại nhập cũng có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể phản kháng lại bằng cách kìm hãm doanh số của xe oto Mỹ và điện thoại iPhone, và đặt hàng máy bay từ hãng Airbus của châu Âu thay vì Boeing của Mỹ.

Vào năm 2009, chính quyền Obama đã đánh thuế lên lốp xe Trung Quốc, nhằm giúp đỡ nhà sản xuất lốp xe Mỹ tránh khỏi tỷ trọng nhập khẩu tăng vọt. Bắc Kinh trả đũa bằng cách nâng thuế trên thịt gà Mỹ lên tới 105%.

Các nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Peterson chỉ ra rằng, thuế quan trên lốp xe có thể đã cứu được 1.200 việc làm trong ngành công nghiệp lốp xe Mỹ. Nhưng giá thành lốp xe cao hơn đã khiến người tiêu dùng Mỹ mất thêm 1.1 tỷ USD - với mỗi việc làm được giữ lại thành công, người tiêu dùng phải đánh đổi hơn 900.000 USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại