Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, người dân Củ Chi kể những kỷ niệm với ông Sáu Khải

Viết Dũng |

Người dân Củ Chi đứng yên lặng khi thi hài ông Sáu Khải an vị dưới huyệt mộ bên cạnh người vợ thân thương. Rồi đâu đó, có người kéo tay áo lau vội dòng nước mắt lăn dài trên má.

Vào 11h ngày 22/3, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Ban tổ chức tang lễ đưa về an táng cạnh phần mộ người vợ quá cố, bên trong khuôn viên tư gia tại xã Tân Thông Hội, huyện Chủ Chi (TP HCM) cách trung tâm quận1 khoảng 30 km.

Khi thi hài cố Thủ tướng nằm dưới lòng đất mẹ, những người dân có mặt chứng kiến đã òa khóc nức nở. Giữa trời nắng nóng như đổ lửa, hàng trăm người vẫn kiên nhẫn xếp hàng, tay cầm nén nhang rồi từ tốn vào thắp lên mộ phần bác Sáu Khải. 

Sau đó hơn 1 giờ, trời Củ Chi đổ cơn mưa lớn như cùng tâm trạng với người dân vùng đất thép thành đồng khi mất đi người con ưu tú.

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, người dân Củ Chi kể những kỷ niệm với ông Sáu Khải - Ảnh 1.

Linh cữu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đưa về tới quê nhà xã Tân Thông Hội. Ảnh Hữu Thuận.

Bà Lê Thị Nẳm - cựu chiến binh tay ôm bó hoa, mắt rưng rưng kể, mỗi năm khi họp mặt cựu chiến binh tại Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Sài Gòn – Gia Định, bà đều gặp bác Sáu Khải (cố Thủ tướng Phan Văn Khải).

"Những lần họp mặt, bác dặn tôi phải giữ gìn sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho quê hương, giúp đỡ thế hệ sau trên con đường cách mạng. Đặc biệt là giúp đỡ những anh em đồng đội còn khó khăn, phải nuôi dạy con cho tốt để các cháu lớn lên trở thành người có ích cho đất nước.

Hôm nay đứng đây chờ linh cữu bác Sáu Khải, tim tôi như thắt lại, vì bác Sáu Khải như một người cha, người thầy", bà Nẳm nói. Dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt nhiều nếp nhăn từ lúc nào nên bà kéo tay áo lau đi.

Còn ở phía bên kia, gần lối đi vào nhà nguyên Thủ tướng, bà Nguyễn Thi Mô (72 tuổi, ngụ xã Tân Thông Hội) bận áo bà ba, cổ quàng chiếc khăn rằn của người dân Nam bộ, đầu đội mũ tai bèo. Hỏi ra mới biết bà xưa thuộc đội nữ du kích Củ Chi. 

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, người dân Củ Chi kể những kỷ niệm với ông Sáu Khải - Ảnh 3.

Bà Mô khóc nghẹn trong giây phút an táng cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh Hữu Thuận.

Bà bảo, ông Khải rất thương và quý đội nữ du kích. Khi đất nước thống nhất, cả đội có 60 người thì hy sinh hết 24, họ toàn những cô gái tuổi 18 đôi mươi.

Sau này hễ có dịp ông Sáu Khải có dịp về quê thì hay gọi mấy cô qua nhà chơi, ăn vài miếng bánh, hoa quả. Ông hỏi thăm sức khoẻ, đời sống ra sao, có ai khó khăn là ông tìm cách giúp đỡ.

"10/10 hàng năm là ngày giỗ của 24 chị em đã hy sinh, mọi người trong đội đều tự lo. Kể từ ngày ông Sáu về hưu, sống ở quê, ông hay mời chị em tới nói chuyện, bỏ tiền túi để tổ chức đám giỗ. 

Sau đó ông nói cho lãnh đạo địa đạo Bến Dược hàng năm phải tổ chức lễ giỗ. Hôm nay tôi đến đây tiễn biết ông mà tôi lắm, dù biết sinh lão bệnh tử nhưng thấy mất mát vô cùng", bà vừa khóc vừa kể.

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, người dân Củ Chi kể những kỷ niệm với ông Sáu Khải - Ảnh 4.

Người dân xếp hàng dài chờ đến lượt thắp nhang lên mộ cố Thủ tướng. Ảnh Hữu Thuận.

Còn với cụ Nguyễn Văn Nhuốt (85 tuổi, ngụ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi), khi biết cố Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, dù bị liệt, 2 chân đau nhức nhưng vẫn bảo con cháu đưa đến viếng.

Cụ Nhuốt nói: "Tôi thì cũng bằng tuổi cố Thủ tướng thôi, có vài lần được ổng. Những lần đó tôi rất ấn tượng vì ông là nguyên thủ Quốc gia mà nói chuyện rất gần gũ, mộc mạc".

Theo cụ Nhuốt, ai ở huyện Củ Chi cũng đều biết đến ông Sáu Khải vì ông rất quan tâm đến cuộc sống người dân. Đường xá hư hỏng là ông bỏ tiền hay vận động sửa chữa, trường học xuống cấp là ông tới ngay.

"Ngày hôm nay thì ai cũng xúc động, từ rạng sáng người dân đã lập bàn thờ, thắp nhang dọc đường, chờ đón linh cữu cố Thủ tướng về nơi an nghỉ ở đất mẹ Củ Chi. Tôi mong ông về nơi an nghỉ cực lạc", cụ nói. 

Cụ Nhốt vái lạy ông Sáu Khải rồi bảo con cháu đưa về nhà trong cái nắng chang chang. Đi được một đoạn, ông quay đầu nhìn lại, rồi lấy tay lau đôi dòng lệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại