Từ năm 2019, trực thăng vận tải Mi-26 phục vụ Quân đội Nga bằng phiên bản nâng cấp T2V. Được phi công đặt cho biệt danh “Bò bay” vì hình dáng to lớn, Mi-26 được trang bị bộ giáp và thiết bị mới đã thực nghiệm hoạt động chiến đấu ở Syria.
Mi-26 cất cánh bay lên bầu trời lần đầu tiên vào năm 1977 và trong nhiều năm nó trở thành trực thăng vận tải mạnh mẽ nhất thế giới. Nó có thể chở 20 tấn hàng hóa hoặc hơn 80 lính dù có đầy đủ quân trang, quân dụng, xe bọc thép và thậm chí trực thăng chiến đấu.
Đặc biệt, vào năm 2009, một trực thăng Mi-26 tham gia hoạt động giải cứu một trực thăng CH-47 của Quân đội Mỹ ở Afghanistan.
“Đó là những ngày chúng ta hợp tác với NATO về tất cả những vấn đề quan trọng. Phiến quân Taliban bắn rơi một trực thăng của Mỹ, và chiếc trực thăng Chinook còn lại không thể rời khỏi trận địa", giáo sư Vadim Kozyulin, giảng viện Học viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự Nga chia sẻ với Thông tấn quốc gia RT hôm 22-2.
"Họ đã kêu gọi Nga giúp đỡ, nên chiếc trực thăng bị bắn hạ được móc vào Mi-26 của chúng ta vận chuyển đến căn cứ Quân đội Mỹ gần nhất”.
40 năm sau chuyến bay đầu tiên, Mi-26 vẫn giữ vững vị thế trực thăng vận tải hạng nặng nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga giao nhiệm vụ cho các nhà sản xuất vũ khí nâng cấp toàn bộ đặc tính kỹ thuật của chuyên cơ để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại.
Trên tất cả, các nhà sản xuất vũ khí phải đảm bảo cho Mi-26 hoạt động bớt “nóng” hơn, ông Kozyulin giải thích.
“Đây là một loại trực thăng khổng lồ có 2 động cơ tạo ra 23.000 sức ngựa. Vì động cơ phát thải nhiệt, Mi-26 có thể trở thành mục tiêu cho tên lửa tầm nhiệt chống máy bay, chẳng hạn Igla hoặc Stinger”, ông cho biết.
Đó là cách mà quân phiến loạn bắn rơi một trực thăng Mi-26 vào năm 2002 khi đang hạ cánh ở Chechnya, theo ông Kozyulin.
“Trực thăng đang đưa các sĩ quan và binh sĩ đến một khu vực chiến đấu. Bọn khủng bố bắn một quả tên lửa Igla khi trực thăng đang hạ cánh và trong 150 người trên chuyên cơ chỉ có 20 người thoát chết”, chuyên gia cho biết.
Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quân sự Nga, Mi-26T2V giống như trực thăng tấn công Ka-52, sẽ được trang bị hệ thống Vitebsk để chống lại vũ khí vác vai chống máy bay. “Đó là một hệ thống phòng vệ vô tuyến-điện tử làm mù tên lửa tầm nhiệt và hạ gục nó ngay tức khắc.
Nói một cách đơn giản, khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa bị đánh lạc hướng khỏi trực thăng và bay trật sang một bên”, nguồn tin cho hay.
Mi-26T2V cũng sẽ được trang bị thiết bị NPK90-2, nguồn tin miêu tả đó là “một hệ thống lái trực thăng tự động an toàn vào bất kỳ thời điểm trong ngày hoàn hảo trong cả việc cất và hạ cánh.
Tuy nhiên, phiên bản trực thăng cấp chưa được trang bị hệ thống vũ khí.“Điều đó không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải có chiến thuật, trực thăng sẽ được Mi-28 hoặc Ka-52 hộ tống. Trực thăng mới chỉ có mục đích cải thiện khả năng sống sót đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động tối ưu”, theo nguồn tin.