Theo The Hill, tổng đài đường dây nóng ngăn chặn tự tử tại Mỹ liên tục đổ chuông kể từ khi Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào 09/11.
Loạt báo cáo cho thấy, phần lớn những người gọi điện hoặc nhắn tin cầu cứu đường dây nóng là thành viên cộng đồng LGBTQ (những người đồng tính, song tính, chuyển giới - ND), người nhập cư, người thiểu số hoặc các nạn nhân lạm dụng tình dụng. Họ đều bày tỏ lo lắng và sợ hãi trước chiến thắng của Trump.
Khi còn vận động tranh cử, hàng loạt cáo buộc ông Trump có hành vi sàm sỡ, tấn công tình dục đã khiến nhiều phụ nữ sợ hãi. Không chỉ vậy, cuốn băng ghi lại lời Trump coi nhẹ hành vi lạm dụng, trong đó ông nói "Đã làm ngôi sao thì bọn họ sẽ cho phép tôi được làm thế, tôi làm cái gì cũng được" càng gây phẫn nộ trong dư luận.
Trong khi đó, phó tướng Mike Pence của Trump từng thông qua một đạo luật tự do tín ngưỡng khi còn là Thống đốc bang Indiana. Đạo luật này cho phép các cơ sở kinh doanh từ chối cung cấp dịch vụ cho người đồng tính, vì lý do "tín ngưỡng cá nhân."
Đường dây nóng Phòng chống Tự tử trả lời The Washington Post rằng, trung tâm đang nhận số lượng cuộc gọi cao nhất trong lịch sử, hoàn toàn trái ngược với tình hình hậu bầu cử vào các năm 2008 và 2012, khi Tổng thống Obama chiến thắng.
Một đường dây nóng phòng ngừa tự tử khác nói với Washington Post rằng ngay sau cuộc bầu cử, đã có tới 500 cuộc gọi đến tổng đài, so với con số trung bình 50 cuộc gọi hàng ngày trước bầu cử.
Dự án Trevor - một dự án ngăn chặn tự tử trong cộng đồng LGBTQ trẻ tuổi cũng nhận thấy lượng cuộc gọi tăng vọt đến mức trung tâm này phải đăng tải dòng tin trấn an tinh thần cộng đồng trên trang web chính thức.
"Dự án Trevor, cũng như nhiều tổ chức khác, cảm thấy vô cùng kinh ngạc với kết quả bầu cử năm nay. Chúng ta vừa trải qua một trong những chiến dịch vận động khó khăn nhất, và giờ đây chúng ta cần đối mặt với hiện thực mới. Chúng tôi cam kết sẽ bảo vệ cộng đồng LGBTQ cũng như toàn bộ thanh niên, và sẽ chứng tỏ rằng mạng sống và tương lai của cá nhân nào cũng quan trọng như nhau."
Tổng thống được bầu cử Donald Trump và phó tướng Mike Pence trong đêm phát biểu ăn mừng chiến thắng. Ảnh: Getty
Hội chứng căng thẳng bầu cử không còn là khái niệm xa lạ. Theo The Hill, các nhà tâm lý học ghi nhận tình trạng lo lắng và sợ hãi luôn có dấu hiệu leo thang, trong và sau các cuộc bầu cử cạnh tranh sít sao.
Báo cáo tháng Mười của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) cho biết "52% người Mỹ trưởng thành thừa nhận rằng cuộc bầu cử 2016 là tác nhân gây rất nhiều căng thẳng cho họ."
Cũng trong báo cáo trên, Phó Giám đốc điều hành APA Lynn Bufka viết: "Căng thẳng bầu cử càng bị thổi bùng lên qua tranh cãi, câu chuyện, hình ảnh và video trên các mạng xã hội. Những yếu tố này gây lo ngại và mệt mỏi, đặc biệt là hàng nghìn bình luận không chỉ mang tính thù địch mà còn gây kích động."