Theo Defene News ngày 24/10, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức phê duyệt sản xuất loạt với trực thăng CH-53K King Stallion. Toàn bộ quy trình sản xuất trực thăng mới sẽ do hãng chế tạo Lockheed Martin đảm nhiệm.
Trước khi đưa ra quyết định này, CH-53K King Stallion nhận được đánh giá rất cao từ tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Mỹ với công nghệ kỹ thuật hàng không thế hệ mới kết hợp với thiết kế để tối ưu khả năng sống sót của máy bay trong các điều kiện chiến đấu khắc nghiệt.
Mỹ thử nghiệm trực thăng CH-53K
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, đây là trực thăng vận tải được sản xuất với nhiều công nghệ hàng đầu hiện nay của Mỹ.
So với thế hệ trước, phiên bản CH-53K được trang bị cabin mở rộng lớn hơn, cánh quạt chính làm bằng vận liệu composite thế hệ mới, trang bị ba động cơ công suất 7.500 mã lực. Buồng lái của CH-53K cũng được thiết kế lại với kính đặc biệt, hệ thống lái fly-by-wire.
CH-53K có chiều dài lên tới 30,2 m, cao 8,46 m, trong đó phần cabin có chiều dài 9,14 m, rộng 1,98 m. Kích cỡ cabin rộng và lớn hơn 15% so với mẫu cũ CH-53. Tải trọng của trực thăng vận tải CH-53K lên tới 15,9 tấn (trong khi CH-53E chỉ là 13,6 tấn) đưa nó trở thành trực thăng vận tải lớn nhất của Quân đội Mỹ hiện nay.
Để nhấc bổng CH-53K lên bầu trời, trực thăng này được thiết kế với ba động cơ turbine trục GE38-1B công suất 7.500 mã lực/chiếc cùng bộ cánh quạt chính 7 lá cho tốc độ hành trình 315 km/h, bán kính tác chiến 204 km, trần bay 4,38 km, vận tốc leo cao 13 m/s. Kíp lái điều khiển máy bay gồm 5 người (2 phi công, 3 xạ thủ súng máy), cabin có thể chứa 37 binh sĩ.
Xe thiết giáp nhỏ bé trước Mi-26
Với những thông tin được công khai cho thấy trực thăng CH-53K sở hữu những khả năng cực ấn tượng của dòng trực thăng vận tải. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để tạo nên sự khác biệt giữa CH-53K với Mi-26 của Nga ngoài tốc độ hành trình ấn tượng của trực thăng Mỹ.
Mi-26 được thiết kế với khoang chở hàng rộng và chiếm phần lớn diện tích máy bay, Mi-26 có thể mang theo những món hàng mà các loại trực thăng vận tải khác phải chào thua.
Ngoài ra, một số phiên bản của Mi-26 dễ dàng cất cánh cùng với 150 người trên khoang hoặc lượng hàng lên tới 25 tấn. Với hai động cơ 8 cánh quạt hoạt động độc lập, Mi-26 có thể cất cánh với trọng lượng tối đa lên tới 56 tấn.
Mi-26 có thể đạt trần bay tối đa là 4,6 km, tầm hoạt động đạt 1.952 km với tốc độ bay tối đa lên tới 295 km/h (trong khi bán kính chiến đấu của CH-53K chỉ là 204 km).
Trực thăng Mi-26 chính thức hoạt động từ năm 1983 (Nga bắt đầu đưa vào trang bị phiên bản mới Mi-26T2), Mi-26 hiện vẫn được sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có cứu hỏa và vận chuyển quân. Mi-26 thực sự đủ điều kiện dẫn đầu trong số những loại máy bay trực thăng vận tải hiện hành.