Số người chết dưới tay điệp viên Mossad, cơ quan tình báo Israel, nhiều hơn bất kỳ cơ quan tình báo nước nào khác kể từ thế chiến thứ II đến nay. Người ta sẽ không bao giờ biết được con số chính xác nhưng chắc chắn lên đến hàng ngàn người - theo báo Daily Mail (Anh).
Ly kỳ như phim
Đáng chú ý hơn, số vụ ám sát diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian qua - khoảng 800 vụ trong thập kỷ rồi, theo cuốn sách mới của nhà báo Israel Ronen Bergman kể về hoạt động của Mossad.
Dựa trên 1.000 cuộc phỏng vấn và số lượng khổng lồ tài liệu bị rò rỉ, cuốn sách này có nội dung không khác gì một tiểu thuyết trinh thám với không ít vụ ám sát phảng phất màu sắc của bộ phim tình báo bom tấn.
Trong mấy năm gần đây, Mossad đã chứng tỏ họ "xứng đáng" với đánh giá là cỗ máy giết người bí mật hiệu quả nhất thế giới. Một chiến dịch ám sát diễn ra ở Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hồi tháng 1-2010 là minh chứng rõ ràng nhất.
Khi đó, một nhóm đặc vụ Mossad đến UAE bằng hộ chiếu giả, đeo tóc và râu giả. Đóng vai du khách và người chơi quần vợt, họ đột nhập một căn phòng ở khách sạn al-Bustan sang trọng.
Mục tiêu là Mahmoud al-Mabhouh, một nhân vật cao cấp của phong trào Hamas. Ngay khi vào phòng, al-Mabhouh bị họ khống chế và tiêm chất độc vào nách bằng một dụng cụ siêu âm công nghệ cao mà không làm rách da. Người này thiệt mạng không lâu sau đó. Bốn giờ sau, cả nhóm sát thủ đã rời Dubai sau khi hoàn thành sứ mệnh.
Nhân vật đầu tiên bị ám sát mà quyển sách trên ghi lại là một cảnh sát người Anh có tên Tom Wilkin. Mùa thu năm 1944, ông Wilkin đến Jerusalem với nhiệm vụ trấn áp những tay súng theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Thời điểm đó, thành phố này thuộc Palestine đang chịu sự quản lý của Anh và nhà chức trách vất vả ngăn chặn căng thẳng giữa phe muốn một nhà nước Do Thái độc lập và người Palestine.
Tháng 9 cùng năm, trong lúc ông Wilkin tản bộ trên đường, một cậu bé ngồi bên ngoài cửa hàng tạp hóa ném mũ xuống đất - tín hiệu cho thấy mục tiêu đã trong phạm vi tấn công. Không lâu sau, 2 thanh niên Do Thái nổ súng.
Ông Wilkin quay lại và rút súng bắn trả nhưng không kịp - ông David Shomron, 1 trong 2 sát thủ, nhớ lại. Shomron không hề tỏ ra hối tiếc về hành động của mình: "Chúng tôi (khi đó) tin rằng càng nhiều quan tài đến London, ngày độc lập tự do càng gần hơn".
Suy nghĩ này hóa ra lại đúng. Đối mặt làn sóng giết chóc, kể cả vụ đánh bom khách sạn King David ở Jerusalem làm 91 người thiệt mạng năm 1946, chính phủ của ông Clement Attlee quyết định ra đi và những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đạt được điều họ mong muốn...
Đầu độc kem đánh răng
Sinh thời, cựu giám đốc Mossad Meir Dagan - người từng ra lệnh thực hiện hàng trăm vụ ám sát trong khoảng thời gian 2002-2011 vẫn lưu giữ bức ảnh chụp ông nội gốc Ba Lan của mình quỳ gối giữa vòng vây binh sĩ Đức. Không lâu sau thời khắc trong ảnh, ông nội của ông Dagan bị bắn và bị ném xác xuống ngôi mộ tập thể.
Bài học từ bức ảnh - theo lời ông Dagan nói với nhà báo Bergman trước khi qua đời năm 2016 - là "hầu hết người Do Thái trong trại tập trung đã chịu chết mà không hề chống trả. Chúng ta không bao giờ được phép quay trở lại tình huống đó, quỳ gối và bất lực phó mặc mạng sống vào tay kẻ khác".
Nội dung gây ớn lạnh nhất trong cuốn sách là chiến dịch ám sát xảy ra năm 1973. Khi đó, mục tiêu của Mossad là Ali Hassan Salameh, một trong những người bị truy nã gắt gao nhất thế giới và là một thủ lĩnh của nhóm vũ trang "Tháng 9 Đen" của Palestine từng sát hại 11 vận động viên Israel tại Olympic Munich 1972. Dĩ nhiên là Mossad muốn người này chết nhưng một sai sót đã dẫn đến thảm kịch.
Một nhóm điệp viên Mossad đã ra tay sát hại một cặp vợ chồng người Morocco vô tội tại thị trấn Lillehammer - Na Uy hôm 21-7-1973 vì nhận nhầm người đàn ông là Salameh. Hậu quả là 6 điệp viên Israel bị bắt giữ, trong đó 5 người bị kết án tù ở Na Uy.
Mossad cuối cùng đã tìm ra Salameh. Ngày 22-1-1979, mục tiêu vừa rời căn hộ ở Beirut - Lebanon thì một nữ đặc vụ Israel nhấn nút kích hoạt quả bom xe cực lớn làm nổ tung cả một góc phố. Tám người đi đường mất mạng oan uổng theo.
Một vụ ám sát khác diễn ra không khác gì nội dung bộ phim về điệp viên 007 James Bond. Vài chục năm trước, Wadie Haddad - thủ lĩnh cánh vũ trang của Mặt trận giải phóng nhân dân Palestine - là một trong những mục tiêu của Mossad. Dù vậy, 6 năm sau khi lệnh ám sát được đưa ra, ông ta vẫn sống khỏe tại ở Baghdad - Iraq.
Đến ngày 10-1-1978, một đặc vụ Mossad đã lọt vào nhà và đánh tráo kem đánh răng ông Haddad đang dùng bằng kem đánh răng khác có tẩm thuốc độc được phát triển tại một phòng thí nghiệm bí mật gần Tel Aviv.
Cứ mỗi lần đánh răng, một lượng cực nhỏ chất độc này thấm vào mạch máu thông qua lợi của ông ta. 10 ngày sau, máu rỉ ra từ khắp cơ thể và nạn nhân chết trong đau đớn.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu làn sóng giết chóc nói trên có mang lại được điều gì hay không. Kể từ khi nhà nước Israel ra đời cách đây 70 năm, thi thể đã chất thành đống nhưng vẫn chưa có hòa bình. Máu cứ chảy nhưng Israel vẫn không an toàn.
Thế nhưng, với Mossad, việc ám sát có lẽ trở nên dễ dàng đến mức các nhà lãnh đạo Israel không còn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khác.