Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, "đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất!"

Huy Hậu ghi |

2 năm dịch Covid-19 bùng phát, học sinh liên tiếp phải nghỉ học, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hiền đã sống chắt bóp với mức lương ít ỏi từ việc dạy hợp đồng. Những ngày quận Gò Vấp phong tỏa, cô trả phòng trọ, số tiền còn lại thành vấn đề nan giải nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Chưa bao giờ phải rời Sài Gòn vội vàng vậy!

"Mai không được ăn nhờ ở đậu nữa rồi" - Nguyễn Thị Hiền (25 tuổi, P.14, Gò Vấp) nói với tôi, tay vẫn còn bưng chén mắm, mắt rưng rưng khi đọc câu từng câu từng chữ về quyết định phong toả quận Gò Vấp theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 31/5.

2 hôm trước, cô đón chuyến xe buýt từ TP.HCM đi TX. Bến Cát (Bình Dương), ở lại nhà một người quen trước khi quyết định rời Sài Gòn.

Buổi sáng hôm sau, trên đường trở về, cô nhắn tin cho tôi: "Tui trả trọ luôn tháng này, chuyển về Bình Dương. Tháng sau lương mong đủ sống đến khi tìm được việc…"

Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất! - Ảnh 2.

Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng Q. Gò Vấp và P. Thạnh Lộc (Q.12) phải phong toả theo Chỉ thị 16.

Trưa hôm ấy, dưới cái nắng 36 độ C, trong căn phòng thấp lợp tôn, Hiền tất bật đóng gói tất cả vào thùng cát-tông. Những thứ không thể mang lên xe buýt, Hiền bán hoặc nhờ người thân thanh lý hộ."Chưa bao giờ phải rời Sài Gòn vội vàng vậy! Đến bây giờ tui vẫn không biết quyết định Nam tiến 2 năm trước là đúng hay sai?" - cô cười gượng.

Hiền tốt nghiệp cử nhân sư phạm tại ĐH Quy Nhơn. Năm 22 tuổi, ước mơ duy nhất của cô gái trẻ là có cơ hội đứng lớp, dạy học ở bất kỳ ngôi trường nào, dù là vùng xa nhất.

Thế rồi, qua 10 tháng không tìm được việc, Hiền chấp nhận đi làm bồi bàn cho một quán nhậu tại thành phố du lịch Quy Nhơn với mức lương 2,5 triệu đồng. "Được cái tối đồ ăn dư nhiều, ông chủ cho mang về nên không tốn mấy tiền" - Hiền kể.

Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất! - Ảnh 3.

Qua năm sau, nhờ lời giới thiệu từ bạn bè, Hiền quyết định Nam tiến. Cô nhận dạy học theo dạng hợp đồng trả tiền theo giờ, mỗi tiếng gần 100.000 đồng. Mặc dù không làm đúng chuyên ngành, phải mua đủ các loại sách vở để bắt đầu từ đầu, nhưng được đứng lớp trước hàng chục học sinh, Hiền đã mãn nguyện. Mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đủ để cô thuê một căn trọ nhỏ ở khu dành cho dân lao động và sống yên bình.

Đùng một cái dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố. Từ đầu năm 2020, học sinh quận Gò Vấp liên tiếp phải nghỉ học để đảm bảo giãn cách xã hội, trung tâm giáo dục Hiền dạy hợp đồng cũng đóng cửa. "Ngày giám đốc thông báo phải đợi học sinh quay lại có thể làm tiếp, nhưng ngày nào giám đốc còn không biết khiến tui chỉ muốn khóc." - Hiền kể.

Đợt dịch Covid-19 đầu tiên, cô nhận may khẩu trang y tế để trang trải chờ đến ngày có thể đi làm lại. Chưa kịp hoàn vốn mua máy may thì ông chủ đột ngột huỷ đơn hàng. Hiền tiếp tục chuyển sang buôn rau củ quả từ quê gửi vào, nhưng lượng khách lúc có lúc không, thu nhập vẫn bấp bênh.

Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất! - Ảnh 4.

Nhân viên y tế túc trực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở cộng đồng

Cái Tết 2021, trở về nhà, cô nói với mẹ: "Hay là con ở nhà luôn, tỉa bắp, trồng rau, nuôi heo với má. Thành phố khó sống quá!". Mẹ cô quả quyết: "Còn 2 em nữa. Con vào trong đó làm gì cũng được miễn có tiền". Hai người em gái của Hiền vẫn đương độ tuổi đi học, cô không thể trở thành một gánh nặng thêm cho gia đình. Qua mùng 6 Tết, cô lên đường quay lại Sài Gòn.

Tháng 3 trường học mở cửa, tháng 4 lại tiếp tục sắp xếp cho học sinh nhanh chóng thi học kỳ để chống dịch Covid-19. Tin tức khiến Hiền thấp thỏm mỗi ngày. Đến tháng 5, Hiền vừa đi làm tuần đầu tiên thì Gò Vấp phát hiện hàng loạt ca dương tính Covid-19.

"Những ngày đếm số ca nhiễm, tui không tài nào chợp mắt được. Tiền trong túi còn 1,5 triệu đồng, số tiết dạy 1 tuần chỉ thêm 700 nghìn đồng. Đó là toàn bộ để tui duy trì ở thành phố này trong tháng sau".

Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất! - Ảnh 5.

Xung quanh xóm trọ cô, người ta đã bắt đầu dựng barie phong toả.

Cô quay cuồng rải CV tìm việc, nhưng không số điện thoại nào gọi lại. Cô liên hệ để bắt đầu công việc sắp quần áo cho chó mèo, thì dịch bùng phát, công ty không nhận người.

May mắn cuối tháng 5, Hiền nhận được cuộc gọi từ người quen bảo: "Về Bến Cát đi, học sinh ở đây vẫn đi học, chị sẽ có việc làm", cô mừng rỡ.

"2 năm chật vật vì dịch Covid-19. Đi Bến Cát, quê hơn, xa hơn nhưng tui nghĩ nó sẽ tốt hơn" - cô tâm sự. Phòng trọ đã dọn xong, Hiền cố ngủ thêm một đêm để chuẩn bị cho cuộc rời xa Sài Gòn. 

Ở lại thì nghèo thật nhưng đi thì có lỗi với Tổ Quốc...

Ngày 28/5, bệnh viện nơi chị cô làm việc thông báo có ca nghi nhiễm Covid-19. Gò Vấp trở thành tâm dịch tiếp theo với hàng chục ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Xung quanh xóm trọ cô, người ta đã bắt đầu dựng barie phong toả, đội ngũ y tế chia luồng kiểm tra dịch tễ cho dân. Hiền hoang mang, chẳng biết đi hay ở.

Suốt đêm Gò Vấp không ngủ. Người nối hàng dài tới trường học, sân vận động, nhà thờ,… để test Covid-19, loa phát thanh phường liên tục thông báo yêu cầu người dân ở yên tại chỗ, Hiền nhắn tin cho tôi: "Tui từ chối luôn rồi. Ở lại thì nghèo thật nhưng đi thì có lỗi với Tổ Quốc, dân tộc. Hết tiền, cho ăn ké vài bữa đợi dịch ổn lại nhé!"

Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất! - Ảnh 7.

Lực lượng chức năng thành lập 10 chốt điểm tại cửa ngõ để quản lý việc xuất nhập vào quận Gò Vấp.

Trưa hôm sau, Hiền sang nhà tôi, cô ái ngại mang theo bịch đỗ đen: "Mẹ gửi vào. Xem như trả tiền ăn cơm". Buổi đó, mâm cơm chỉ có rau với cá nhưng Hiền khen lấy khen để.

Hôm sau, cô lại sang phụ việc nhà sớm. Đến 11h thì quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Q12) có chỉ thị phong toả, Hiền rưng rưng: "Đến chỗ ăn nhờ ở đậu cuối cùng cũng không còn…". Hôm đó, cô đựng 2 hộp đồ chè mang về, miệng cười đắng nghét: "Xem như có thêm 2 bữa ăn nhẹ".

Chiều, nhiều dân lao động ở xóm trọ nghèo của Hiền đã trả phòng, rời thành phố. Ngoài đường, người ta chạy xe đi mua đồ dữ trự, chở đầy những thùng mì tôm, gạo, sữa, trứng gà,… Sạp hàng siêu thị, chợ, nhanh chóng hết sạch.

Hiền may mắn tìm được 5 gói mì, 10 quả trứng, vài bó rau. Đó là số thực phẩm cô dùng để dự trữ cho tình huống cấp bách xảy ra trong 15 ngày quận Gò Vấp phong toả.

Trong tâm dịch Gò Vấp phong tỏa: Cô giáo trẻ suốt 2 năm quay cuồng vì dịch, đến chỗ ăn nhờ cuối cùng cũng đã mất! - Ảnh 8.

Hiền rưng rưng: "Đến chỗ ăn nhờ ở đậu cuối cùng cũng không còn…"

Sau cái ngày cô thông báo trả trọ, người ta đã tới xem phòng. Cô biết rằng, chỗ tá túc cuối cùng của mình cũng sắp mất. Nhưng thời gian tới, "ăn nhờ ở đậu" ở đâu để qua khỏi mùa dịch, cô vẫn chưa biết.

Ngoài đường, Gò Vấp những ngày phong toả vắng lặng đến lạ thường. Xóm trọ Hiền ở không còn tiếng trẻ con cười đùa, chạy nhảy trước cửa. Cô ngồi trong phòng, tính toán lại số tiền để đủ xoay trở trong mùa dịch Covid-19.

"Mỗi lần em cầm tấm bằng Sư phạm, em chỉ biết ứa nước mắt. Ba má gọi điện vào hỏi em có ổn không, em vẫn phải cười. Họ ở quê mà, nói ra chỉ làm họ lo thêm chứ được gì đâu.

Giờ, em không còn mong ước làm cô giáo nữa. Em chỉ mong có thể sống được ở thành phố này" - Hiền cười.

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại