Được FIFA chọn tham gia điều hành World Cup nữ 2023 có 107 người, bao gồm 33 trọng tài chính, 55 trợ lý trọng tài cùng 19 trọng tài điều hành phòng VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài).
Người quen với bóng đá Việt Nam
Trong số này, Đông Nam Á chỉ có 1 đại diện là nam trọng tài VAR người Singapore - Muhammad Taqi. Nếu tính đồng chủ nhà Úc thuộc LĐBĐ Đông Nam Á với 4 trọng tài làm nhiệm vụ, số đại diện "vua áo đen" tại khu vực này ở cúp thế giới 2023 lên con số 5. Nhìn rộng ra, các LĐBĐ thuộc châu Á đóng góp 16 trọng tài từ 7 quốc gia, gồm: Palestine, Qatar, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Trợ lý trọng tài FIFA Trương Thị Lệ Trinh (bìa trái) lúc còn tham gia điều hành các trận đấu quốc tế .(Ảnh: ĐỨC ĐỒNG)
Trưởng Ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam (VFF) Đặng Thanh Hạ cho biết: "Việc lựa chọn dựa theo đánh giá của LĐBĐ châu Á và họ sẽ gửi danh sách đến FIFA. Trọng tài đẳng cấp Elite - cao nhất tại châu Á - rất nhiều. Tuy nhiên, để được tham gia điều hành tại World Cup thì trọng tài châu Á cũng sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt nên số lượng được lựa chọn cũng rất ít".
Theo ông Hạ, trọng tài nữ Việt Nam hiện được đánh giá chưa phù hợp tham gia "chinh chiến" ở đấu trường danh giá nhất thế giới. Đội tuyển một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ giành vé dự World Cup nữ không phải lúc nào cũng bắt buộc có trọng tài đồng hương được mời tham gia điều hành. Các trọng tài được FIFA sàng lọc sẽ được triệu tập trước giải vài năm để tập trung và tiếp nhận các bài huấn luyện, đánh giá.
Hai điểm yếu cố hữu
Đầu năm 2021, bóng đá Việt Nam có 3 nữ trọng tài là Công Thị Dung, Bùi Thị Thu Trang, Lê Thị Ly và 3 trợ lý trọng tài Trương Thị Lệ Trinh, Nguyễn Thị Hằng Nga và Hà Thị Phượng đạt đẳng cấp Elite.
Trong số này, trợ lý trọng tài Trương Thị Lệ Trinh là người duy nhất được FIFA triệu tập tham gia tập huấn nhưng cuối cùng vẫn không được chọn vào danh sách điều hành World Cup nữ 2023.
Đánh giá về trọng tài nữ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, cựu trợ lý trọng tài FIFA Trương Thị Lệ Trinh cho biết: "Trọng tài Việt Nam không thua kém đồng nghiệp các nước về chuyên môn. Tuy nhiên, các trọng tài Việt cần phải tập luyện nhiều hơn cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể lực. Trình độ ngoại ngữ hạn chế cũng là điểm yếu khiến trọng tài Việt Nam khó được tham gia những giải đấu lớn".
Trọng tài VAR chuyên môn phải cao
Dù cả Đông Nam Á chỉ được cử 1 trọng tài VAR làm việc tại World Cup nữ 2023, trợ lý trọng tài FIFA Lệ Trinh vẫn xem đó là vinh dự lớn lao: "Trọng tài VAR cần phải có trình độ chuyên môn ngang bằng hoặc cao hơn trọng tài chính. Kiến thức và kinh nghiệm giúp họ đưa ra ý kiến về tình huống có thể gây tranh cãi cần VAR can thiệp để thông báo, giúp cho trọng tài chính trên sân. Nếu trọng tài VAR chuyên môn không cao, trọng tài chính khi nhận ý kiến sẽ cảm thấy không hợp lý hoặc khó tin tưởng để dừng trận đấu xem xét tình huống gây tranh cãi".
Trợ lý trọng tài FIFA Lệ Trinh cho biết không những phải nhận định lỗi nhanh, dứt khoát, trọng tài VAR phải sử dụng tiếng Anh thành thạo để giao tiếp cùng các đồng nghiệp phòng VAR và trọng tài trên sân một cách lưu loát.
Trong các trọng tài và trợ lý trọng tài nữ Việt Nam, Trương Thị Lệ Trinh là người được FIFA lựa chọn và điều hành các giải đấu như World Cup U20 nữ 2022 tại Costa Rica và 2 vòng chung kết World Cup U17 nữ các năm 2016, 2018.
Tuy nhiên, cô đã làm đơn xin nghỉ từ tháng 10-2022 vì lý do sức khỏe không bảo đảm điều kiện công việc.
Ở trận khai mạc World Cup nữ 2023 mà đội đồng chủ nhà New Zealand thắng Na Uy 1-0, điều hành chính là tổ trọng tài người Nhật Bản, trong đó trọng tài chính Yoshimi Yamashita là "vua áo đen" nữ châu Á thứ hai cầm còi trận khai mạc World Cup nữ. Yamashita cũng là một trong 3 nữ trọng tài tham gia điều hành World Cup 2022 dành cho nam (đội Argentina của Messi vô địch).
Trọng tài Yamashita trao đổi với cầu thủ Na Uy trong trận khai mạc .(Ảnh: REUTERS)
Cùng có mặt tại Qatar năm ngoái và ở Cúp thế giới nữ 2023 tại Úc - New Zealand kỳ này là trọng tài Pháp Stephanie Frappart, người cầm còi trận Đức - Costa Rica bên cạnh 2 nữ trợ lý đồng hương