Lưu ý: Có một số hình ảnh nhạy cảm.
Theo Daily Mail, khoảng giữa tháng 11/2018 Tổ chức Nhân đạo Xã hội Quốc tế HSI (bộ phận quốc tế của Hội Nhân đạo Hoa Kỳ) đã đến 2 trang trại nuôi nhốt hơn 1.000 con cáo, chồn, lửng chó ở Phần Lan và chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng.
Hai trang trại này, như nhiều cơ sở khác ở Phần Lan, vốn được đảm bảo là "có điều kiện phúc lợi tốt cho động vật " nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.
Cáo, chồn nâu và lửng chó bị nhốt trong những cái lồng tù túng, chật hẹp, dẫn đến tâm lí hoảng loạn, lao vào cắn xé, thậm chí ăn thịt lẫn nhau. Nhiều con sống sót với chân bị thương, mù mắt và vết thương lở loét không được cứu chữa.
Không gian tù túng khiến các con vật phát điên, hiếu chiến và tấn công lẫn nhau
Lửng chó và 1 con cáo đen quý hiếm - bộ lông của nó dùng để sản xuất sản phẩm thời trang cao cấp!
Các trang trại này nuôi nhốt động vật chờ đến ngày "thu hoạch": Chồn nâu bị làm ngạt khí; còn cáo và lửng chó bị giật điện từ hậu môn, sau đó lấy lông phục vụ cho ngành thời trang.
Chuyên gia thú y Alastair MacMillan khi nhìn hồ sơ thu thập được từ nơi nuôi nhốt động vật đã bày tỏ rằng: "Nhiều con vật đang chịu vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Những vết thương hở làm chúng đau đớn.
Nếu đây là điều kiện tốt nhất mà ngành công nghiệp lông thú có thể cung cấp, thì hoàn toàn có lí do cho các nhà thiết kế, nhà bán lẻ để từ chối những sản phẩm tàn bạo này".
Những con cáo, chồn nâu vấy máu, sợ sệt nhìn vào ống kính do tác động của việc nuôi nhốt
Không chỉ cắn xé nhau, nhiều con vật còn bị nhồi nhét cho phát phì khiến chúng thêm khổ sở
Ở Anh, ngành công nghiệp lông thú đã bị cấm từ năm 2000, nhưng Anh Quốc vẫn nhập khẩu lông nhiều loài vật như cáo, thỏ, chồn nâu, sói đồng cỏ và sóc sin-sin.
Từ năm 2003, nước Anh đã nhập khẩu 700 triệu bảng (~21 nghìn tỷ đồng) sản phẩm lông thú, trong đó có 14 triệu bảng là nhập về từ Phần Lan.
Các trang trại Phần Lan cũng là nơi sản xuất lông cáo nhiều nhất châu Âu, với 2,5 triệu con cáo nuôi nhốt và lấy lông mỗi năm.
Trang Daily Mail dẫn lời các chuyên gia cho rằng căn cứ vào tình trạng nuôi nhốt tồi tệ ở Phần Lan thì các cơ sở quy mô khác ở Ý, Pháp, Ba Lan, Trung Quốc và Nga cũng có thể trong điều kiện tương tự, thậm chí trầm trọng hơn.
Cô Claire Bass, giám đốc tổ chức Nhân đạo Xã hội ở Anh Quốc cho biết: "Nhìn thấy những con vật bị chấn thương tâm lí, thậm chí cắn xé đồng loại khiến chúng tôi rất đau lòng.
Trong những chiếc cũi tù túng, các con vật đáng thương kia chỉ tồn tại lay lắt chứ không được sống một cách đúng nghĩa như ở ngoài tự nhiên, theo bản năng vốn có của chúng.
Những con chồn tội nghiệp được nuôi chỉ để chờ ngày lấy lông
Các tổ chức nhân đạo, bảo vệ quyền động vật ở Anh đang kêu gọi ông Michael Gove - Thư ký Bộ Môi trường hãy chấm dứt "tiêu chuẩn kép" - tức là cấm sản xuất lông thú ở Anh nhưng vẫn cho nhập từ nước ngoài.
Thay vào đó hãy có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tình trạng ngược đãi động vật thậm tệ.
Trong khi đó, ở Phần Lan, ngành công nghiệp lông thú là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế sinh học, mỗi năm thu về 400 - 500 triệu euro (~13 nghìn tỷ đồng).
Tuy vậy, đại diện tổ chức ProFur Phần Lan cho biết với Daily Mail: "Ngành công nghiệp lông thú là ngành truyền thống và đang phát triển mạnh. Nhưng chúng tôi muốn biến nó trở nên minh bạch hơn với công chúng".
Nhiều con thú gặp tình trạng lở loét, nhiễm trùng nghiêm trọng
Các vấn đề chính sách luôn cần thời gian để thảo luận, sửa đổi. Nhưng với tư cách người tiêu dùng, liệu bạn có ủng hộ sản phẩm lông thú hay có ý kiến gì về việc này? Hãy cùng chia sẻ ý kiến ở phần bình luận bên dưới.
(Theo Daily Mail)