Trọng tài - nghề nguy hiểm

HOÀI ĐAN |

Sau khi trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân qua đời vì kiểm tra thể lực, có thể thấy rằng trọng tài bóng đá là một nghề nguy hiểm. Những nguy cơ đối diện tử thần luôn tiềm ẩn trong và cả ngoài sân cỏ và đến với bất kỳ ai.

Từ thế giới…

Năm 2012, trọng tài David Ssebunya (Uganda) đã qua đời sau khi tiến hành kiểm tra thể lực trước mùa giải. Vị trọng tài này cảm thấy sức khoẻ không tốt và phải xin nghỉ ở bài kiểm tra thứ 11/12 để các bác sĩ chăm sóc. Tuy nhiên, những diễn biến xấu đã khiến trọng tài này qua đời ở tuổi 30.

Năm 2016, trong một trận đấu bóng đá phong trào ở thành phố Cordoba (Argentina), một cầu thủ đã rút súng bắn chết trọng tài Cesar Flores (48 tuổi) sau khi anh này nhận thẻ đỏ. 

Chuyện trọng tài bị tấn công, doạ giết ở Nam Mỹ là điều không lạ lẫm. Tuy nhiên, cái chết của trọng tài Flores đã gây chấn động trong giới bóng đá, nó là minh chứng cho thấy nghề trọng tài bạc bẽo và cũng tiềm ẩn đầy sự nguy hiểm.

Những ai quan tâm đến bóng đá thế giới chắc chắn nhớ đến khuôn mặt đẫm máu của trọng tài Anders Frisk. Đây là vị trọng tài từng được điều khiển trận chung kết EURO 2000 giữa Pháp và Italia. 

Năm 2005, ông được phân công điều khiến trận đấu giữa Barcelona - Chelsea ở vòng knock-out Champions League năm 2005. Sau khi rút thẻ đỏ với Didier Drogba, vị trọng tài này đã bị các CĐV doạ giết. 

Vì quá sợ hãi, chỉ chưa đầy 1 tháng, trọng tài Frisk đã tuyên bố giải nghệ ở tuổi 42. Ông chia sẻ với báo chí, ông liên tục nhận được email khủng bố lẫn những lời đe doạ, cuộc sống của ông và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đấy là lý do khiến ông bị ám ảnh.

Đến bóng đá Việt

Với bóng đá Việt Nam, thực tế thì đã từng có nhiều vụ trọng tài bị tấn công. Năm 2006, trong trận đấu giữa Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai, trợ lý Châu Đức Thành bị CĐV quá khích ném vỡ đầu, máu chảy quá; bộ phận y tế phải khâu sống 3 mũi ngay rề đường biên để trợ lý này tiếp tục làm việc. 

Hay xa hơn là năm 1996, trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng (đã qua đời) bị cầu thủ Chu Văn Mùi rượt đuổi trong trận Đồng Tháp thắng Công an TPHCM. 

Tương tự, mùa 1999 - 2000, trọng tài Trương Thế Toàn đã để lại hình ảnh khó phai với đường chạy dích dắc trước sự truy đuổi của cầu thủ đội Vĩnh Long. Trọng Dương Mạnh Hùng cũng từng bị các CĐV quay và suýt bị đánh hội đồng ở Bình Định năm 2005.

Không những chịu sức ép từ phía cầu thủ, CĐV, các trọng tài Việt Nam còn chịu sức ép từ chính những người quản lý ở thượng tầng. 

Còn nhớ ở mùa giải 2008, trên sân Chi Lăng, trọng tài Xuân Hoà sau khi công nhận bàn thắng của Long An trong trận đấu với chủ nhà Đà Nẵng, vì chịu sức ép từ thành viên trong ban chỉ đạo V.League đã có pha bẻ còi tai tiếng. Sau đó thì ông Hoà cũng mất nghiệp vì tiếng còi méo đến từ sức ép.

Sau tất cả những sự việc đó, như chia sẻ của Trưởng ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi, thì nghề trọng tài ở Việt Nam tương đối nguy hiểm vì rất hay bị nhận phản ứng của các cầu thủ, khán giả trên sân, thậm chí còn bị đe dọa.

Vừa qua, làng trọng tài bóng đá Việt Nam nhận cú sốc lớn khi trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân qua đời sau khi thực hiện bài kiểm tra thể lực trước giải hạng Nhất 2018. Trợ lý Tân có các vấn đề liên quan đến tim mạch, sau đó là thận... Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt, một trọng tài qua đời vì kiểm tra thể lực trước mùa giải.

Cái chết của trợ lý Tân là sự cố ngoài ý muốn. Bây giờ, điều người ta trách móc nhiều nhất là khâu kiểm tra y tế trước đợt tập huấn đã bị bỏ qua. Đó là điều rất đáng trách và Ban trọng tài VFF sẽ phải nhận trách nhiệm. 

Thế nhưng chỉ trích lúc này thôi thì quá dễ. Một điều đáng nói hơn là tờ giấy khám sức khoẻ trợ lý Tân đưa từ địa phương lên, các thông số đều đảm bảo. Vậy điều gì đã khiến trợ lý này đã bất chấp nguy hiểm tính mạng để tham gia bài kiểm tra thể lực quá khắc nghiệt? Đó là câu hỏi mà những người có trách nhiệm lẽ ra đã trả lời bằng khâu kiểm tra y tế. Tất cả cũng vì cơ chế mà ra.

Tuy nhiên, hãy gác lại chuyện đúng hay sau quy trình sang một bên. Bởi cái sai đã rõ và đừng vin vào đó để vì những mục đích hạ bệ cá nhân. 

Thực tế, cần phải nhận thức lại vấn đề. Các bác sĩ của Bệnh viện Thể thao Việt Nam khuyến cáo, việc vận động thể lực ở mức độ cực đại hoặc cận cực đại thì nguy cơ bị đột quỵ do tim và tử vong do ngừng tim lúc nào cũng thường trực. Rủi ro có thể đến với bất kỳ cầu thủ hay những vị “Vua” sân cỏ nào. Đó chính là sự “nguy hiểm” của nghề.

Như ông Nguyễn Văn Mùi chia sẻ, ông coi việc mua bảo hiểm thân thể cho trọng tài là bước đột phá của VPF. Mong rằng, những người có trách nhiệm sẽ cảnh tỉnh sau sự cố này. Và cũng như ông Mùi nói:

“Các trọng tài, trợ lý là những người biết rõ tình trạng sức khoẻ hơn ai hết. Do vậy mà trường hợp nào cảm thấy sức khoẻ không đảm bảo nên dừng bài kiểm tra, tránh tình trạng cố hoàn thành dẫn đến sự cố đáng tiếc như vừa qua”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại