Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 80 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo tính toán, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 dự báo sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn, với kim ngạch 4,2 tỷ USD.
Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800.000ha).
Các khu vực trồng nhiều cà phê của Việt Nam phải kể đến Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La... Trong số đó, những năm gần đây, Sơn La nổi lên là một địa điểm trồng cà phê với những ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Cà phê Sơn La chinh phục thị trường quốc tế
Tỉnh Sơn La ở trung tâm vùng Tây Bắc có diện tích tự nhiên là 1.410.983 ha gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện, là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 của cả nước chiếm 39% diện tích vùng Tây Bắc và bằng 4,15% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc.
Tỉnh Sơn La có vị trí nằm trong khu vực thuộc đới gió mùa chí tuyến của miền khí hậu phía bắc, nên khí hậu mang sắc thái nhiệt đới, ẩm, gió mùa, có mùa đông lạnh với những nét đặc trưng riêng.
Chế độ gió mùa đã làm cho khí hậu Sơn La chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9. Sơn La nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của gió bão hơn các vùng khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các dãy núi cao trung bình chạy dọc biên giới Việt - Lào nên trong thời gian tháng 3, 4, Sơn La chịu ảnh hưởng của hiệu ứng phơn nên có gió Tây Nam (gió Lào) khô, nóng, thời tiết tương đối khắc nghiệt.
Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên, Sơn La là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà phê.
Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, tỉnh nghèo này chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của địa phương. Cà phê trồng tại vùng núi này chủ yếu là cà phê chè (cà phê Arabica). Cà phê chè (Arabica) là loại cà phê chất lượng cao, giá trị thường cao gấp 1,5 - 2 lần so cà phê Vối (Robusta).
Diện tích trồng lớn, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m. Sản lượng hàng năm ước 40.000 - 50.000 tấn nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng.
Với trên 20.000 ha trồng cà phê Arabica, trong đó hơn 18.000 ha được cấp Chứng nhận bền vững và tương đương, tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.
Tỉnh Sơn La hiện có 2 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng sản xuất tại xã Chiềng Chung, xã Chiềng Dong, huyện Mai Sơn, tại bản Củ 1, Củ 2, Phiêng Quải xã Chiềng Ban; bản Tường Chung, bản Khoa xã Chiềng Chung; bản Lò Um, Nà Khoang, Dè, Liềng, Khoáng Biên xã Chiềng Dong, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; quy mô: 876 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất 671,4 ha cà phê với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.
Sơn La cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống; Cà phê hạt rang và Cà phê bột. Sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định.
Mục tiêu xuất khẩu cà phê Sơn La hướng tới là thị trường các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN. Năm 2023, sản phẩm cà phê Sơn La phấn đấu xuất khẩu đạt 31.500 tấn; giá trị đạt trên 83,1 triệu USD.
Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025 phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh trên 17.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 2,0 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha; trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; khoảng 70 - 90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận.
Đến năm 2025, các cơ sở chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng chế biến cà phê và bảo vệ môi trường; chế biến sâu nâng cao giá trị sản xuất cà phê.