Ngày 26/1 vừa qua, nhằm ngày mùng 5 tháng Giêng cũng chính là ngày vía Thần Tài theo dân gian Trung Quốc, thường phải "tiễn nghèo", "đón Thần Tài". Món sủi cảo, đậu phụ trắng lại được bày trên bàn ăn trong ngày này. Nhiều phong tục được thực hiện, gửi gắm những mong muốn tốt đẹp của người dân, tiếp đón phúc vận và tài lộc về nhà.
Theo quan niệm của người Trung Quốc, Thần Tài là vị thần cai quản việc làm ăn, mang đến sự đủ đầy trong tài tiền bạc của gia chủ. Vì vậy, nhiều người, đặc biệt là những người kinh doanh rất coi trọng ngày Thần Tài.
Mùng 5 “phá ngũ”
Ngày mùng 5/1 âm lịch còn được gọi là "phá ngũ", có nghĩa là nhiều điều kiêng kỵ trong những ngày trước Tết Nguyên đán có thể được loại bỏ.
"Phá ngũ" vừa đến, có nghĩa là giai đoạn đầu tiên của dịp Tết Nguyên đán cũng cơ bản kết thúc.
Người dân Trung Quốc ra đường nhận tiền lì xì từ Thần Tài trong ngày mùng 5 tháng Giêng
Một lễ rước Thần Tài ở Trung Quốc
Trong xã hội trước đây, đời sống vật chất không đủ phong phú, người dân Trung Quốc đặt ra nhiều điều cấm kỵ trong những ngày đầu năm, hy vọng một năm có khởi đầu tốt đẹp.
Ví dụ, không thể tự ý mắng trẻ em, đặc biệt là vào ngày đầu tiên của tháng Giêng, nếu không sẽ mang lại cho đứa trẻ một năm xui xẻo. Nếu vô tình làm vỡ một cái gì đó, hãy nhanh chóng nói một "tuổi bình an" (chữ "tuổi" /sui/ hài âm với "vỡ" /zui/), mang đi xui xẻo.
Bên cạnh đó, cũng không thể quét sàn nhà, đổ nước ra ngoài, nếu không sẽ mang phúc khí, tài lộc đi mất. Thế nhưng nếu cứ sống với nếp sinh hoạt như vậy cũng không thuận tiện lắm, cho nên mùng 5 tháng Giêng, người Trung Quốc bắt đầu quét dọn nhà cửa, những điều kiêng kị trong Tết Nguyên đán chính thức được phá bỏ.
“Tiễn nghèo”, đón Thần Tài
Trong cuốn Yên Kinh Tuế Thời Ký ghi lại: Mùng 5 tháng Giêng gọi là "phá ngũ". Trong ngày "phá ngũ" không được nấu ăn với gạo sống, phụ nữ không được ra ngoài. Đến mùng 6, quan lại chúc mừng lẫn nhau... Mà chư thương (người làm ăn) cũng dần mở cửa mua bán.
Tương truyền sinh nhật Thần Tài chính là mùng 5 tháng Giêng, ngày này cũng trở thành ngày may mắn trong dân gian đón Thần Tài, nhất là người làm ăn lại càng coi trọng hơn.
Ngũ lộ Tài Thần
Ở Trung Quốc, hình tượng Thần Tài bao gồm 5 vị Ngũ lộ Tài Thần, ứng với 4 hướng và trung tâm: Trung Bân Tài Thần Vương Hợi (Trung); Văn Tài Thần Tỷ Can (Đông), Phạm Lãi (Nam); Võ Tài Thần Quan Công (Tây) và Trương Công Minh (Bắc). Trong đó Võ Tài Thần Quan Công chính là nhân vật võ tướng Quan Vũ thời Tam quốc, được thờ cúng trong đền.
Thần Tài xuất hiện tại Công viên Bạch Lộc Châu phát lì xì cho người dân ở Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc)
Hình ảnh tỷ phú Jack Ma được nhiều người Trung Quốc vây quanh xin vía vì mong muốn được giàu như ông
Theo phong tục truyền thống, khác với thói quen mua vàng ở Việt Nam, người Trung Quốc lại dán tượng Thần Tài, đốt pháo, cúng bái Thần Tài.
Ngày này, người làm ăn có thể mở cửa kinh doanh, mọi người cũng có thể tham gia vào một số hoạt động công cộng như múa rồng, múa lân và Thần Tài phát lì xì... Họ thường đi lễ cầu may, nhận lì xì từ các Thần Tài để lấy vía cho năm mới may mắn, phát tài.
Người dân dậy sớm làm mâm cúng, dọn dẹp nhà cửa, đổ đi rác tích lũy trong mấy ngày qua. Có nơi phải vừa quét sân vừa đốt pháo, với ý nghĩa đuổi tất cả những thứ không may mắn, không như ý ra ngoài. Đồng thời, mở tất cả các cửa và treo đèn lồng để mời Thần Tài vào nhà.
Dán hình Thần Tài trước cửa để đón tài lộc
Người miền Bắc Trung Quốc thường ăn sủi cảo, người miền Nam ăn đậu phụ, hy vọng năm mới gia đình ấm no, làm ăn tấn tới. Các cửa hàng kinh doanh mở cửa đầu năm, công ty thì chính thức đi làm lại, phát lì xì cho khách hàng và nhân viên.
Dân gian Trung Quốc còn quan niệm, vào ngày mùng 5 tháng giêng, mọi người sẽ "tiễn 5 cái nghèo", cụ thể là nghèo trí tuệ, nghèo học thức, nghèo văn hóa, nghèo cuộc đời, nghèo mối quan hệ, và 5 cái nghèo này được gọi là “Ngũ quỷ”.
Tại sao trong ngày "phá ngũ", người Trung Quốc ăn sủi cảo?
Đến ngày mùng 5 tháng Giêng, người Trung Quốc thường tự làm và ăn sủi cảo.
Một vài khu vực gọi hoạt động làm sủi cảo là "bóp miệng tiểu nhân", khi làm sủi cảo, phải dùng tay bóp cho phần bột bao trọn lấy phần nhân. Người ta nói rằng điều này có thể tránh được những lời gièm pha của miệng đời trong năm mới.
Người Trung Quốc ăn sủi cảo trong ngày Thần Tài
Có nơi còn cầu kỳ hơn, nhân sủi cảo phải được băm rất mạnh, tốt nhất là để hàng xóm có thể nghe thấy, mong đợi năm sau mọi việc suôn sẻ, xua đuổi phiền phức từ những người không tốt đẹp.
Phong tục ngày Thần Tài ở các địa phương Trung Quốc nói riêng vào một số quốc gia châu Á nói chung, có thể khác nhau, nhưng tất cả đều gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp của người dân để trừ tà, thu về tài lộc, nghênh đón phúc vận, làm ăn tấn tới.
Nguồn: Baike, China Daily