Dù bản thân đang sống những ngày tháng cuối cùng trong đời, Steve Jobs vẫn là người lên ý tưởng và góp sức hoàn thiện bản vẽ của trụ sở chính Apple Park. Sẽ không hề hoa mỹ khi cho rằng đây là sản phẩm tuyệt vời nhất mà vị CEO này để lại cho giới công nghệ nói chung và hơn 12.000 nhân sự đang làm việc cho chính Apple nói riêng.
Khi hoàn thành cuối năm 2017, nó đã trở thành một trong những trụ sở công ty có giá trị nhất thế giới, lên tới 4,17 tỷ USD bao gồm cả đất đai, đồ nội thất, máy tính và các trang bị khác. Nó cũng lọt vào Top 3 công trình kiến trúc đắt giá nhất. Nhìn rộng hơn, chỉ có hai tuyệt tác xây dựng đứng trên tổng hành dinh mới của "táo khuyết" về kinh phí xây dựng, đó là Marina Bay Sands và Tháp đồng hồ Khách sạn Hoàng Gia Mecca. Nhưng cần biết rằng, trong khi hai công trình xây dựng nói trên là cả một khu phức hợp rộng lớn kết hợp giữa kinh doanh, khai thác du lịch và nghỉ dưỡng thì Apple Park chỉ đơn thuần là trụ sở chính của một công ty công nghệ.
Dù có đến hơn 80% diện tích khu đất được phủ xanh bởi cây cối, nhưng phần còn lại của Apple Park cũng đã chiếm hết hơn một nửa kinh phí đầu tư xây dựng. Chỉ tính riêng tòa tháp chính được thiết kế trông như một chiếc phi thuyền đến từ tương lai, với hơn 3.000 tấm kính có chiều cao tương đương 4 tầng lầu, cũng đã khiến Apple phải chi ra đến hơn 400 triệu USD. Thậm chí, đối tác cung cấp cửa kính cho chuỗi cửa hàng Apple Stores là Seele, đã phải đặt thiết kế riêng những cỗ máy đặc biệt chỉ để đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng trụ sở mới của gã khổng lồ công nghệ.
Nhưng với giá trị khổng lồ này, Apple có thể phải trả hàng chục triệu USD tiền thuế bất động sản mỗi năm. Theo báo cáo, trong năm tài chính 2017-2018, Apple là đơn vị nộp thuế tài sản lớn nhất tại hạt Santa Clara, với tổng cộng 56 triệu USD tiền thuế.
Apple Park là nơi làm việc của cùng lúc hơn 12.000 nhân sự.
Nhưng không chỉ sở hữu mức chi phí xây dựng và hoàn thiện không tưởng, tòa nhà với vẻ bề ngoài trông như một chiếc phi thuyền vừa mới hạ cánh này còn được ghi nhận là nơi hiếm hoi tại thung lũng Silicon sở hữu công nghệ giảm chấn động. Nó có khả năng chống chịu với mọi trận động đất ở nhiều cường độ khác nhau, dựa trên cảm hứng từ kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản.
Apple Park được xây dựng phần nền móng với hơn 680 đĩa giảm chấn được làm từ thép không gỉ, sắp xếp thành nhiều lớp ở phía dưới lòng đất và có khả năng chuyển dời sang nhiều hướng. Điều này giúp đảm bảo gần như nguyên vẹn cấu trúc xây dựng của tòa nhà, trong những trường hợp xấu nhất có thể xảy đến. Được biết, khu đất công nghiệp ngày xưa, nơi mà giờ đây Apple Park đang chễm chệ hiện diện, nằm ngay phía trên một trong bảy đường đứt gãy lớn nhất tại khu vực vịnh San Francisco.
Có hàng trăm chiếc đĩa giảm chấn như thế này bên dưới Apple Park.
Vào năm 1906, khu vực này từng chứng kiến một trận động đất kinh hoàng với cường độ lên đến hơn 7,6 độ richter, gây ra thiệt hại không thể kiểm soát đến kinh tế và con người. Điều này cũng có nghĩa là, đã quá lâu rồi kể từ lần cuối khu vực đứt gãy San Andreas thuộc vịnh San Francisco phải trải qua một trận động đất thảm khốc. Không một ai dám khẳng định rằng cơn ác mộng năm xưa sẽ không tái diễn trong tương lai gần.
Việc xây dựng Apple Park với khả năng chống chịu thảm họa gần đạt đến mức độ hoàn hảo, đây giống như một cách thể hiện sự cam kết của công ty công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ. Nó giống như lời hứa của họ trên bất cứ một sản phẩm nào mà họ làm ra, dù chỉ là những chiếc iPhone đơn thuần hay là cả một công trình danh tiếng nhất nhì thế giới.
Tham khảo AppleInsider