Trực thăng chở 5 người rơi xuống biển: Lời kể của người đến hiện trường đầu tiên

Hoàng Dương |

Chỉ 5 phút sau khi tai nạn kinh hoàng xảy ra, ngư dân Vũ Văn Dân đã nhanh chóng lái xuồng đến vị trí máy bay rơi, tự tay vớt 2 thi thể hành khách xấu số và đánh dấu vị trí hiện trường để báo cho cơ quan chức năng đến ứng cứu.

Trực thăng chở 5 người rơi xuống biển: Lời kể của người đến hiện trường đầu tiên - Ảnh 1.

Máy bay gặp sự cố trước khi rơi

Chiều 5/4, anh Dân (trú thôn 2 xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) đang ở bè cá cách hiện trường máy bay Bell 505 rơi khoảng 5km, bất ngờ con của anh gọi điện thoại báo: “Bố ơi, có máy bay rơi xuống nước, có cả người bố ạ!”. Anh Dân bỏ mọi thứ lại và lên xuồng. Chỉ 5 phút sau, anh có mặt ở hiện trường và thấy nhiều mảnh vỡ máy bay nổi trên mặt biển. Khoảng 20 phút sau, anh Dân thấy một người đàn ông nổi lên trên mặt biển trong tư thế úp mặt xuống nên lái xuồng vào để kiểm tra. “Thi thể nổi lên trong khi áo phao vẫn quấn ở tay. Tôi cố kéo người lên để thò phần đầu trên mặt nước kiểm tra thì thấy người đàn ông này không còn thở nữa. Tôi buộc dây vào thi thể người đàn ông sau đó kéo vào bờ”, anh Dân kể.

Nửa giờ sau, thi thể thứ hai nổi lên mặt biển được xác định là phụ nữ nhưng không còn nguyên vẹn. Lúc này, anh Dân thấy trên mặt biển xuất hiện nhiều váng màu vàng cùng với mảnh vỡ máy bay. Khi thủy triều dâng cao, anh Dân thả neo đánh dấu vị trí máy bay bị rơi rồi thông báo với cơ quan chức năng và trực tiếp cùng mọi người tham gia cứu hộ. “Tôi có một chiếc thuyền có đèn công suất lớn nên được trưng dụng tham gia cứu hộ cùng mọi người. Việc cứu hộ kéo dài suốt đêm”, anh Dân chia sẻ.

Trực thăng chở 5 người rơi xuống biển: Lời kể của người đến hiện trường đầu tiên - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể nạn nhân và trục vớt máy bay rơi. Ảnh: Hoàng Dương

Anh Dân cho biết, trong quá trình tiếp cận xác máy bay nằm dưới đáy biển, đội thợ lặn phát hiện bên trong cabin máy bay lộ ra phần tay và chân ở hai bên. Ban đầu họ tưởng là hai nạn nhân, nhưng khi thợ lặn tiếp cận thì phát hiện đó là thi thể phi công.

Anh Dân cho biết, thời điểm trực thăng bị rơi, con anh cùng một số người câu cá gần hiện trường trông thấy máy bay đang bay ở trên núi thuộc vùng biển cách xa hiện trường khoảng 2 km. Lúc này, mọi người nghe thấy máy bay xuất hiện nhiều tiếng kêu lạ, có dấu hiệu mất lái, bay không ổn định. Sau đó, chiếc Bell 505 lao vào vị trí gần nơi con anh Dân đang câu cá và sượt qua đầu một tàu đánh cá trước khi rơi xuống biển.

Chạy đua thời gian tìm kiếm nạn nhân cuối cùng

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị nạn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đến khoảng 0h30 sáng 6/4, các thợ lặn đã tiếp cận xác máy bay và vớt được thi thể của phi công. Ngay sau đó, cả 3 thi thể được chuyển sang tàu chuyên dụng nhanh chóng cập cảng Tuần Châu, Hạ Long để di chuyển về Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh).

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng huy động tàu của ngư dân rà lưới rê theo khu vực đã được lực lượng chức năng xác định. Thợ lặn của đặc công Quân chủng Hải quân và Ban Quản lý vịnh Hạ Long tìm kiếm dưới đáy biển. Các lực lượng chức năng và ngư dân tìm kiếm trên mặt nước và khu vực lân cận trong phạm vi khoảng 7 km2, dùng flycam dò tìm từ trên cao.

Trực thăng chở 5 người rơi xuống biển: Lời kể của người đến hiện trường đầu tiên - Ảnh 3.

Đến 9h30 ngày 6/4, lực lượng chức năng trục vớt thành công thêm một thi thể nạn nhân và các bộ phận cùng hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn.

Chiều 6/4, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, sau khi tìm thấy hộp đen của chiếc trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18), cơ quan chức năng tiến hành giải mã để tìm nguyên nhân vụ tai nạn.

Tính đến trưa 6/4, có hơn 600 người đang tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng Biên phòng Quảng Ninh 46 người, Biên phòng Hải Phòng 15 người, Cảnh sát biển 18, Quân chủng Hải quân 38 (trong đó có 9 thợ lặn), Quân khu 3 cử 218 người, lực lượng khác 270 người.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp đề nghị cấp có thẩm quyền tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ bay trực thăng tham quan trên vịnh Hạ Long, chỉ cho phép hoạt động trở lại khi đã có đầy đủ biện pháp, giải pháp khắc phục được nguy cơ gây mất an toàn; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trực thăng chở 5 người rơi xuống biển: Lời kể của người đến hiện trường đầu tiên - Ảnh 5.

Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể nạn nhân và trục vớt máy bay rơi. Ảnh: Hoàng Dương

Trao đổi nhanh với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoài Sơn, cho biết, ngày 6/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân 20 triệu đồng, UBND TP Hạ Long hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Đồng thời, Quảng Ninh cũng chi trả chi phí di chuyển của người nhà nạn nhân từ TP Đà Nẵng ra TP Hạ Long. Người nhà được bố trí nơi nghỉ ngơi, ăn uống để chờ lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ.

Theo ông Sơn, đoàn du khách từ Đà Nẵng gồm 7 người, trong đó chỉ có 4 người lên máy bay trực thăng để tham quan ngắm vịnh Hạ Long. 3 người ở lại là cùng gia đình, do có con nhỏ bị ốm phải ở lại chăm sóc tại Bệnh viện Bãi Cháy. “Tỉnh cũng đã chỉ đạo phía Bệnh viện Bãi Cháy hỗ trợ tối đa những điều kiện tốt nhất để chăm sóc cháu nhỏ của đoàn khách Đà Nẵng cũng như người thân có mặt tại bệnh viện”, ông Sơn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại