Để so sánh, năm ngoái nước này có 3.492 người thiệt mạng vì Covid-19.
Tình hình đáng lo tới mức đích thân Nhật hoàng Naruhito hôm 23-2 kêu gọi dốc toàn lực hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Trước đó, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tạo ra vị trí nội các mới để đảm trách các vấn đề sức khỏe tinh thần và đưa ra các biện pháp chống tự tử.
Được giao trọng trách " Bộ trưởng Cô đơn " từ ngày 12-2, ông Tetsushi Sakamoto, 70 tuổi, nhận định: "Trước Nhật Bản, Anh cũng có bộ trưởng giải quyết tình trạng cô đơn vào năm 2018. Có vẻ ở Anh, cô đơn là vấn đề của người cao tuổi. Nhưng ở Nhật Bản, vấn đề này xảy ra ở nhiều nhóm tuổi, từ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ đến người già và tình hình thêm nghiêm trọng vì Covid-19".
Dòng người gần ga tàu điện ngầm Tokyo trong giờ cao điểm buổi sáng 8-2 Ảnh: CFP
Tháng trước, một phụ nữ trên 30 tuổi tự tử vì bị ám ảnh rằng mình đã lây Covid-19 cho chồng, con. Cô là một trong số 1.646 người tìm tới cái chết ở Nhật Bản tháng trước, khi tình trạng khẩn cấp toàn quốc được kích hoạt để chống làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba.
Theo GS Michiko Ueda của Trường ĐH Waseda, phụ nữ và thanh thiếu niên có nguy cơ tự tử nhiều hơn. Bà Ueda lưu ý phụ nữ Nhật Bản thường làm việc theo hợp đồng thời vụ và trong mảng dịch vụ nên bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19. Trong khi đó, thanh thiếu niên cảm thấy bị cô lập vì không thể đến trường.
Tờ Straits Times dẫn số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy số ca tự tử trong nam giới năm ngoái giảm 1% so với năm 2019 (còn 13.943 ca) trong khi số ca phụ nữ tự tử tăng 14,5%, lên 6.976 ca, còn số ca học sinh từ tiểu học đến trung học tự kết liễu cuộc sống tăng vọt tới 40%, lên 479 ca - cao nhất kể từ khi số liệu này được ghi nhận năm 1980.