Từng trồng nhiều loại cây nông nghiệp khác nhau nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Bi (còn gọi là Tám Bi, 63 tuổi), phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ không ít lần gặp cảnh thua lỗ, nợ nần chồng chất.
Năm 2000, ông nghe ngóng thấy một số nơi trồng cây rau muống hạt đem lại hiệu quả cao nên đã mua giống vài luống trồng thử nghiệm. Sau 18 ngày, tưới nước, bắt sâu, bón phân cùng với sự lo lắng, thấp thỏm, cuối cùng những luống rau muống của ông Bi cũng tới ngày thu hoạch, lá cây nào cũng xanh mướt.
Ông Bi chia sẻ trên Vietnamnet, loại rau muống hạt này ăn giòn, ngọt, giàu chất dinh dưỡng, cây dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh tấn công, thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch chỉ 18 ngày nên nhanh thu hồi vốn.
Vì thế, sau luống rau muống trồng thử nghiệm, ông bắt đầu mở rộng diện tích trồng trọt. Hiện, gia đình ông đang sở hữu 5.000m2 đất trồng cây rau muống hạt.
Để đảm bảo số lượng rau bán ra hằng ngày, ông Bi gieo cách luống, tức là 10 luống rau này gần thu hoạch ông mới gieo 10 luống khác. Cứ 1.000m2 đất lại thu hoạch được 2,5 tấn rau, giá bán trung bình 5.000 đồng/kg rau.
Ảnh: Vietnamnet.
Không mất chi phí vận chuyển vì các thương lái vào tận vườn thu mua rau, ông Bi tính ra mỗi ngày gia đình ông lãi được 1-2 triệu đồng tiền bán rau sau khi trừ các khoản chi phí khác.
Nhờ vậy, vợ chồng ông nhanh chóng thoát nợ, trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi trong vùng. Bà con phường Thới An lấy gia đình ông làm gương và tới học hỏi trồng cây rau muống hạt. Vợ chồng ông Bi cũng sẵn sàng chia sẻ giống rau cũng như cách trồng và chăm sóc cây.
Tháng 7/2010, ông và các hộ ở khu vực Thới Hòa thành lập HTX rau an toàn Hòa Phát để ổn định đầu ra, trong đó ông Bi giữ chức vụ Giám đốc. Rau muống ở HTX hiện được sản xuất theo quy trình sạch, cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Ảnh: Vietnamnet.
Thấy an tâm về kinh tế gia đình, giao cho vợ con lo mảnh vườn rau muống, ông Bi dành thời gian nhiều hơn về HTX rau cũng như nhóm thiện nguyện gồm 40 thành viên ở Cần Thơ của mình. Ông luôn ao ước xây những cây cầu để bà con thuận tiện việc đi lại bởi ngày trước, khi quê hương còn nghèo khó, đường sá lầy lội, đi lại rất khó khăn.
Nhóm của ông đã trải nhựa hơn 2,5 km đường nông thôn, bắc 6 cây cầu bê tông kiên cố và nâng cấp 3 cây cầu đã hư hỏng, xuống cấp tại Cần Thơ.
Chi phí cho một cây cầu mới khoảng 40-50 triệu đồng, số tiền này nhóm của ông Bi vừa bỏ tiền túi vừa kêu gọi cộng đồng. Tuy các thành viên đều là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng họ luôn khao khát được giúp đỡ quê hương mình, cũng giống như ông Bi...