“Trùm tình báo” Ukraine xướng tên đồng minh đáng ngại nhất của Nga, không phải Trung Quốc

Hữu Hiển |

Phát biểu tại Kyiv hôm 14/9, ông Budanov cho biết, viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga khiến Ukraine lo ngại hơn so với những hỗ trợ mà các đồng minh khác của Nga đã cung cấp.

Tờ Business Insider đưa tin, trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga đã hình thành liên minh chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, và thúc đẩy quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov, đồng minh quan trọng nhất của Điện Kremlin trong cuộc chiến không phải là Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế và quân sự, mà là Triều Tiên.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov. Ảnh: RBC-Ukraine

Viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga khiến Ukraine lo ngại

Hãng Reuters đưa tin, phát biểu tại một sự kiện ở Kyiv hôm 14/9, ông Budanov cho biết, viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga khiến Ukraine lo ngại hơn so với những hỗ trợ mà các đồng minh khác của Nga đã cung cấp.

"Họ [Triều Tiên] cung cấp một lượng lớn đạn pháo, điều này rất quan trọng đối với Nga", ông Budanov nói, cho rằng những đợt giao hàng như vậy đã làm gia tăng các cuộc giao tranh trên chiến trường.

Theo Business Insider, mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên đã gặp nhiều khó khăn do bị áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cải thiện tình hình, ký kết một hiệp ước an ninh có giá trị với Nga vào tháng 6 năm nay.

Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine phát triển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, cả hai bên đều bắn ra một lượng lớn đạn pháo mỗi ngày và việc bổ sung nguồn cung đã trở thành một thách thức lớn.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất trong nước để cung cấp cho quân đội của mình, Nga đã tìm thấy nguồn tiếp tế đạn pháo mới ở Triều Tiên. Trích dẫn một báo cáo tình báo, một nhà lập pháp Hàn Quốc hồi đầu tháng này cho biết, kể từ năm 2022, Triều Tiên đã vận chuyển hơn 13.000 container tới Nga, trong đó có thể chứa tới 6 triệu quả đạn pháo.

Theo Business Insider, con số này lớn hơn nhiều so với số lượng đạn pháo mà các đồng minh phương Tây giàu có của Ukraine đã cố gắng gom lại. Tính từ đầu năm đến tháng 5/2024, các đồng minh châu Âu của Ukraine đã không đạt được mục tiêu chuyển 1 triệu quả đạn pháo cho nước này.

Đổi lại, Bình Nhưỡng cũng được đảm bảo an ninh từ phía Moscow, cùng với việc tiếp cận công nghệ quân sự có giá trị của Nga.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ vào tháng 5 cho biết, Triều Tiên cũng đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo, và được Nga sử dụng trong các cuộc tấn công vào các thị trấn của Ukraine.

Theo các báo cáo, đạn pháo và các thiết bị khác của Triều Tiên thường có chất lượng đáng ngờ, nhưng chúng vẫn là một nguồn lực quan trọng đối với quân đội Nga, các nhà phân tích nói với Business Insider vào tháng 8.

Ông Kim chúc "người dân Nga chiến thắng"

Theo đài RT (Nga), vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2000. Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đưa tới việc ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hiệp ước bao gồm điều khoản Nga và Triều Tiên cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị nước ngoài tấn công.

Ông Putin cũng từng nói rằng "Nga không loại trừ khả năng tăng cường hợp tác quân sự với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên", vì các quốc gia phương Tây đang cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine với số lượng lớn.

Mới nhất, RT đưa tin, một phái đoàn do Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu dẫn đầu đã đến Bình Nhưỡng vào ngày 13/9. Các quan chức Nga và Triều Tiên đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề song phương và quốc tế.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu tại Bình Nhưỡng, vào ngày 13/9/2024. Ảnh: KCNA

Thông báo của Hội đồng An ninh Nga cho biết, các cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí "tin tưởng, thân thiện", phản ánh lộ trình mà hai nhà lãnh đạo Putin và Kim đã vạch ra vào tháng 6.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin rằng, các cuộc đàm phán giữa hai ông Kim và Shoigu tập trung vào việc làm sâu sắc hơn "đối thoại chiến lược giữa hai nước và tăng cường hợp tác để bảo vệ lợi ích an ninh chung".

KCNA trích lời nhà lãnh đạo Triều Tiên ca ngợi tiến triển "mạnh mẽ" giữa Bình Nhưỡng và Moscow về "chính trị, kinh tế và văn hóa".

Ông Kim cam kết "mở rộng hơn nữa hợp tác và phối hợp với Liên bang Nga theo tinh thần của hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", theo KCNA.

Kết thúc đối thoại, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi lời chào tới Tổng thống Putin và người dân Nga, chúc họ "chiến thắng, thịnh vượng, hạnh phúc và hòa bình".

Vào giữa tháng 7, ông Kim cũng đã tiếp một phái đoàn quân sự Nga do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Aleksey Krivoruchko dẫn đầu. Theo KCNA, vào thời điểm đó, hai bên đã nhất trí rằng quân đội Triều Tiên và Nga nên hợp tác để "đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình khu vực và toàn cầu cũng như công lý quốc tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại