Trong diễn văn nhậm chức hôm 20/1, tân Tổng thống Mỹ Trump cho biết sẽ thiết lập các chính sách theo hướng chủ nghĩa bảo hộ, kết thúc chính sách thương mại tự do. Ông từng nói rằng chính sách thương mại tự do đã gây ra sự suy thoái kinh tế Mỹ, là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của các lĩnh vực công nghiệp nước ngoài.
Trump tuyên bố: "Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta. Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ dẫn đến thịnh vượng và sức mạnh. "
Nhà Trắng cũng đã ban hành một tuyên bố cho biết Mỹ sẽ tái đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được ký vào năm 1994 với Canada và Mexico.
Hôm 23/1, ông Trump ký lệnh rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do đang chờ phê chuẩn - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - bao gồm Mỹ và 11 đối tác ở Thái Bình Dương, quy mô chiếm 40% GDP toàn cầu.
Lãnh đạo các nước châu Á vẫn duy trì thái độ dè dặt và thận trọng trước những quan điểm cứng rắn có liên quan đến thương mại mà Tổng thống Trump đã tuyên bố.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Trump trên màn hình và tỷ giá đồng yên (ngày 23 /1/2017) tại một văn phòng công ty thương mại ngoại hối tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Nhật nỗ lực kéo Mỹ ở lại TPP
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong cuộc họp báo hôm 23/1 tuyên bố, Tokyo hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Washington.
Tuy nhiên, theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), thị trường chứng khoán Nhật đã giảm mạnh trong buổi sáng thứ cùng ngày, như một tín hiệu tiêu cực của thị trường nước này trước hướng đi của chính quyền mới tại Mỹ.
Cùng ngày Trump nhậm chức, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hiệp định TPP vào hôm thứ 6. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói rằng nếu không có sự tham gia của Mỹ, hiệp định này sẽ là "vô nghĩa".
Ông Abe đã gửi điện mừng tới Trump sau lễ nhậm chức, và bày tỏ mong muốn Tokyo sẽ hợp tác với Tổng thống mới của Mỹ nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiết lộ, nước này đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp giữa nguyên thủ quốc gia hai nước, tạo điều kiện để ông Abe nhấn mạnh về tầm quan trọng của TPP với Trump.
Các công ty Nhật Bản có hơn 1.000 nhà máy ở Mexico và xuất khẩu các sản phẩm của mình vào Mỹ, vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào trong NAFTA đều sẽ khiến họ phải chịu tổn thất.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimura trong một tuyên bố bằng văn bản hôm 21/1 cho biết: "Các phương pháp thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, như rút khỏi TPP và đàm phán lại NAFTA, sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế thế giới".
Hàn Quốc hứa tuân thủ hiệp định thương mại với Mỹ
Mặc dù không phải là một thành viên của TPP, nhưng đã ký với Mỹ một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã từng bị Trump chỉ trích. Một số doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng Hàn Quốc tìm cách né tránh thỏa thuận này bằng các quy định phi thuế quan một cách quá mức và gây khó hiểu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn hôm 23/1 cho biết, chính phủ của ông đã liên lạc với chính quyền Trump để đảm bảo rằng Seoul sẽ thực hiện đúng các thỏa thuận.
Ông Hwang nói: "Chúng tôi đang giải thích đầy đủ các lợi ích chung của chúng ta với Mỹ, cũng như những đóng góp cho quan hệ Hàn-Mỹ để thuyết phục họ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ thông qua hợp tác."
Yêu cầu các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc trả thêm kinh phí cho sự hiện diện của quân đội Mỹ là một trong những chính sách mà ông Trump đã nêu khi tranh cử (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Chia sẻ kinh phí quốc phòng
Về vấn đề chi tiêu quốc phòng, Tổng thống Trump nói rằng những chính sách hiện nay của Mỹ "chi tiền cho quân đội các nước khác trong khi lại để cho quân đội chúng ta cạn kiệt nguồn lực một cách đáng buồn."
Trong chiến dịch tranh cử, Trump cho rằng Nhật và Hàn Quốc là những đồng minh được hưởng lợi từ sự bảo hộ quân sự của Mỹ mà không phải trả toàn bộ chi phí quốc phòng với Mỹ.
Hiện tại có 50.000 lính Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, hơn 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, nhằm duy trì an ninh khu vực và bảo vệ các nước đồng minh của Washington trước sức ép từ Triều Tiên hay Trung Quốc.
Báo Korea Times (Hàn Quốc) bình luận, trước "các vấn đề gai góc" - ám chỉ yêu cầu về chia sẻ chi phí quân sự của Trump, chính phủ Hàn Quốc nên chuẩn bị các sách lược hợp tác "cùng thắng" với Mỹ.
Tuy nhiên, cả Tokyo và Seoul đều nói rằng họ tuân thủ các thỏa thuận chia sẻ quốc phòng hiện nay. Nhật Bản đã chi trả khoảng 1,6 tỷ USD cho các khoản chi tiêu quốc phòng, trong khi Hàn Quốc mỗi năm cũng chi trả cho Washington nhiều hơn 86 triệu USD mỗi năm.