Mark Clattenburg, trọng tài có 14 năm kinh nghiệm cầm còi ở Premier League, từng bắt chính chung kết Euro 2016 và chung kết Champions League 2016, đã đưa ra nhận định của mình về tình huống thổi penalty cho Man United:
"Nói một cách rõ ràng, trọng tài Damir Skomina đã thổi penalty cho Man United dựa trên điều luật của UEFA. PSG có thể tức giận, tôi hiểu tại vì sao. Với tôi, trong tình huống này, hậu vệ Kimpembe của PSG đã không cố tình dùng tay chơi bóng.
Bóng chạm tay Kimpembe.
Tại Premier League, sẽ không thể có penalty. Nhưng những cách thức xử lý mới nhất mà UEFA phổ biến cho các trọng tài tại Champions League lại dẫn đến quyết định khác hẳn, cũng giống như khi Man City bị thổi phạt 11m trước Schalke tháng trước.
Họ muốn phạt penalty khi cầu thủ phòng ngự để bóng chạm tay với cánh tay giơ lên không ở vị trí tự nhiên. Trọng tài yêu cầu xem lại pha quay chậm tình huống này. Và khi bạn để bóng chạm tay, pha quay chậm sẽ càng làm bạn trông có vẻ như cố tình dùng tay hơn nhiều.
Tôi luôn muốn xem pha bóng chạm tay với tốc độ video thông thường. Nếu xem như thế, trọng tài sẽ không thổi penalty vì cầu thủ đã không cố tình giơ tay cản bóng".
Kimpembe buồn bã nằm xuống sân.
Như vậy, hướng dẫn về xử lý tình huống để bóng chạm tay trong vòng cấm của UEFA đã góp sức giúp Man United có được quả penalty quyết định. Ngoài ra, công sức của VAR cũng rất đáng kể.
Kể từ khi được áp dụng rộng rãi trong bóng đá, VAR tác động rất lớn đến kết quả các trận đấu. 2 trận chung kết World Cup 2018 và Asian Cup 2019 đều xuất hiện penalty nhờ VAR. ĐT Việt Nam tại Asian Cup cũng từng trải qua những khoảnh khắc vui mừng và hụt hẫng liên quan đến những trợ lý trọng tài video này.