Bất chấp bối cảnh thị trường toàn cầu biến động khó lường và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, các doanh nhân trên khắp thế giới vẫn nỗ lực tìm ra cách mới để làm giàu.
Ngày 5/3 vừa qua, tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019, trong đó có 195 gương mặt mới xuất hiện lần đầu tiên và 71% trong số đó là tỷ phú tự thân. Những nhân vật này hoạt động trong ít nhất 16 ngành công nghiệp khác nhau bao gồm bất động sản, công nghệ, bán lẻ và thời trang.
Trong 195 tỷ phú mới, có 139 người là tỷ phú tự thân, 33 người là từ thừa kế và phát triển, số còn lại là những người thừa kế tài sản đơn thuần.
Họ đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Hungary, Israel… Năm nay, Việt Nam có hai tỷ phú mới là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank (vị trí 1349, tài sản 1,7 tỷ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group (vị trí 1717, tài sản 1,3 tỷ USD).
Việt Nam đứng thứ 24 trong danh sách quốc gia có tỷ phú mới.
Tuy nhiên, đông đảo nhất là từ đất nước "tỷ dân". Tổng cộng, Trung Quốc đại lục đã góp thêm vào danh sách của Forbes 44 tỷ phú mới. Nhân vật giàu nhất trong số 195 cái tên mới cũng là người Trung Quốc: Tỷ phú Colin Huang, 39 tuổi với khối tài sản trị giá 13,5 tỷ USD.
Sau khi học tại trường Đại học Wisconsin, thực tập tại Microsoft và bắt đầu sự nghiệp với tư cách là kỹ sư phần mềm của Google, năm 2006 Colin Huang đã trở về Trung Quốc để khởi nghiệp.
Ông lập nên hai trang web thương mại điện tử và một công ty trò chơi trực tuyến trước khi thành lập Pinduoduo, một trang web chuyên bán hàng với mức giá cực rẻ.
Năm ngoái, công ty có trụ sở tại Thượng Hải này đã huy động được 1,6 tỷ USD trong đợt IPO và cổ phiếu của họ tăng 36% sau khi ra mắt trên sàn chứng khoán Nasdaq. Vốn hóa thị trường của Pinduoduo ở thời điểm hiện tại khoảng 36 tỷ USD.
Chân dung nhà sáng lập Pinduoduo, Colin Huang.
Mỹ là quốc gia đứng thứ hai với 39 tỷ phú mới. Con số này ở Brazil và Đài Loan lần lượt là 18 và 9 tỷ phú.
Ngoài Colin Huang, hai nhân vật nổi bật khác là những nhà đồng sáng lập dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify người Thụy Điển: Daniel Ek (36 tuổi) và Martin Lorentzon (49 tuổi). Giá trị tài sản ròng của họ lần lượt là 2,2 tỷ USD và 2,9 tỷ USD.
Đợt IPO thành công năm ngoái đã giúp họ có tên trong danh sách năm nay của Forbes. Hai người tạo ra Spotify cách đây 13 năm và giờ đây công ty của họ có vốn hóa thị trường ở mức 26 tỷ USD và 87 triệu thuê bao trả phí.
Mặc dù vậy, công ty cho biết họ chưa năm nào có lãi và trọng tâm của họ là bơm tiền mặt vào các thương vụ mua lại. Đầu tháng 2 năm nay, Spotify đã mua lại hai công ty Gimlet Media và Anchor FM với giá 340 triệu USD.
Một nhân vật mới đáng chú ý khác là bà Tatyana Bakalchuk của Nga, người sở hữu trang thương mại điện tử Wildberries kinh doanh hơn 15.000 nhãn hiệu quần áo, mỹ phẩm và các sản phẩm gia dụng khác nhau. Bakalchuk là người phụ nữ thứ 2 ở Nga và một trong số 25 nữ tỷ phú mới có tên trong danh sách của Forbes.
Chân dung nữ tỷ phú Tatyana Bakalchuk
Nhân vật nổi bật nhất trong các nữ tỷ phú mới không ai khác chính là ngôi sao trẻ Kylie Jenner. Ở tuổi 21, cô gái trẻ đã thành công ngoài sức tưởng tượng với công ty mỹ phẩm của mình.
Theo Forbes định giá, Kylie Cosmetics hiện có giá trị khoảng 900 triệu USD và dự kiến sẽ kiếm được 1 tỷ USD doanh thu trọn đời trong năm sau. Với việc sở hữu khối tài sản 1 tỷ USD, Jenner đã trở thành tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất mọi thời đại của Forbes.