Trùm bảo kê chợ Long Biên sa lưới như thế nào?

Đinh Hiền |

Trong một bữa tiệc sinh nhật được tổ chức cách đây không lâu, ở một nhà hàng sang trọng tại Hà Nội, Hưng “kính”, tức Nguyễn Kim Hưng - ông trùm bảo kê chợ Long Biên - đã hỉ hả cụng ly với các chiến hữu vì... “tai qua nạn khỏi”. Nghe đâu hôm ấy, mỗi vị khách ra về còn được tặng quà.

Nhưng cuộc vui ấy chỉ diễn ra hôm trước thì vài hôm sau, 3 người thân tín nhất của Hưng là Hải “gió”, Long “cao” và Vương “lợn” bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản.

Vụ án này đã được khởi tố cách đây vài tháng và đơn vị đầu tiên được đích thân Giám đốc Công an TP Hà Nội giao việc là Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Nội.

Toàn bộ hồ sơ về hoạt động bảo kê khu chợ nổi tiếng này ngày một dày lên, trong khi đó, những nhân vật chính như Hưng “kính” không hề hay biết.

Đến ngày 4-1-2019, khi Hưng “kính” và một đàn em là Tiến “hói” bị bắt thì những xôn xao lâu nay cho rằng, không ai có thể làm gì Hưng “kính” đã bị dập tắt.

Trùm bảo kê chợ Long Biên sa lưới như thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra khám xét nhà Hưng “kính”.

“Châu chấu đá voi”

Ở chợ hoa quả Long Biên, Hưng “kính” trong “biên chế” là tổ trưởng tổ bốc xếp nhưng quyền lực thật của ông ta thì tiểu thương nào cũng biết. Hưng làm nhiều việc trái pháp luật, chèn ép tiểu thương, dùng đủ các đòn bẩn ép họ xuống tiền.

Một nạn nhân của Hưng “kính” - người đã từng cay đắng nửa đêm mò ra miếu bà giữa chợ khóc ai oán, cầu xin Hưng để cho gia đình chị được yên ổn làm ăn, cực chẳng đã mới phải viết đơn tố cáo việc ông ta chèn ép, cưỡng đoạt tiền của mình.

Đơn được gửi đi các nơi nhưng quái lạ là đơn dừng ở đâu Hưng cũng biết trước và giở giọng kẻ cả, ý rằng, khôn hồn thì rút đơn đi, bằng không sẽ bị triệt đường sống.

Sau này, một kẻ trong giang hồ nói với tôi rằng, chị N. (nạn nhân) đã động vào cái điểm mà đám lưu manh kị nhất, đó là bị “xé vé”. Gửi đơn tố cáo Hưng và công khai đấu tranh với ông ta, tức là chị N. đã “xé vé” Hưng đến tận cuống.

Vậy thì, chỉ còn cách duy nhất mà trùm bảo kê này có thể làm đối với gia đình chị N., đó là triệt đường sống của chị, làm cho công việc kinh doanh gặp khó khăn cản trở, buộc gia đình chị phải rút đơn và rời khởi chợ trong trật tự.

Hưng làm thế để giữ giá cho mình, giữ sĩ diện với đám đàn em và cũng để ngầm thông báo với các tiểu thương khác: nếu không muốn bị dìm chết như chị N., thì đừng dại gì chống lại ông ta.

Dùng đủ mọi cách, từ việc đổ cá thối ra trước cửa ki-ốt hoa quả của chị N đến việc cho xe tải đỗ chình ình trước quầy, để xe hàng của chị không thể dừng xuống hàng được, Hưng đã khiến hoạt động kinh doanh của chị N. chao đảo, gián đoạn trong một thời gian, gây thiệt hại rất nhiều.

Nhưng, cái khủng khiếp hơn là cuộc tra tấn về mặt tinh thần khiến có lúc chị N muốn tìm đến cái chết.

Đã nhiều lần, Hưng sử dụng người thân quen hoặc các nhân vật giang hồ có ảnh hưởng, đứng ra can thiệp nhưng thực chất là ép chị N. rút đơn.

Theo nhiều người "hiểu việc" thì đó chỉ là đòn tạm thời của ông ta, bởi một khi chị N. rút đơn thì Hưng sẽ ngay lập tức trở mặt, nuốt lời chứ không bao giờ chịu nhún để chị yên ổn làm ăn.

Một lần, một người đàn bà cũng có sức ảnh hưởng ở chợ Long Biên, gọi cho chị N., giọng vừa rung vừa dọa, bà ta bảo: “Em mà đấu với anh Hưng khác nào châu chấu đá voi, tốt nhất nên nín nhịn rút đơn đi.

