Trực thăng Philippines nhận từ Thổ Nhĩ Kỳ mạnh cỡ nào?

Lê Ngọc |

2 chiếc đầu tiên trong số 6 máy bay trực thăng T129 ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bàn giao cho Philippines trong tháng 12 này.

Không quân Philippines quyết định mua 6 chiếc T129 ATAK cho các nhiệm vụ chống khủng bố và hỗ trợ mặt đất; Nguồn: wallpaperup.com

Không quân Philippines quyết định mua 6 chiếc T129 ATAK cho các nhiệm vụ chống khủng bố và hỗ trợ mặt đất; Nguồn: wallpaperup.com

Lô 2 chiếc đầu tiên trong số 6 máy bay trực thăng trinh sát và tấn công chiến thuật T129 ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất với tổng giá hợp đồng hơn 269 triệu USD sẽ đến Philippines vào tháng 12 này.

Trực thăng nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ

Chương trình trực thăng ATAK được bắt đầu nhằm đáp ứng các yêu cầu của Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ về một máy bay trực thăng trinh sát và tấn công chiến thuật.

Ngày 30/3/2007, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán với AgustaWestland để cùng phát triển và sản xuất 51 máy bay trực thăng tấn công dựa trên chiếc Agusta A129 Mangusta.

Số trực thăng này sẽ được lắp ráp tại Tập đoàn Công nghiệp Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) với tên gọi T129. Tusaş Engine Industries (TEI) sẽ sản xuất động cơ LHTEC CTS800-4N theo giấy phép.

Khoảng 95% các bộ phận ban đầu của sản xuất nối tiếp T129 được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ có toàn quyền tiếp thị và sở hữu trí tuệ đối với nền tảng T129. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể xuất khẩu nền tảng này sang các quốc gia bên thứ ba, ngoại trừ Italy và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, LHTEC CTS800-4N của T129 mang lại cho Mỹ quyền phủ quyết đối với bất kỳ doanh số xuất khẩu tiềm năng nào và do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển động cơ TEI TS1400 của riêng mình.

Ngày 22/4/2014, TAI chính thức chuyển giao chiếc T129 ATAK sản xuất đầu tiên cho Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ. T129 ATAK của liên doanh TAI/AgustaWestland là máy bay trực thăng tấn công 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, đa năng, hoạt động trong mọi thời tiết dựa trên Agusta A129 Mangusta, có thể được sử dụng trong các vai trò chống thiết giáp, trinh sát vũ trang, tấn công mặt đất, hộ tống, hỗ trợ hỏa lực đối xứng và phòng không tầm ngắn. 

Trực thăng được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công và trinh sát trong môi trường nóng, cao và địa lý khắc nghiệt cả ban ngày và ban đêm.

Trực thăng Philippines nhận từ Thổ Nhĩ Kỳ mạnh cỡ nào? - Ảnh 1.

Trực thăng trinh sát và tấn công chiến thuật ATAK - sản phẩm của liên doanh TAI và AgustaWestland; Nguồn: dmitryshulgin.com

Các tính năng chung T129 ATAK: phi hành đoàn 2 thành viên; dài 14,54 m; cao 3,4 m; trọng lượng cất cánh tối đa 5.056 kg; động cơ 2 x trục turbo LHTEC CTS800-4A, 1.014 kW (1.360 mã lực) mỗi trục; tốc độ tối đa 281 km/h; tầm bay 537 km; trần bay 4.572 m.

T129 ATAK được trang bị một pháo quay cỡ 20 mm ba nòng ở mũi với 500 viên đạn và 76 rocket 70 mm không điều khiển dùng để yểm trợ đường không.

Trực thăng cũng được trang bị 8 tên lửa chống tăng tầm xa UMTAS 160 mm, 16 tên lửa CIRIT 70 mm, 8 tên lửa không đối không tầm ngắn Stinger phóng từ trên không.

Hệ thống này cho phép định hướng tự động các hệ thống phát hiện mục tiêu và vũ khí tới đường ngắm của phi công với độ chính xác cao. Trực thăng cũng được trang bị hệ thống FLIR điện quang ASELFLIR-300T chuyên dụng cho các nhiệm vụ đa mục tiêu do công ty Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Các tính năng của trực thăng T129 ATAK cũng bao gồm khả năng cơ động cao, khả năng chống va đập cao và khả năng chịu đạn đạo.

Trực thăng này đang có trong trang bị của Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ và các quân binh chủng khác, bao gồm cả Lực lượng Hiến binh. Ngày 25/4/2015, một cặp T129 đã được sử dụng chiến đấu lần đầu tiên trong một chiến dịch chống khủng bố ở tỉnh Siirt (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngày 10/2/2018, trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin, một chiếc T129 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không YPG của người Kurd tại huyện Kırıkhan, tỉnh Hatay.

Năm 2013, Azerbaijan đã đặt hàng 60 máy bay trực thăng T129 nhưng sau đó bị TAI từ chối. Có thông tin rằng, năm 2018, Pakistan đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để mua 30 chiếc T129. Kể từ tháng 8/2018, nhà sản xuất đã không xin được giấy phép xuất khẩu cần thiết từ Bộ Quốc phòng Mỹ đối với động cơ LHTEC T800-4A cho T129 và nhà sản xuất đã tìm kiếm một động cơ thay thế cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất giao dịch.

Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thay thế LHTEC T800 bằng động cơ TEI TS1400 bản địa. Các nhà khai thác tương lai và tiềm năng có thể gồm Saudi Arabia, Brazil, Qatar, Iraq và Maroc…

Trực thăng Philippines nhận từ Thổ Nhĩ Kỳ mạnh cỡ nào? - Ảnh 3.

T129 ATAK được trang bị các thiết bị điện tử tiên tiến và tích hợp vũ khí hiện đại; Nguồn: dmitryshulgin.com

Ứng viên sáng giá cho không quân Philippines

Không quân Philippines (PAF) đang tìm cách mua trực thăng tấn công chuyên dụng với giá cả phải chăng để tăng cường phi đội trực thăng vũ trang hạng nhẹ như MG-520 và AW-109E, đang được sử dụng cho các nhiệm vụ chống khủng bố và hỗ trợ mặt đất.

Tháng 7/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã ký hợp đồng mua 6 trực thăng trinh sát và tấn công chiến thuật T129 ATAK với tổng giá trị hợp đồng là 270 triệu USD (khoảng 12,9 tỷ peso Philippines) từ Thổ Nhĩ Kỳ.

T129 được tích hợp hệ thống điện tử hàng không, sửa đổi khung máy bay và hệ thống vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, với động cơ, bộ truyền động và cánh quạt được nâng cấp.

T129 ATAK cũng được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử và đối phó tiên tiến giúp tăng khả năng sống sót trên chiến trường, như hệ thống thu cảnh báo radar, hệ thống trộn tần số radar, hệ thống thu laser, hệ thống khai hỏa đối phó, hệ thống hồng ngoại…

T129 ATAK được trang bị hệ thống điều khiển tích hợp Hunter Kaska được thiết kế đặc biệt cho trực thăng.

Hợp đồng được thực hiện giữa chính phủ với chính phủ theo Đạo luật Cộng hòa 9184 hoặc Đạo luật Cải cách Mua sắm của Chính phủ.

Trước đó, vào tháng 5/2021, Bộ Quốc phòng Philippines đã thông báo hai chiếc trực thăng đầu tiên từ TAI sẽ được chuyển giao vào tháng 9. Không rõ lí do tại sao việc giao hàng lại được chuyển sang tháng 12.

T129 được cho là sử dụng động cơ turboshaft LHTEC T800-4A, được sản xuất thông qua liên doanh giữa công ty Honeywell của Mỹ và công ty Rolls-Royce của Anh.

Các báo cáo trước đây nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gặp phải vấn đề về giấy phép xuất khẩu động cơ từ Mỹ sau khi nước này bị Washington trừng phạt do mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Nhưng Mỹ đã chấp thuận giấy phép xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ để bán trực thăng tấn công cho Philippines.

Theo The Daily Sabah - một ấn phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ, Không quân Philippines sẽ là không quân nước ngoài nước đầu tiên sử dụng ATAK. Phi đội tấn công số 15 - đơn vị PAF chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất - là bênsử dụng các trực thăng tấn công này.

Nhóm các phi công và phi hành đoàn T129 ATAK Philippines đầu tiên đã tới Ankara vào tháng 5, và đã hoàn thành khóa huấn luyện vào tháng 9/2021.

Trước đó, Phi đội tấn công số 15 cũng đã nhận 5 máy bay tấn công hạng nhẹ A29B Super Tucano động cơ phản lực hoàn toàn mới, được mua từ Brazil’s Embraer SA, chính thức chuyển đến căn cứ không quân vào hồi tháng 10/2021.

Sáu chiếc Super Tucano, trị giá 4.698 tỷ peso, được đưa vào phục vụ vào cuối năm 2020. Giới chức PAF cho biết những bổ sung mới này cho Phi đội tấn công số 15, đặc biệt là T129 ATAK, sẽ giúp đơn vị này có được sức mạnh chiến đấu cao như kỳ vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại