Giám đốc Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), ông Ismail Demir cho biết, máy bay đã hoàn thành tốt nội dung thử nghiệm cất cánh và duy trì trạng thái bay liên tục. Các trang thiết bị điện tử trên trực thăng hoạt động đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Những trang thiết bị mới được tích hợp lên ATAK FAZ-2 bao gồm các hệ thống tác chiến điện tử và một số nâng cấp ở thiết bị cảnh báo radar (RWR), thiết bị cảnh báo laser (LWR), máy phá sóng (RFJ)... Những thông số cơ bản khác của T129 ATAK vẫn được giữ nguyên trên ATAK FAZ-2.
Như vậy, ngoài khả năng chống tăng-thiết giáp và chi viện hỏa lực bộ binh như ở T129 ATAK thì biến thể ATAK FAZ-2 sẽ còn có thể thực hiện nhiệm vụ đối kháng điện tử, trinh sát, thu thập tin tức tình báo.
Cũng theo ông Demir, trong giai đoạn đầu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận 21 máy bay ATAK FAZ-2 với chiếc đầu tiên được bàn giao vào cuối năm 2020.
Trực thăng T129 ATAK là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Aerospace Industries (TUSAS/TAI) và hãng Augusta Westland của Italy, dựa trên mẫu A-129 Mangusta mà Augusta Westland sản xuất cho Không quân Italy.
Máy bay bắt đầu được biên chế cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2014.