23:29
Theo phóng viên Thanh Hà đang có mặt tại Đà Nẵng:
Lúc 23h30 phút, tại Đà Nẵng có mưa lớn, gió rít khá mạnh. Tại khu vực cửa sông Hàn và ven biển, gió giật từng cơn, một số cây cối nhỏ ngã đổ.Để đảm bảo an toàn, tất cả các cầu qua Sông Hàn cũng được đóng, không cho phương tiện qua lại.
Trước giờ bão số 4 dự kiến đổ bộ vào đất liền, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống bão được ra đường theo chỉ đạo của chính quyền
Lực lượng Quân đội huy động xe thiết giáp xuyên đêm tuần tra trên đường phố Đà Nẵng trước giờ bão đổ bộ. Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng cho biết, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước và lên đường làm nhiệm vụ trong bão.Hiện xe thiết giáp được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố điều động có mặt trên các tuyến đường, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ.
23:17
Phóng viên Thanh Hà từ Đà Nẵng thông tin, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành- Trưởng ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, vào 0 giờ đêm nay (27/9), Ban Chỉ đạo tiền phương họp trực tuyến với các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai.Bắt đầu từ 23 giờ 15 phút, tại thành phố Đà Nẵng bắt đầu có gió mạnh sau 3 giờ lặng gió, nhiều nơi trong thành phố cắt điện đường./.
22:52
Theo phóng viên Long Phi đang có mặt tại tỉnh Quảng Nam: Tại huyện miền núi Bắc Trà My mưa to kéo dài từ đầu chiều nay. Chính quyền địa phương đã triển khai phương châm "4 tại chỗ", kích hoạt các tổ xung kích phòng chống thiên tai, di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân.
Địa phương đã xây dựng bản đồ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dựa trên kiến thức khoa học và áp dụng kinh nghiệm của bà con để di dời chính họ đến nơi an toàn. Đến thời điểm này, huyện Bắc Trà My đã di dời, sơ tán tập trung 1.500 người và sơ tán ghép hơn 10.500 người đến nơi trú ẩn an toàn; đồng thời huy động hơn 700 cán bộ, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích tham gia trực hỗ trợ, ứng cứu khi cần thiết.
Ngoài ra, địa phương này đã hỗ trợ các xã dự trữ lương thực, thực phẩm tại thôn, nóc, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu ăn, đứt bữa trong mưa bão.
22:32
Phóng viên Thanh Hà có mặt tại Đà Nẵng cho biết: Lúc này tại Đà Nẵng trời lặng gió mặc dù tâm bão chỉ còn cách đất liền khoảng 250km. Thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng cho biết, đến 22h30' tối nay, vẫn còn 60 người trên các tàu thuyền ở khu vực âu thuyền Thọ Quang.
Mặc dù trên đất liền trời lặng gió nhưng khu vực âu thuyền có sóng lớn, tàu biên phòng không thể ra cưỡng chế được.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị báo về: Đến lúc 22h00 ngày 27/9, tại Quảng Trị mưa vừa, một vài nơi mưa to, gió vừa. Lốc xoáy xảy ra tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15h30 ngày 27/9 làm nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 02 ngôi nhà sập hoàn toàn), 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Chi cục Quản lý đường bộ II.5- Cục Quản lý Đường bộ II báo cáo, tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ -20h30 đến 22h015 ngày 27/9/2022 : Thời tiết mưa to đến rất to, gió cấp 5-6 các tuyến Quốc lộ phương tiện lưu thông bình thường.
22:29
Phóng viên Vinh Thông tại Quảng Ngãi thông tin: Tại Quảng Ngãi lúc này mưa to, vùng ven biển có gió mạnh, sóng lớn.
Tại huyện Lý Sơn, nơi chịu ảnh hưởng sớm nhất của bão lúc này gió cấp 9, giật cấp 11, biển động dữ dội. Hiện Ban Chỉ huy tiền phương hỗ trợ phòng chống bão số 4 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đóng tại huyện Bình Sơn cùng các lực lượng túc trực sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Đường phố tại tỉnh Quảng Ngãi lúc này rất vắng người và phương tiện lưu thông. Người dân tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo của chính quyền địa phương ở nhà không ra đường từ 20h tối nay.
Tại các khu vực trú tránh bào, lúc này nhiều người dân an tâm ăn uống nghỉ ngơi. Chính quyền địa phương và các lực lượng khuyến cáo người dân ở lại nơi trú tránh, tuyệt đối không chủ quan trở về nhà khi bão chưa tan.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục kiểm tra, hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian mưa bão còn diễn biến phức tạp, kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng ảnh hưởng của bão.
22:20
Các phương tiện tạm dừng lưu thông tại hai đầu Bắc – Nam qua khu vực miền Trung và Tây Nguyên.Phóng viên Văn Ngân/VOV.VN thông tin, theo Cục CSGT, Phó Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo, yêu cầu các phương tiện giao thông ở hai đầu các tuyến đường Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn.
Tối 27/9 tại Quảng Trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống cơn bão số 4 (Noru).Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công an lưu ý việc yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…
Dự kiến sẽ triển khai cấm các tuyến đường như: QL1A, QL14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.
Hiện tại lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT các đơn vị địa phương đã chuẩn bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.
22:14
Thông tin nhanh từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết:
Do ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8; Huế có gió giật cấp 6; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Quy Nhơn có gió giật cấp 6; Tuy Hoà có gió giật cấp 6.Lượng mưa tính từ 07h đến 20h ngày 27/9 có nơi trên 180mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 197mm, Thọ Quang (Đà Nẵng) 200.4mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 201.2mm, Núi Thành (Quảng Nam) 185mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 188.6mm.
Vị trí tâm bão (lúc 21 giờ ngày 27/9): khoảng 15.8oN; 109.6oE, cách Đà Nẵng khoảng 140km, cách Quảng Nam khoảng 127km, cách Quảng Ngãi khoảng 117km về phía Đông.Sức gió mạnh nhất: cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 16.Dự báo: trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
21:55
Phóng viên Hải Sơn thông tin, lúc 21h30 ngành Giao thông Vân tải đã đóng hầm chui tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.Ở Đà Nẵng có 3 nút giao thông có hầm chui, đó là nút giao Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn.
21:51
Phóng viên Lê Hiếu thông tin: Tại tỉnh Thừa Thiên Huế lúc này mưa bắt đầu nặng hạt, tại vùng biển gió giật cấp 7, cấp 8. Tại các tuyến đường của thành phố Huế không một bóng người.
21:42
Phóng viên Long Phi đang có mặt tại điểm sơ tán người dân thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ cho biết, hàng trăm người dân khu vực ven biển thành phố Tam Kỳ được đưa đến sơ tán tập trung tại đây. Đa số là người già, trẻ nhỏ và có cả trẻ sơ sinh.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, với số lượng hơn 45.000 hộ dân với trên 155.000 người dân được sơ tán thì đây là đợt di dời, sơ tán người dân đi tránh bão lớn nhất từng ghi nhận tại địa phương này.
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tại các cơ sở tránh trú bão, từ lương thực, thực phẩm, y tế để người dân an tâm tránh trú bão.
21:40
Phóng viên Hải Sơn thông tin: Trên đường Lê Độ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, khung biển quảng cáo của 1 cửa hàng bị gió giật tung ra giữa đường. Lực lượng cảnh sát khu vực và dân quân đã thu dọn, đảm bảo đường thông suốt.
21:28
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không để người dân tiếc tài sản mà nguy hiểm tới tính mạng
Phóng viên Thanh Hiếu thông tin, tối nay (27/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp Ban Chỉ đạo tiền phương tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Trị, kết nối trực tuyến với điểm cầu 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão để chỉ đạo, rà soát công tác ứng phó với bão số 4. Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo tiền phương sẽ trực thường xuyên cho đến khi bão tan để chỉ huy công tác ứng phó, cứu nạn cứu hộ khi bão số 4 vào đất liền.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp Ban Chỉ đạo tiền phương tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, các lực lượng Bộ đội, Công an đã lên phương án thực hiện 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng chủ động ứng phó bão số 4. Bộ Giao thông Vận tải có các phương án đảm bảo an toàn các phương tiện đang tham gia thi công các công trình giao thông. Hiện nay, đường sắt đã cắt giảm 50% số lượng chuyến tàu Bắc - Nam, ngưng hoạt động các chuyến tàu đi qua khu vực ảnh hưởng bởi bão. Có 5 cảng hàng không ngưng đón chuyến bay đến và có các giải pháp nối lại các chuyến bay sau khi bão tan.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng xuống ngay cơ sở, những nơi còn người ở trên các thuyền bè, chấp hành nghiêm việc di dời người dân đến nơi an toàn, có các biện pháp cưỡng chế. Tinh thần từ tối nay đến sáng mai, lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phải trực 100% để nắm bắt tình hình khi bão số 4 đổ độ, sẵn sàng kết nối trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão để nghe chỉ đạo trực tiếp về công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, cơn bão rất mạnh với cường độ cấp 13, cấp 14, giật cấp 17, kèm mưa lớn từ 400mm là rất lớn, thủy triều dâng cao từ 1,3m nên nguy cơ tăng lên rất nhiều lần. Vì vậy, cần tập trung cao, huy động tối đa tất cả các lực lượng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai các giải pháp để ứng cứu nhân dân. Ứng phó với bão số 4 trên tinh thần khẩn trương và khẩn trương hơn nữa, tất cả vì tính mạng, tài sản của nhân dân, đặt tính mạng người dân trên hết, không để người dân vì cứu tài sản mà ảnh hưởng đến tính mạng. Các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các khu vực tàu thuyền đang đậu khi bão vào, lồng bè nuôi trồng thủy sản, người dân hay trụ lại các khu vực này.
Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra việc bố trí ăn ở cho những người dân đi sơ tán tránh bão.
Phó Thủ tướng lưu ý, hệ thống điện và tại các bệnh viện phải có người ứng trực, thông tin thường xuyên để có các giải pháp kịp thời. Các địa phương, cơ sở nên sử dụng hệ thống loa phường để tuyên truyền và thông tin đến người dân tình hình bão. Trước khi bão vào thì lực lượng Công an tổ chức chặn xe tại 2 điểm đầu và cuối khu vực bão đổ bộ, không cho người và phương tiện vào khu vực nguy hiểm. Sau khi hết mưa bão lớn, các lực lượng nhanh chóng về cơ sở để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Công tác phối hợp cứu hộ cứu nạn phải có trọng tâm, trọng điểm, có đủ các lực lượng được huy động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Đây là cơn bão rất mạnh, cường độ cấp 13, cấp 14 và diễn biến phức tạp giật cấp 17, cùng với diễn biến mưa lớn, thủy triều dâng cùng thời điểm, nguy cơ tăng lên gấp nhiều lần. Toàn hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương tập trung thật cao, huy động tối đa lực lượng tất cả vì tính mạng tài sản của người dân, đặt tính mạng người dân lên trên hết, không vì tài sản mà ảnh hưởng tới tính mạng người dân"./.
21:24
Phóng viên Long Phi có mặt tại tỉnh Quảng Nam cho biết: Tại thành phố Tam Kỳ lúc này đang mưa nặng hạt, gió giật nhẹ. Ngoài đường vắng tanh, không bóng người.
Khu vực các xã ven biển của tỉnh Quảng Nam có gió giật nhẹ và mưa lớn nhiều nơi, có nơi mưa đo được là 146mm, một số nơi đã bị mất điện.
Các tuyến đường tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam không một bóng người.
21:22
Phóng viên Đình Thiệu thông tin, ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cho biết, tối nay tại huyện đảo này có gió giật cấp, cấp 9.
Gió giật từng cơn và mưa to, huyện đã phải mở cửa hầm trú trên đảo để đưa dân vào tránh bão.
21:20
Một cây bị đỗ ngã trên đường Ông Ích Khiêm, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hà
Tôn nhà dân bay trên đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Thanh Hà
21:12
Phóng viên Thanh Hà có mặt tại Đà Nẵng thông tin: Tại điểm cầu Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương rà soát lại lần cuối từng điểm dân cư, từng tàu thuyền, không để ai ở lại vùng nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá các địa phương đã chủ động ứng phó với bão số 4. Cơn bão này đổ bộ lúc thủy triều dâng cao nên rủi ro rất cao.Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương kích hoạt mọi lực lượng tham gia trực sẵn sàng ứng phó. Đối với người dân vùng xung yếu, còn trên tàu thuyền, địa phương cần chuyển từ trạng thái vận động người dân sang cưỡng chế.
Theo ông Lê Minh Hoan, các địa phương cũng cần đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn cứu hộ: "Kiểm tra lần cuối những điều kiện cần thiết để phục vụ "4 tại chỗ" chỉ huy, hậu cần, nhân lực. Tôi đề nghị các địa phương tập trung hơn nữa vào những vùng xung yếu, các điểm đê kè, khu dân cư, khu nuôi trồng thủy sản, để đảm bảo không còn bất kỳ người nào chủ quan còn ở đó. Từ nay đến sáng mai, khi bão đi qua sẽ hiệu ứng đến các huyện miền núi nên không loại trừ các vấn đề phức tạp xảy ra". Một điểm sơ tán dân tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Một điểm sơ tán dân tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
21:08
Phóng viên Đình Thiệu cho biết: Lúc này tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, trời mưa rất to. Mưa to cấp tập trong cuối giờ chiều đến tối nay làm một số tuyến phố ở thành phố Hội An bị ngập nặng.
Lúc này, đường phố cổ Hội An vắng vẻ, nhà cửa hàng quán cửa đóng then cài. Mọi người ở trong nhà để tránh bão và mưa lớn.
21:06
Phóng viên Thành Long tại Bình Định thông tin: Tối nay, hàng trăm cán bộ chiến sỹ các lực lượng xung kích, dân quân tự vệ ở tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ những hộ dân khó khăn đến khu vực trú bão.
Tại các điểm tránh trú bão, bà con Hoài Nhơn được hỗ trợ lương thực, nước uống, sữa tươi và chăn màn đủ ấm áp cho một đêm dài tránh bão.
Điểm cầu tại Ban Chỉ huy tiền phương vẫn túc trực cả đêm, phân công cán bộ trực xử lý các tình huống phát sinh trong đêm nay.
21:03
Đà Nẵng cưỡng chế 234 thuyền viên rời tàu lên bờ tránh bão
Phóng viên Thanh Hà thông tin, lúc này, tại Đà Nẵng trời tạnh mưa, dấu hiệu rấy đáng sợ trước cơn bão lớn, nước trên sông Hàn đã mấp mé trên bờ. Tại điểm cầu Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì cuộc họp trực tuyến. Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương rà soát lại lần cuối từng điểm dân cư, từng tàu thuyền, không để ai ở lại vùng nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng đã sơ tán hơn 65 ngàn nhân khẩu. Cơ bản người dân đồng thuận di dời, chỉ một số trường hợp phải cưỡng chế. Trên vịnh Đà Nẵng, hiện có 10 tàu hàng, đa số thuyền viên chấp hành việc rời tàu lên bờ tránh bão. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuyền viên không chịu lên bờ bởi phải ở lại thuyền chống đắm tàu. Tối nay, còn 100 ngư dân khu vực âu thuyền ở lại dưới tàu để chống đắm tàu. Còn tại khu vực neo đậu tàu thuyền Đồng Nò, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, có 134 người không chịu lên bờ. Thành phố Đà Nẵng đã cho lập biên bản cưỡng chế lên bờ đối với những người này. Thành phố đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho số người này. Đối với 100 thuyền viên còn trên tàu ở khu vực âu thuyền Thọ Quang, hiện Bộ đôi Biên phòng thành phố đã cho xuống bơm nước chống đắm tàu, sau đó đưa họ lên bờ.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc vận động thuyền viên rời tàu lên bờ tránh bão là rất khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp đã vận động lên bờ rồi lại lẻn xuống tàu. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cam kết kiểm soát từng tàu, quyết tâm không để người nào ở dưới tàu.
"Đồng ý cho họ bơm nước cạn tàu trước khi chúng ta cưỡng chế họ lên bờ. Bởi việc này chúng ta cũng phải chia sẻ bởi họ là người làm công ăn lương, nếu họ để đắm tàu họ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi thống nhất để cho 1 số thuyền viên xuống dưới tàu bơm nước xong, có sự giám sát của Biên phòng, sẽ cưỡng chế đưa họ lên bờ".
20:59
CTV Văn Mịnh/VOV-Miền Trung cho biết, 20h30' tối nay, đảo Lý Sơn đã ghi nhận gió bão mạnh cấp 9-10 giật cấp 11 có lúc giật cấp 12 kèm theo mưa to đến rất to. Sóng biển dâng cao tràn qua tuyến kè đông nam đảo.
Mưa bão đổ bộ vào ban đêm nên ảnh hưởng nhiều cho công tác phòng chống. Huyện Lý Sơn chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nghiêm cấm mọi người dân ra đường để đảm bảo an toàn.
Trước đó huyện Lý Sơn cũng đã đi dời nhiều hộ dân sống ven biển và một số hộ dân tại đảo Bé về nơi tránh trú an toàn. Mưa bão còn diễn biến phức tạp bởi đây là cơn bão mạnh sẽ trực tiếp đổ bộ vào Lý Sơn với sức gió mạnh./.
20:47
Phóng viên Long Phi tại tỉnh Quảng Nam thông tin: Ngay lúc này, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam vẫn tổ chức chốt chặn tại yêu cầu, hướng dẫn các phương tiện, lái xe, phụ xe từ các địa phương đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam vào nơi tránh trú bão an toàn.
Cảnh sát giao thông vẫn đang tổ chức tuần lưu trên các Quốc lộ 1A và các tuyến đường chính để kịp giải quyết các tình huống phát sinh.
20:20
Theo phóng viên Lê Hiếu tại Thừa Thiên Huế, các lực lượng Công an địa phương đang nỗ lực, khẩn trương hơn trong việc kêu gọi, giúp đỡ người dân vùng nguy hiểm, nhà tạm, dột nát di tản đến nơi trú ẩn an toàn.
Tại các điểm xung yếu, cán bộ chiến sĩ Công an, quân đội đã đội mưa đến từng nhà vận động, cõng người tàn tật, người già neo đơn, đưa người bệnh đến được những ngôi nhà cao tầng kiên cố để phòng tránh bão số 4.
Tính đến 20 giờ ngày 27/9 đã di dời 14.450 hộ với 45.051 khẩu. Về cơ bản Thừa Thiên Huế đã sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm.
20:17
Phóng viên Long Phi có mặt tại tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong khi các địa phương ven biển khẩn trương sơ tán dân đến khu vực an toàn tránh trú bão từ cuối giờ sáng nay, thì tối nay tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, cán bộ cơ sở dầm mưa đến tận nhà để vận động và hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn, tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Tại huyện miền núi cao Nam Trà My tỉnh Quảng Nam, nơi mà những năm gần đây xảy ra nhiều đợt sạt lở núi khiến hàng chục người thiệt mạng. Từ sáng sớm đến nay mưa kéo dài và lớn dần, chính quyền địa phương tập trung lực lượng và phương tiện, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
Lương thực, thực phẩm đã được các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chuẩn bị chu đáo từ khá sớm đảm bảo cho tình huống cô lập dài ngày.
20:05
Phóng viên Thành Long tại Bình Định thông tin: Cả chiều nay Bình Định ghi nhận mưa vừa,mưa to. Hiện, tỉnh này đã đặt Sở chỉ huy tiền phương đặt tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, giáp với huyện Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi.
Đến 20h tối nay, tỉnh này đã di dời được hơn 5.000 hộ với gần 15.000 người đi tránh bão. Tại địa phương này chủ yếu di dời xen ghép trong cùng địa phương.
20:01
Phóng viên Long Phi hiện có mặt tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thông tin: Tối nay 27/9, tại điểm sơ tán người dân thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đã có một trường hợp chuyển đến bệnh viện cấp cứu nghi do bị viêm phế quản dạng hen.
Lúc 19h cùng ngày, lực lượng y tế của Bộ đội Biên phòng nhận được thông báo một cụ bà khoảng 60 tuổi có hiện tượng khó thở. Ngay sau đó, cán bộ y tế đã có mặt để thăm khám ban đầu và chuyển đến bệnh viện. Thông tin ban đầu, bệnh nhân này nghi do bị viêm phế quản dạng hen, đã được hỗ trợ điều trị 3 lần trong ngày. Hiện bệnh nhân này đã được đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cấp cứu, điều trị.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đọa các cơ sở y tế trên địa bàn trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa bão gây ra; tuyệt đối không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
19:47
Phóng viên Long Phi tại tỉnh Quảng Nam thông tin, trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, đóng chân tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã thành lập 6 tổ phòng chống bão và tìm kiếm, cứu nạn với gần 100 cán bộ, chiến sỹ cùng 11 tàu và 12 xuồng các loại. Đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm hệ thống trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
19:45
Tại đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 8, giật cấp 11Ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8; lượng mưa đo được từ 07h đến 18h ngày 27/9 một số nơi có mưa rất to trên 130mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 215mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 152mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 115mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 141mm.Vị trí tâm bão lúc 19h ngày 27/9 khoảng 15.7N; 110.0E, cách Đà Nẵng khoảng 186km, cách Quảng Nam khoảng 170km, cách Quảng Ngãi khoảng 147km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 16.Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
19:36
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phải trực 100%
PV Thanh Hiếu tại miền Trung: Tối nay (27/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp Ban Chỉ đạo tiền phương tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Trị, kết nối trực tuyến với điểm cầu 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, chỉ đạo, rà soát công tác ứng phó với bão số 4.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, vào khoảng 23h đêm nay, triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh là 1,3m. 8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão tổng số hơn 118.000 hộ với hơn 400.000 người; đến 17h chiều nay, đã sơ tán 81.000 hộ với hơn 253.000 người, đạt 71%.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát các phương án trong trường hợp đê điều, hồ đập có vấn đề, lực lượng phản ứng khi xảy ra sự cố. Các địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng xuống ngay cơ sở, những nơi vẫn còn tình trạng người ở trên thuyền bè, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc di dời đến nơi an toàn, có các biện pháp cưỡng chế. Tinh thần từ tối nay đến sáng mai, lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phải trực 100% để nắm bắt tình hình khi bão số 4 đổ bộ, sẵn sàng kết nối trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão để nghe chỉ đạo trực tiếp về công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát các phương án trong trường hợp đê điều, hồ đập có vấn đề, lực lượng phản ứng khi xảy ra sự cố
19:10
PV Đình Thiệu tại Quảng Nam thông tin, nhiều khách sạn, khu du lịch ở thành phố Hội An và ven biển tỉnh Quảng Nam mở của đón dân vào trú bão số 4. Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) đã mở cửa đón hơn 400 người dân ở ven biển ở trong khu vực nguy hiểm đến tránh bão, trong đó, phần lớn là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Hoiana đã bố trí 100 phòng khách sạn, chăn đệm và nước sạch, đảm bảo đủ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho người dân. Ngoài ra, Khu nghỉ dưỡng này phòng cung cấp đầy đủ bữa ăn cho tất cả người dân đến trú tránh bão trong những ngày tới.
Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hoiana chia sẻ: "Hoiana luôn lấy sự an toàn làm ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi luôn mở rộng cửa, sẵn sàng đón những người dân trong vùng tới tránh bão. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để những người dân có thể an toàn và cảm thấy thoải mái nhất trong những ngày tới".
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hội An, một số khách sạn, chùa trên địa bàn thành phố cũng mở cửa đưa dân vào tránh bão như khách sạn Thiên Đường, Bavilon ở phường Cẩm Phô, một số Vila ở Cẩm Thanh. Một số Chùa, Tịnh thất như Chùa An Lạc, Chùa Long Tuyền ở phường Thanh Hà, thịnh xã Ngọc Truyền ở xã đảo Tân Hiệp-Cù Lao Chàm cũng dón dân vào tránh bão số 4.
19:05
Theo CTV Văn Minh/VOV-miền Trung, tại đảo Lý Sơn lúc 17h30, gió đã mạnh lên cấp 8-9 giật cấp 11 kèm theo mưa to đến rất to. Mưa bão đã làm gãy đổ một số cây cối trên tuyến đường trung tâm huyện mưa to cũng gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường trũng thấp. Dự báo trong tối nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào Lý Sơn với sức gió mạnh kèm theo mưa to. Huyện Lý Sơn đôn đốc phân công các lực lượng trực 24/24h để xử lý tình huống xảy ra, đồng thời khuyến cáo người dân không được ra đường khi mưa bão đổ bộ vào bờ.
18:45
PV Long Phi tại tỉnh Quảng Nam: Theo dự báo từ đêm nay đến ngày 29/9, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng kịch bản ứng phó bão số 4 vừa ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lỡ đất.
Theo thông tin vừa cập nhật thì đến cuối giờ sáng nay khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện mưa kéo dài, chính quyền các địa phương này đã tiến hành di dời dân khu vực nguy cơ xả ra sạt lở, lũ quét; phương án dự trữ lương thực đã được chuẩn bị từ trước đảm bảo lương thực khi xảy ra chia cắt, cô lập trên 15 ngày.
Người dân chủ động tích trữ gạo, thực phẩm thiết yếu có thể dùng cho cả tháng
Tình trạng tắc đường gây cô lập thường xuyên xảy ra chỉ sau một đợt mưa lớn
18:40
PV Thanh Hà tại Đà Nẵng: Lúc này, tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ ngành liên quan.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định rà soát, sơ tán hơn 81.000 hộ với hơn 253.000 người dân vùng xung yếu đi tránh bão, 8 tỉnh, thành phố Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9.
Hiện còn gần 5000 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn đã di chuyển vào đất liền tránh trú. Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Ngành giao thông vận tải tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12h ngày 27/9 đến 12h ngày 28/9.
Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên đường quốc lộ 1 từ 18h đến 21h ngày 27/9. Điều tiết, phân luồng giao thông và khuyến cáo người dân không ra đường từ đêm 27/9 đến khi bão tan. Xem xét dừng một số hoạt động sản xuất để hạn chế tối đa người dân tham gia giao thông trong thời gian bão đổ bộ.
Từ 20h tối nay, trên các quốc lộ qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp các đơn vị chức năng ngăn không cho phương tiện vãng lai, xe chạy đường dài qua lại. Các phương tiện buộc dừng ở phía bắc hoặc phía nam thành phố.
18:31
PV Thái Bình, thường trú tại miền Trung cho biết, từ 19 giờ tối nay (27/9), Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên xả qua tràn và vận hành máy với liều lượng 2.000m3/s. Trước đó, chiều ngày 27/9, để ứng phó với mưa lớn do bão số 4 đổ bộ vào đất liền, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh vận hành xả nước qua tràn hồ thủy điện Sông Ba Hạ.
Theo đó, đơn vị thực hiện lệnh là Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ. Từ 15h30, xả qua tràn và vận hành máy 1.500m3/s; từ 19h xả qua tràn và vận hành máy 2.000m3/s. Việc xả nước được duy trì cho đến khi lũ đến hồ đạt đỉnh, sau đó xả để mực nước hồ duy trì ở mức nước trước lũ +103m. Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ không được làm thay đổi lưu lượng đột ngột. Ngoài việc vận hành xả nước qua tràn của thủy điện Sông Ba Hạ, các hồ chứa thủy điện Sông Hinh và Krông H’Năng cũng đang thực hiện xả nước đón lũ. Lưu lượng mỗi hồ xả về hạ du phổ biến từ 56-1.600m3/s. Đơn vị quản lý các hồ thủy điện, hồ thủy lợi đều có hệ thống cảnh báo tự động và đã tăng cường các bản tin thông báo đến người dân. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã làm việc với tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để tính toán khả năng vận hành, xả lũ liên hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
18:28
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 18 giờ ngày 27/9 khoảng 15.70N; 110.30E, cách Đà Nẵng khoảng 220km, cách Quảng Nam khoảng 201km, cách Quảng Ngãi khoảng 174km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
18:27
PV Đình Thiệu tại Quảng Nam: Đô thị Cô Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện có 1200 di tích, hiện có 45 di tích đã xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 4 khi đổ bộ vào đất liền.
Chủ động đối phó với bão số 4, Chính quyền thành phố Hội An tập trung chống đỡ cho 5 di tích đồng thời đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ. Trong số 10 di tích qua kiểm tra đã xuống cấp nhưng không hạ giải thì cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ di tích, đề nghị các chủ hộ cam kết di dời đi nơi khác không ở bên trong lúc bão đổ bộ. Cuối buổi chiều nay, một số di tích của tư nhân trong khu phố cổ, nhiều người dân vẫn còn tranh thủ chèn chống trước khi bão vào.
18:25
Theo PV Long Phi, tại tỉnh Quảng Nam, từ 18 giờ hôm nay 27/9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh Quảng Nam di chuyển qua địa bàn tỉnh trong thời gian trên, Công an tỉnh và UBND các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện tìm nơi tránh, trú bão an toàn.
18:20
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
18:12
Đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam gió giật mạnh, mưa lớn
17:56
Theo PV Vinh Thông tại Quảng Ngãi, chiều nay (17/9), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương bổ trợ phòng chống cơn bão số 4 tại huyện Bình Sơn. Đây là địa bàn được xác định trọng điểm đường đi của bão. Lực lượng gồm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân, 4 tổ canô, xe thiết giáp, phương tiện trang thiết bị cứu hộ tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng trực nhận nhiệm vụ.
17:54
Phóng viên Long Phi tại tỉnh Quảng Nam thông tin: Chiều 27/9, tại âu tàu thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. UBND xã Tam Quang phối hợp với Bộ Tư kệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã tiến hành tuyên truyền, vận động và kiên quyết đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An đang tránh trú bão tại đây vào bờ tránh bão số 4.
Đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào tránh trú bão
17:48
PV Thanh Hiếu thường trú tại miền Trung thông tin: Trận lốc xoáy quét qua khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào lúc 15 giờ chiều 27/9 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, trụ sở, cây cối…
Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết: Khoảng 300 nhà dân và lều quán, các gian hàng ở chợ Cửa Việt bị sập và tốc mái, 4 người bị thương. Trận lốc xoáy cũng làm bật gốc, gãy đổ nhiều cây xanh, xô đổ nhiều xe máy đang dựng hoặc lưu thông trên đường.
Hiện nay, huyện Gio Linh đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, trước thời gian bão Noru ập vào đất liền, đồng thời sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà.
Trong chiều nay, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã đến kiểm tra hiện trường tại Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, nơi vừa bị lốc xoáy quét qua gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, chỉ đạo lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại, tập trung ứng phó với bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.
17:43
PV Đình Thiệu tại Hội An thông tin, lúc này, tại đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam trời mưa to và ngày một nặng hạt. Từ chiều tối nay, đường phố phố cổ Hội An đã thưa vắng người. Mọi người không có việc đã về nhà chống bão. Nhà cửa, hàng quán cửa đóng then cài, chỉ còn một vài hàng quán bán thực phẩn còn mở của phục vụ người dân và khách du lịch.