Kiện ai được, sao mà kiện thắng nổi, toàn kiện vớ vẩn. Dù gì, chị cũng buôn bán 19 năm ở chợ, chị biết cái đúng cái sai. Người cần kiện thì không kiện, toàn vớ va vớ vẩn”.

Ngang ngược đến nỗi, trong một lần trực tiếp gặp mặt chị N. về việc yêu cầu chị này rút đơn, Hưng tuyên bố: Chị N. phải xin lỗi và phải xem lại cách ứng xử đối với Hưng, nếu không, Hưng sẽ tiếp tục dìm cho không ngóc đầu lên được: “Cuộc đời này được thua anh chưa nói đến.

Anh nói với em luôn thế này, đối với anh bây giờ, thứ nhất là đồng bạc đâm toạc tờ giấy, không có tiền, không làm được gì hết. Mà trình độ của bọn em chưa đủ để đi quan hệ với ai. Trình độ vợ chồng em, anh nói thật luôn, chưa đủ để đấu với anh.

Mà giờ nhé, anh sẽ làm đơn tố cáo vợ chồng em vứt cá của anh ra đường. Anh sẽ cho em đi tù nhé!”.

M. “bồ” - một nhân vật có ảnh hưởng trong giới giang hồ, có lần nói chuyện với tôi rằng, chuyện lẽ ra rất nhỏ nhưng “thằng Hưng” nó không chịu nghe anh, để bây giờ việc nó loang ra, anh cũng bị mang tiếng lây (M. “bồ” từng được Hưng “kính” nhờ đứng ra dàn xếp để chị N. rút đơn).

Nhưng chính M. “bồ” cũng như Hưng “kính” đều không hiểu rằng, câu chuyện đã không còn dừng lại ở lá đơn tố cáo của chị N. mà nó đã thành một chuyên án của Công an Hà Nội.

Trùm bảo kê chợ Long Biên sa lưới như thế nào? - Ảnh 2.

Hưng “kính” (áo trắng) trong buổi “giao ban sáng” cùng các đệ tử.

Ép lên ép xuống

Không chỉ chèn ép hộ tiểu thương chị N., Hưng “kính” còn chèn ép rất nhiều tiểu thương khác. Nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, trong đó có chị H.C., anh V.

Có những người không chịu nổi phải bán ki-ốt vì bị Hưng dùng võ bẩn muôn thuở là cho ôtô đỗ chặn trước ki-ốt, nếu bên trên có can thiệp yêu cầu đánh xe đi nơi khác thì ông ta nói xe bị hỏng, bị xịt lốp...

Có hộ kinh doanh còn bị ông ta chôn con sơn lợp mái trước cửa quầy hoa quả, hằng ngày đỗ xe tải trước cửa ki-ốt, không cho bán hàng.

Tóm lại, bất cứ thủ đoạn lưu manh nào ông ta cũng sử dụng để chèn ép tiểu thương, khiến ý chí của họ bị lung lay, hoang mang sợ hãi.

Tiểu thương chợ Long Biên nhớ nhất là “bài” Hưng “kính” khóa 2 chiếc xe máy gỉ sét cạnh cửa ki-ốt của chị H.C., cản trở hoạt động kinh doanh của chị khiến chị H.C. chán nản mà bán lại ki-ốt cho anh Q. Hưng tiếp tục quậy phá khiến anh Q. phải cậy cục bán ki-ốt, may quá trong lúc chưa có ai mua thì anh Q. có một “người anh” đứng ra “bảo lãnh”, Hưng “kính” mới buông tha. Những trường hợp như anh Q., chị H.C.,... khá nhiều nhưng vì nhiều lý do, trong đó mục đích chính là muốn yên ổn làm ăn, họ đã im lặng.

Hưng “kính” được đánh giá là một kẻ lưu manh nhưng lại hiểu luật pháp. Đòn bẩn mà Hưng “kính” thường dùng để chèn ép tiểu thương rất khó xử lý ở điều luật nào.

Đơn giản là chiếc xe 3,5 tấn (vốn bị cấm vào chợ) hằng ngày do quân Hưng “kính” đánh ra chặn cửa ki-ốt của tiểu thương, được đám này tuyên bố là xe hỏng nhưng ai cũng biết, trước giờ họp chợ là chúng đánh vào, hết giờ lại đánh đi chở hàng bình thường.

Nếu tiểu thương nào nóng nảy, cả giận mất khôn là sa vào bẫy của chúng. Chỉ cần một hành động đập phá xe hay động thái nào đó tương tự là bị chúng tố cáo hủy hoại tài sản.

Khi không ép được chị N. rút đơn, Hưng “kính” điên cuồng cản trở việc kinh doanh của chị. Thời điểm xe hàng bòn bon (Thái Lan) về, ông ta cho đệ tử nhảy lên cản trở, khiến người của chị N. không thể bốc xếp, bán hàng được.

Không biết nhờ cậy ai, ngày 13-9-2018, trước khi họp chợ, chị N. trực tiếp gọi điện cho ông Hoàng Đình Thanh - trưởng ban quản lý chợ Long Biên, đề nghị ông này can thiệp để 2 xe hàng của chị được vào chợ an toàn.

Nhưng Hưng “kính” dằn mặt ngay lập tức bằng việc cho đồ đệ đánh xe 3,5 tấn ra bịt kín trước ki-ốt của chị N. Đêm đó, chị N. bị ế nguyên 2 xe bòn bon trị giá gần tỷ đồng...

Cái giá phải trả

Đêm 4-1-2019, cả khu phố Hàng Đậu đông nghìn nghịt. Người dân vây vòng trong vòng ngoài để chứng kiến việc bắt giữ, khám xét trùm bảo kê Hưng “kính”.

Theo cơ quan điều tra, bước đầu đã làm rõ nhóm của Hưng “kính” có hành vi cưỡng đoạt 17 triệu đồng của tiểu thương. Tổng cộng đã có 5 đối tượng bị bắt giữ trong vụ án chợ Long Biên xôn xao dư luận này.

Theo quy định, tiểu thương khi vào cổng chợ chỉ mất 15.000 - 60.000 đồng/lượt xe, xe nào vào trước thì đỗ trước. Nhưng thực tế, họ phải nộp 200.000 - 350.000 đồng/lượt.

Khi Hưng "kính" bị bắt, trên trang facebook cá nhân, rất nhiều tiểu thương đã bày tỏ cảm xúc của mình cũng như gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Cơ quan công an cùng các nhà báo đã dày công, dũng cảm điều tra hoạt động cưỡng đoạt của băng nhóm tội phạm núp dưới vỏ bọc tổ bốc xếp này.

Xin trích lời tâm sự trên facebook của một tiểu thương - người từng là nạn nhân của Hưng: “Tối qua thời sự phát sóng đã bắt thêm 2 người, trong đó có một người rất quan trọng... một người mà suốt một năm qua, chỉ cần nhắc đến tên thôi đã khiến em lo sợ đến mất ăn mất ngủ... em thật sự đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, đã có lần em nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình...

Nhưng rồi nghĩ đến cha mẹ, con cái và nghĩ đến cuộc sống của 20 nhân viên nên em đã vượt qua được giây phút đó.

Giờ thì họ đã phải trả giá cho những việc làm của họ. Em không vui khi nghe tin họ bị bắt mà em vui vì từ giờ phút này em có thể yên ổn làm ăn mà không lo bị họ cản trở, quấy nhiễu nữa...”.

Ngày 4-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thi hành lệnh bắt tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", 56 tuổi, trú tại phố Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cùng bị bắt với Hưng "kính" là Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "hói", 49 tuổi, trú tại Thúy Ái 1, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội), để điều tra làm rõ hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" tại chợ Long Biên.

Trước đó, ngày 5-12-2018, Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng là nhân viên tổ bốc xếp số 2, chợ Long Biên về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Các đối tượng bị bắt gồm: Dương Quốc Vương (Vương "lợn", 51 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Mạnh Long (Long "cao", 57 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Thanh Hải (Hải "gió", 56 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, trước khi khởi tố vụ án, bắt các đối tượng, Công an TP đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm về nhóm trên có hành vi lợi dụng việc ban quản lý chợ Long Biên giao cho thực hiện bốc xếp đã có hành vi cưỡng ép, bắt ép tiểu thương phải nộp tiền.

Ngoài ra, dù không bốc xếp nhưng nhóm này vẫn yêu cầu các tiểu thương phải nộp số tiền từ 200.000 - 300.000 đồng/ô tô, nếu ai không nộp sẽ bị gây khó khăn.

Đơn cử như khi xe ô tô chở hoa quả xuống hàng tại ki-ốt của chị N., bọn chúng cho người nhảy lên thùng xe, không làm gì nhưng vẫn đòi tiền bốc xếp. Nếu tiểu thương chống lại sẽ bị chúng gây sức ép, đánh đập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại