Loại trực thăng tấn công có khả năng chiến đấu cao nhất của Quân đội Mỹ, AH-64 Apache, đã chịu hai tổn thất liên tiếp do tai nạn chỉ trong vòng ba ngày. Trước đó một tháng cũng đã ghi nhận hai tai nạn tương tự, điều này gây ra mối lo ngại lớn về an toàn nhân sự và buộc nhiều đơn vị đang sử dụng phải kiểm tra lại độ an toàn của trực thăng.
Những sự cố liên tiếp
Vụ đầu tiên trong số hai sự cố gần đây xảy ra trong cuộc tập trận định kỳ vào ngày 24/3 tại Căn cứ chung Lewis-McChord, bang Washington, khiến hai phi công bị thương. Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 26/3 khi một chiếc Apache hoạt động tại Fort Carson, Colorado, bị rơi trong quá trình huấn luyện và khiến các phi công bị thương.
Các sự cố trước đó xảy ra vào ngày 12/2 và ngày 23/2, trong đó vụ tai nạn thứ hai khiến cả hai phi công thiệt mạng. Đã phục vụ được 40 năm, Apache cho đến nay vẫn là loại trực thăng tấn công hạng nặng lâu đời nhất còn đang được sản xuất. Chiếc trực thăng này đã được xem là vũ khí của quan trọng của Mỹ và NATO để đối đầu với những chiếc Mi-24 của Liên Xô, đã ra đời từ 15 năm trước.
Nguyên nhân của các sự cố gần đây liên quan đến phi đội Apache vẫn chưa thực sự rõ ràng, mặc dù vào năm 2023, Quân đội Mỹ đã tiết lộ về sự gia tăng đáng kể số lần hỏng máy phát điện trên máy bay, có thể gây ra khói tích tụ làm tăng khả năng gây nguy hiểm trong buồng lái của phi công. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các sự cố gần đây liên quan đến sự cố máy phát điện gây ra.
Các câu hỏi cũng đã được đặt ra liên quan đến điều kiện chuyến bay, chất lượng bảo trì và trình độ đào tạo nhân sự, cũng như chất lượng của máy bay, bởi có nhiều ý kiến cho rằng lỗi là do nhà sản xuất Boeing.
Chưa có phiên bản thay thế
Quân đội Mỹ hiện có hơn 700 máy bay trực thăng Apache đang hoạt động. Ngoài ra có khoảng 800 chiếc đang được đặt hàng, cùng với các đơn đặt hàng từ khách hàng nước ngoài. Đáng kể nhất là đơn đặt hàng 96 chiếc của Ba Lan được đặt vào tháng 9/2023.
Sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào Apache cũng đã tăng lên đáng kể do chương trình Máy bay Trinh sát Tấn công cao hơn, nhằm sản xuất một loại trực thăng đa năng để thay thế cho gần một nửa phi đội Apache của nước này đã bị hủy bỏ hồi tháng 2 vừa qua.
Kết quả là trực thăng Apache sẽ tiếp tục được sản xuất và hoạt động lâu hơn đáng kể. Bên cạnh đó, từ thực tế trên chiến trường Ukraine cho thấy rằng, những loại máy bay trực thăng được bọc thép ngày càng dễ bị tổn thương trước các loại vũ khí hiện đại, nên đây cũng là lý do chính khiến một số chương trình trực thăng mới phải xem xét lại.
Những đối thủ mạnh
Trong thời điểm hiện tại, Apache còn phải đối mặt với những thiết kế máy bay trực thăng mới hơn đáng kể, bao gồm cả những phiên bản kế nhiệm của Mi-24 là Mi-28 và Ka-52, được đánh giá là có khả năng chiến đấu mạnh hơn nhiều so với trực thăng Mỹ. Cả Mi-28 và Ka-52 đều là những phiên bản trực thăng hoàn chỉnh hơn và có độ tinh tế cao trong thiết kế so với Apache.
Loại trực thăng tấn công hạng nặng đầu tiên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được nhìn thấy lần đầu vào ngày 21/3 và trong khi những hình ảnh rõ ràng về chiếc máy bay này vẫn chưa xuất hiện, thì chương trình này có khả năng sẽ lấy đi của Mỹ những hợp đồng cung cấp trực thăng cho các đồng minh truyền thống.
Mi-28 của Nga hiện vẫn là trực thăng tấn công chính trong biên chế của Quân đội Algeria, lực lượng này cũng là đối thủ tiềm tàng của Mỹ và là cường quốc quân sự hàng đầu ở châu Phi nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Washington. Bên cạnh đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, vốn bị Washington liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, cũng được cho là sẽ nhận những chiếc Mi-28 do Iran đặt hàng vào năm 2023.
Khó khăn của Apache
Tổn thất của phi đội Apache và những lo ngại về khả năng hoạt động của các máy bay còn lại được xem là đáng quan tâm, bởi Mỹ hiện đang phải vật lộn với những thách thức an ninh ngày càng tăng trên nhiều chiến trường. Chúng bao gồm cuộc xung đột Nga - Ukraine, nơi quân nhân và các nhà thầu NATO của Mỹ và đồng minh đóng vai trò ngày càng sâu rộng trên thực địa và ở Trung Đông, nơi các cuộc giao tranh trên bộ và hải quân với lực lượng dân quân địa phương vẫn diễn ra thường xuyên kể từ tháng 10/2023.
Bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Biển Đông cũng gây thêm căng thẳng cho khả năng của Mỹ, khi cán cân quyền lực ở cả hai mặt trận ngày càng trở nên bất lợi cho lợi ích của Mỹ, do quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của các lực lượng quân sự Trung Quốc và Triều Tiên.
Apache cũng từng phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về bảo trì trong quá trình triển khai chiến đấu trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc và trong cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư năm 1999 khiến Mỹ mất 16 chiếc trong chiến đấu.
Dự kiến trong thập kỷ tới, sẽ không có loại trực thăng kế nhiệm nào của các nước phương Tây có khả năng hơn được Apache. Và trong khi Trung Quốc chuẩn bị đưa nền tảng trực thăng tấn công mới nhất vào biên chế, thì chỉ có Nga là đối thủ thực sự đối với trực thăng của Mỹ.