Lính dù Mỹ nhanh chóng vỡ mộng
Có một lực lượng không quân hùng hậu nên trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ thường xuyên sử dụng chiến thuật đổ bộ và tiếp tế đường không.
Để đổ bộ đường không, lính dù Mỹ sử dụng kiểu dù T-10, MC1 dạng parabol có đường kính 10,7 m. Khối lượng tải lớn nhất 163 kg, trọng lượng toàn bộ dù 14 kg, độ cao mở tối thiểu 152 m, tuổi thọ 16,5 năm.
Một chiếc dù hoa G-11A.
Khi dùng để tiếp tế hàng hóa, quân đội Mỹ sử dụng kiểu dù G-11 dạng bán cầu, có đường kính 10,7 m, khối lượng tải lớn nhất 2.267 kg, trọng lượng dù 113 kg.
Để tiếp tế những hàng hóa có khối lượng lớn hơn, có thể kết hợp nhiều dù lại với nhau. Cũng có thể dùng loại dù lớn hơn khi cần tiếp tế các hàng hóa nặng hơn.
Lính dù Mỹ, đội quân phản ứng nhanh được huấn luyện nhiều kỹ năng chiến đấu đặc biệt, thường tự hào là một lực lượng “hạng sang” của quân đội Mỹ.
Với khả năng có thể đến bất kỳ vị trí nào chỉ trong chớp mắt, tưởng chừng lính dù Mỹ sẽ là người làm nên chuyện lớn ở chiến tranh Việt Nam.
Thật không may, chiến tranh Việt Nam khác hẳn với những lý thuyết về quân sự mà Mỹ từng có và cũng chẳng giống bất cứ cuộc chiến nào đã từng diễn ra. Điều này khiến lính dù Mỹ bất đắc dĩ trở thành “diễn viên phụ”.
Với chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh” của Việt Nam, lực lượng 2 bên ở thế “cài răng lược”, khiến việc nhảy dù trở nên khá nguy hiểm, có thể lạc vào trận địa đối phương.
Sự hiện diện của lính dù Mỹ trên chiến trường chủ yếu trong thập niên 60 của thế kỷ XX, sang thập niên 70 thì hầu như vắng bóng. Chiến dịch lớn nhất của lính dù Mỹ ở Việt Nam là khi tham gia chiến dịch Junction City với 845 thành viên vào tháng 2/1967.
Lính Mỹ nhảy dù ở Phan Rang năm 1965.
Không như đổ bộ lính dù, việc tiếp tế hàng hóa bằng đường không được Mỹ duy trì thường xuyên trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam.
Mặc dù đã xác định trước tọa độ nhưng tình trạng bị gió thổi dạt đi thường xuyên xảy ra. Tệ hơn nữa, do sợ bị bộ đội Việt Nam phục kích bắn hạ mà phi công Mỹ thả hú họa cho xong nhiệm vụ rồi chuồn.
Do đó, các dù hàng lạc vào khu vực do bộ đội Việt Nam kiểm soát không khác gì những "món quà" Mỹ dành cho Việt Nam. Đó có thể là những nhu yếu phẩm của lính Mỹ hoặc các trang thiết bị quân sự nào đó.
Nhưng có lẽ Mỹ cũng không ngờ rằng, chính những chiếc dù mới là thứ hữu ích nhất với bộ độ Việt Nam.
Biến chiến lợi phẩm thành "vũ khí" lợi hại
Lính dù Mỹ sau khi nhảy xuống, vội vàng cởi bỏ dù và chọn ngay một vị trí ẩn nấp nếu không muốn bị lọt vào làn đạn của quân đội Việt Nam.
Còn khi nhận hàng, lính Mỹ cũng rất hiếm khi giữ lại bởi họ đã được trang bị khá đầy đủ và cũng chẳng dại gì mạo hiểm thu hồi dù lo ngại rơi vào tầm ngắm của đối phương.
Vì vậy, sau mỗi lần đổ bộ hoặc tiếp tế đường không, có rất nhiều những tấm dù bị “bỏ rơi”. Bộ đội Việt Nam đã thu lượm được khá nhiều những tấm vải xịn đúng chất Mỹ.
Cũng có thể việc thu các tấm dù được thực hiện một cách chủ động hơn. Đó là khi Mỹ thả hàng tiếp tế, ta dùng hỏa lực bắn dữ dội làm cho phi công Mỹ hoảng sợ mà trút hàng lung tung, khiến dù hàng bị lạc địa chỉ.
Bộ đội ta ghi nhớ địa điểm, khi đêm xuống mới bắt đầu đi lấy về. Chiến lợi phẩm thu về không thể thiếu những tấm vải dù với mới cứng. Đặc biệt loại dù hoa màu xanh lá cây, bởi nó có nhiều công dụng nhất.
Vải dù, đặc biệt là dù hoa, có rất nhiều tác dụng. Đầu tiên, chúng được dùng để ngụy trang, che mắt địch. Du kích Việt Nam vốn dĩ đã rất tài tình trong ngụy trang, vậy nên những chiếc áo choàng bằng dù hoa càng khiến cho quân địch khó mà phát hiện được.
Hình ảnh những người lính Việt Nam với chiếc áo choàng bằng vải dù và bước chân rắn rỏi trên đường hành quân ra trận mang đậm tính biểu tượng cho cả đất nước một thời khó khăn mà anh hùng.
Ngày ấy, những chiếc áo choàng ngụy trang được coi là mốt thời thượng. Ngoài tính “thời trang”, tấm áo này còn giúp che mưa, gió, chống muỗi rất hiệu quả bởi chúng vừa mềm mại, vừa bền.
Cũng bởi đặc điểm ấy mà đôi khi loại vải này cũng dùng được làm khăn quàng cổ mỗi khi trời lạnh.
Có giai thoại còn kể rằng, các cô gái thường chọn những anh bộ đội có khăn hay áo choàng bằng dù hoa vì nó đã nói lên được bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc của người lính.
Hình ảnh những người lính ra trận với chiếc áo choàng bằng vải dù đã trở thành biểu tượng của một thời.
Công dụng tiếp theo của vải dù chính là làm võng. Một chiếc võng làm bằng vải dù vừa nhẹ, vừa bền và rất gọn gàng mỗi khi cần di chuyển. Công phu hơn, có thể may thành những tấm chăn ấm áp để chống chọi lại thời tiết ở nơi rừng núi.
Hình ảnh anh lính giải phóng quân nằm trên chiếc võng bằng vải dù ở vùng giải phóng là những giây phút bình yên hiếm hoi khi tiếng súng tạm lắng.
Mỏng, nhẹ, bền, không thấm nước. Nếu bị bẩn, chỉ cần nhúng nước và vò nhẹ nhàng là đã sạch như mới, phơi một thoáng là khô. Khi cần di chuyển thì chỉ cần gấp lại, chỉ to cỡ một nắm tay.
Những mảnh vải dù đã theo hành trang của người lính đi khắp nơi trên chiến trường, trải qua những thời khắc khó khăn gian khổ đến những thắng lợi huy hoàng.
Giây phút bình yên hiếm hoi bên cánh võng bằng vải dù hoa.
Không chỉ bộ đội được dùng, người dân cũng được chia sẻ món chiến lợi phẩm quý giá này. Chúng được sử dụng như một món đồ dùng trong mỗi gia đình.
Ngày nay, những tấm vải dù vẫn còn được nhiều gia đình Việt Nam giữ lại. Không đơn thuần ở giá trị sử dụng, nó còn chứa đựng ý nghĩa lịch sử lớn lao bởi gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.