Lợi dụng khan hàng tăng giá thuốc và kit xét nghiệm COVID-19
"Hết hàng", "nghỉ bán" - những tấm biển như vậy không hiếm, mỗi khi có sự thay đổi về giá xăng mà nếu chỉ cần chăng tấm biển này ra thì sau giờ giá tăng có thể kiếm được số tiền chênh lệch không nhỏ. Còn khi dịch diễn biến khó lường, thuốc, thiết bị y tế có khi còn có tốc độ tăng giá nhanh hơn cả dịch. Trục lợi kinh doanh khi thị trường bất thường - những việc lạ mà đã thành quen.
Tại khu vực phố Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) - nơi tập trung hơn 100 cửa hàng kinh doanh vật tư y tế - đã xuất hiện tình trạng khan hiếm mặt hàng kit test nhanh COVID-19. Người bán cho biết, việc nhập hàng về bán gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại test của Hàn Quốc vì nhà cung cấp cũng đã cháy hàng. Thậm chí, nếu muốn mua số lượng vài hộp trở lên, người mua còn phải đặt tiền trước.
Để tránh tình trạng đầu cơ nhằm trục lợi, hầu hết các cửa hàng trên địa bàn đều phải ký cam kết không găm hàng thổi giá, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số người bán vẫn tự ý nâng bán giá cao hơn so với mức giá niêm yết để trục lợi.
Nếu bán đúng giá niêm yết, với mỗi một que test, người bán chỉ thu lợi được 3.000 đồng. Nhưng khi nâng giá, với mỗi que test, người bán thu lợi gấp gần 13 lần.
Liên Hoa Thanh Ôn là loại thuốc gần đây được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội với quảng cáo có công dụng điều trị COVID-19. Tuy nhiên, đây là thuốc chữa cảm cúm viêm họng chảy mũi ho sốt diệt virus phòng chống điều trị viêm phổi, không phải là điều trị COVID-19.
Theo quy định của luật dược hiện nay, các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh thì đều phải được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Còn lô thuốc này là lô thuốc 3 không: không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được cấp phép lưu hành và không rõ chất lượng có an toàn với người sử dụng hay không.
Găm hàng trục lợi từ xăng dầu - nỗi khổ với nhiều người dân
Trước ngày điều chỉnh giá xăng tăng, 1 số cây xăng ở khu vực thành phố Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 12 (TP Hồ Chí Minh) có tình trạng không chấp nhận cho người dân đổ đầy bình xăng, mà chỉ phân phối nhỏ giọt.
Hay những bảng thông báo "hết xăng" như thế này đã trở thành nỗi khổ sở đối với nhiều người dân.
Trước tình trạng này, Đoàn thanh tra thuộc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Cục quản lý thị trường đã thành lập nhiều đoàn xuống hiện trường kiểm tra tình hình hoạt động tại các điểm kinh doanh xăng dầu.
Với những điểm bán nhỏ giọt hay hết xăng, đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời yêu cầu chủ các cây xăng mở các hầm chứa.
Lý giải nguyên nhân giá xăng trong nước tăng mạnh và nguồn cung thiếu hụt trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung từ nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong tháng 2 năm nay giảm 43% so với kế hoạch. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản nguồn cung từ nay đến tháng 4.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ lập biên bản, rút giấy phép và xử lý nghiêm nếu tái phạm với các cửa hàng hạn chế bán xăng.
Hành vi đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất ổn là hành động đáng lên án. Nhiều nước đã đưa ra các quy định nhằm siết chặt kiểm soát hoạt động này, cá nhân vi phạm thậm chí có thể bị xử phạt tù tới chung thân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua. nhưng đây là với xăng dầu một mặt hàng có hệ thống kiểm soát rất chặt. Còn rất nhiều những mặt hàng khác, muôn hình muôn vẻ của thị trường cũng dễ dàng bị tận dụng tình hình để trục lợi.
Chính vì thế, quản lý tổng thể sử dụng kể cả những thiết chế về đạo đức và quy định pháp luật để dần từ chỗ không thể trục lợi đến không muốn trục lợi, từ phải làm đến muốn làm vì suy cho cùng trục lợi hay không là lựa chọn của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, trước pháp luật.
Cùng tìm hiểu về chủ đề trục lợi kinh doanh trong chương trình Sự kiện & bình luận với sự tham gia của các khách mời: T.S Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận, báo Nhân Dân và ông Nguyễn Đức Lê, Cục phó Cục nghiệp vụ, Tổng Cục quản lý thị trường.
Các nước phạt nặng hành vi đầu cơ trong dịch bệnh như thế nào?
Từ đầu dịch, Nhật Bản đã ban hành các quy định cấm đầu cơ các mặt hàng thiết yếu trong dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch diệt khuẩn khăn và vải kháng khuẩn, rượu, phụ gia thực phẩm... Cá nhân và chủ doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tù dưới 1 năm và phạt tiền lên đến 1 triệu yên (khoảng 200 triệu đồng).
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc đã siết chặt các hoạt động đầu cơ tích trữ hàng thiết yếu. Người tích trữ khẩu trang để đầu cơ có thể bị coi là vi phạm hành chính và hình sự, có thể bị phạt tù tối đa 2 năm hoặc phạt tối đa 50 triệu won (khoảng gần 1 tỷ đồng)
Australia đưa ra quy định riêng nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, những người đã mua hàng hóa thiết yếu tại các cửa hàng bán lẻ chỉ được bán lại những hàng hóa này với mức giá không quá 120% giá mua. Những người không tuân thủ các quy định trên sẽ bị buộc phải giao nộp những hàng hóa này cho cảnh sát để chuyển cho Kho Dự trữ y tế quốc gia.
Chính phủ Algeria từ tháng 10 năm trước đã siết chặt các quy định đối với hành vi đầu cơ hàng hóa. Theo đó, các hành vi đầu cơ với hàng hóa có thể bị kết án tới 30 năm tù hay thậm chí là tù chung thân trong 1 số trường hợp.
Trong 1 nỗ lực ngăn chặn đầu cơ, từ tháng 9 năm trước, nhà bán lẻ Mỹ Costco hạn chế lượng mua với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như giấy vệ sinh hay nước đóng chai. Costco muốn đảm bảo các mặt hàng thiết yếu sẽ vẫn còn trên kệ, trong lúc đang phải nỗ lực đối phó với những thách thức của chuỗi cung ứng.
Gần nhất, Thái Lan cũng đã siết chặt quy định liên quan tích trữ thịt lợn để bình ổn. Theo đó, tích trữ từ 5 tấn thịt lợn trở lên phải khai báo cơ quan chức năng. Khai báo sai thì bị phạt tù từ 1 năm hoặc phạt tiền lên tới 20 nghìn bạt (hơn 13 triệu đồng). Nếu bị kết tội tích trữ, có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc phạt tiền tới 140 nghìn bạt (hơn 95 triệu đồng).