17:41
Theo PV Long Phi tại Quảng Nam, trong khi các địa phương ven biển khẩn trương sơ tán dân đến khu vực an toàn tránh trú bão thì tại các địa phương miền núi, lực lượng Công an cơ sở dầm mưa đến tận nhà dân để vận động người dân di dời đến nơi an toàn, tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mưa lớn kéo dài từ hôm qua đến nay, để đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại do bão lũ, nhất là tình trạng sạt lở đất tại vùng núi, lực lượng Công an xã đã phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng đến từng nhà dân vận động, hỗ trợ người dân di dời đến khu vực an toàn.
17:33
Thành phố Đà Nẵng có hệ thống camera kết nối trực tiếp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố. Từ hệ thống camera này, lãnh đạo thành phố và người dân có thể theo dõi từ xa diễn biến bão tại những điểm xung yếu. Lãnh đạo thành phố cấm tất cả người dân ra đường từ 20h tối nay đến khi có thông báo mới, chỉ lực lượng làm nhiệm vụ mới được ra đường.
17:32
PV Lê Hiếu/ VOV-Miền Trung đưa tin, nhiều trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã thông báo và mở cửa hỗ trợ sinh viên và người dân đến tránh trú bão số 4. Theo đó, các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế như Sư phạm, Khoa học, Ngoại ngữ, Trường Du lịch… sử dụng phòng học, giảng đường để sinh viên đến tạm trú, tránh bão từ chiều 27/9, đồng thời bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên để hỗ trợ. Đại học Huế cũng chỉ đạo các trường phải đảm bảo được việc ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên. Đặc biệt, phải bố trí người trực, thường xuyên tương tác, liên hệ với sinh viên để hỗ trợ kịp thời cũng như đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày tránh bão..
Nhiều trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã thông báo và mở cửa hỗ trợ sinh viên và người dân đến tránh trú bão số 4
17:29
Phóng viên Long Phi/VOV-miền Trung đang có mặt tại tỉnh Quảng Nam cho biết, để ứng phó với bão số 4, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành sơ tán hơn 45.000 hộ dân với hơn 155.000 nhân khẩu, trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ. Trong sáng nay, 25.000 dân quân và thanh niên xung kích đã được huy động tăng cường cho các xã vùng xung yếu như: Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình; Phước Sơn, Nam Trà My. Điều đặc biệt, các hộ dân nhà tạm bợ vùng dự án ven biển đã được sự chia sẻ, hỗ trợ từ các doanh nghiệp đầu tư tạo điều kiện tốt nhất đón dân về tránh trú bão. Một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển tỉnh Quảng Nam đã mở cửa từ chiều nay để sẵn sàng tiếp nhận hàng ngàn người dân ở các vùng nguy hiểm đến tránh trú bão.
17:25
PV Thanh Hà tại Đà Nẵng cho biết, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, dự kiến 18 giờ chiều nay, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 sẽ họp rà soát công tác ứng phó bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì tại đầu cầu Quảng Trị. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ chủ trì. Lúc này, công tác đảm bảo thông tin liên lạc, các điều kiện cho ban chỉ đạo tiền phương đối phó bão số 4 đã sẵn sàng.
17:14
Gia Lai cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ chiều nay (27/9)
PV Nguyễn Thảo tại Tây Nguyên đưa tin, tỉnh Gia Lai được dự đoán có cấp đội rủi ro cấp 3 trong bão số 4. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã có công điện và văn bản chỉ đạo gửi các địa phương trực thuộc, yêu cầu có phương án ứng phó với bão Noru. Mục tiêu ưu tiên số một là bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân. Phương án đảm bảo 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cũng đã làm việc với Ban chỉ huy PCTT tỉnh Phú Yên để ban hành Quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba ngay trong cơn bão số 4 này.
UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh lên phương án di dời người dân ở các vị trí nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; canh gác nghiêm cấm người dân qua lại các vị trí, địa bàn nguy hiểm; bố trí lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, tỉnh Gia Lai cũng đã yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh được nghỉ học từ chiều nay 27/9.
17:11
Theo PV Thành Long tại miền Trung, một máy bay của hãng Hàng không Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật, mắc kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng sau giờ đóng cửa sân bay.
Theo đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, sau khi gặp sự cố kỹ thuật, các hành khách trên chuyến bay của Hãng hàng không Pacific Airlines được chuyển qua chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airline để tiếp tục hành trình.
Hiện, máy bay của hãng Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật đã được nhân viên mặt đất neo trụ cố định ở sân bay Đà Nẵng để phòng chống bão.
17:08