Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ( EIA) cho biết vào ngày 1/4, Mỹ đã đánh bại cả Australia và Qatar để trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất vào năm 2023, với sản lượng xuất khẩu đạt trung bình 11,9 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d) vào năm ngoái.
Nhu cầu mạnh mẽ ở châu Âu kết hợp với việc cảng Freeport trở lại hoạt động bình thường và tỷ lệ sử dụng cao đã giúp Mỹ tăng xuất khẩu LNG lên 12% vào năm 2023, theo dữ liệu theo dõi khí đốt tự nhiên hàng tháng của EIA.
Với sản lượng xuất khẩu LNG trung bình là 11,9 Bcf/ngày vào năm 2023, Mỹ đã vượt xa các đối thủ gần nhất là Úc và Qatar. Hai quốc gia này có sản lượng xuất khẩu dao động từ 10,1 Bcf/ngày đến 10,5 Bcf/ngày hàng năm trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2023.
Xuất khẩu LNG của Mỹ đạt mức kỷ lục vào những tháng cuối năm 2023, ở mức 12,9 Bcf/ngày trong tháng 11, tiếp theo là 13,6 Bcf/ngày trong tháng 12. EIA đã ước tính rằng việc sử dụng công suất xuất khẩu LNG của Mỹ đạt trung bình 104% công suất hàng ngày và 86% công suất cao điểm trên bảy trạm LNG của Mỹ hoạt động vào năm 2023.
Tương tự năm 2022, Châu Âu bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu LNG của Mỹ vào năm 2023, đạt 7,8 Bcf/d, tương đương với 66% trong tổng xuất khẩu của Mỹ vào năm 2023. Tiếp theo là Châu Á với 26% thị phần, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông với tổng cộng 8%, theo dữ liệu EIA.
Châu Âu tiếp tục dựa vào LNG của Mỹ để thay thế lượng khí đốt bị mất từ Nga và đã tăng đáng kể công suất nhập khẩu LNG vào năm ngoái để dự trữ. Các quốc gia nhập khẩu LNG của Mỹ nhiều nhất là Hà Lan, Pháp và Anh, với tổng cộng 35%, tương đương 4,2 Bcf/ngày, trong tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ.
Trước đó trong năm 2022, Úc chiếm vị trí dẫn đầu là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới (80,9 triệu tấn). Theo sau họ là Mỹ (80,5 triệu tấn) và Qatar (80,1 triệu tấn). Vị trí thứ tư và thứ năm thuộc về Nga (33 triệu tấn) và Malaysia (27,3 triệu tấn) trong bảng xếp hạng của IGU.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, vị trí dẫn đầu của Mỹ trong xuất khẩu LNG có thể bị thách thức bởi Qatar, quốc gia đang đặt cược lớn vào các dự án mở rộng lớn nhằm nâng công suất xuất khẩu lên 85% vào năm 2030 so với mức hiện tại, trong khi Chính quyền Biden đã tạm dừng các dự án mới.
Tại châu Á, LNG đang trở thành mặt hàng được các quốc gia mạnh tay gom hàng. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào châu Á vào tháng trước đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức 24 triệu tấn, tăng 12% so với một năm trước đó.
Dữ liệu cho thấy, các nhà nhập khẩu dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, với lượng nhập khẩu dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao do tồn kho khí đốt dồi dào đang làm giảm nhu cầu cho các chuyến hàng mới và giá thấp hơn trên thị trường giao ngay.