Trong lúc nhà nhà hò nhau cắt lỗ lúc giá vàng biến động khó lường, một thanh niên lại chọn cách mua vào

Vân Anh |

Với họ, mua vàng mà chỉ chạy theo những lời hô hào của thị trường thì cầm chắc thua lỗ.

Trong lúc nhà nhà hò nhau cắt lỗ lúc giá vàng biến động khó lường, một thanh niên lại chọn cách mua vào- Ảnh 1.

Những ngày vừa qua, giá vàng liên tục đảo chiều khiến nhiều người đang cầm vàng hoang mang. “Nên mua hay bán vàng lúc này?” cũng vì thế trở thành chủ đề thảo luận rôm rả trên mạng xã hội.

Trong khi đó, có những người lại rất ung dung khi chứng kiến giá vàng lên xuống thất thường. Bởi họ đã có nhiều kinh nghiệm mua vàng, do đó không quá xa lạ với các pha điều chỉnh của thị trường. Và cùng lắng nghe những người đã mua vàng thường xuyên, chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư của họ nhé!

“Tâm bất biến” giữa giá vàng lên xuống

Vợ chồng Nguyễn Phượng (34 tuổi, Hà Nội) đã hình thành thói quen mua vàng từ cách đây 8 năm, dựa vào thu nhập từ công việc văn phòng và kinh doanh riêng.

Trong ngày hôm qua (13/3), khi giá vàng đảo chiều giảm mạnh, dù có vàng được mua trong giai đoạn đỉnh thì cặp đôi không quá lo lắng. Được biết lúc đó, họ đang giữ 2,5 lượng vàng miếng với mức giá 67,5 triệu đồng/lượng và 5 chỉ vàng nhẫn với mức giá 7 triệu đồng/chỉ.

Nói về tin tức trên mạng rằng nhà nhà đang đổ xô đi cắt lỗ vì giá vàng hạ xuống nhanh, Nguyễn Phượng cho biết “không quá quan tâm”. Bởi lẽ, cô xác định mua vàng để tích lũy trong dài hạn, nên vẫn sẽ ung dung trước tình hình giá vàng cứ liên tục đảo chiều tăng hay giảm. Cô nàng đầu tư vàng với nguyên tắc “ mua bằng tiền nhàn rỗi, tuyệt đối không vay mượn để mua vàng, đồng thời chỉ bán vàng khi có lãi”.

Trong lúc nhà nhà hò nhau cắt lỗ lúc giá vàng biến động khó lường, một thanh niên lại chọn cách mua vào- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nguyễn Phượng cho biết: “Hôm qua, mình cũng có chút lo lắng về chuyện giá vàng đảo chiều, tuy nhiên sau một hồi thảo luận thì chúng mình thống nhất không cắt lỗ. Theo mình, mua vàng thì tin tưởng vào bản thân. Chứ cứ đợi thị trường kêu bán hay mua vào mà bạn chỉ biết chạy theo thì chắc chắn lỗ.

Và suy nghĩ của mình là giá vàng dù có giảm, nhưng có thể tăng lại. Bởi giai đoạn trước đó, giá vàng liên tục đạt đỉnh, cũng như vàng thế giới có xu hướng tăng, nên chúng mình đã kỳ vọng giá vàng quay đầu. Và quả thật, giờ giá vàng đã đảo chiều”.

Một điều đặc biệt là vợ chồng Nguyễn Phượng cho rằng khi giá vàng giảm xuống thì không hẳn là tin xấu đến từ phía thị trường. Bởi lúc này là thời điểm tốt để bạn mua vàng tích trữ thêm. Đơn cử như vợ chồng Nguyễn Phượng đang đợi giá vàng nhẫn xuống 60 triệu đồng/lượng thì sẽ mua vào.

Một trường hợp khác, T.T (27 tuổi, Hà Nội) cũng cho hay dù bản thân đã mua vàng 2 năm nay nhưng luôn đứng ngoài các làn sóng giá vàng tăng hay giảm. Tương tự Nguyễn Phượng, T.T là người mua vàng để tích lũy dài hạn. Do đó, khi giá vàng chạm đỉnh hay xuống đáy thì anh chàng luôn chọn cách “ngồi im”, tức là nói không với mua đỉnh và bán đáy vàng.

T.T chia sẻ: “Mình có tham gia những hội nhóm về vàng để cập nhật giá và các kinh nghiệm mua bán. Trong đó, vào những ngày giá vàng tăng cao, chẳng hạn như vía Thần Tài hay ngày vàng chạm đỉnh, mình thấy mọi người nói về chuyện mua vàng rất nhiều.

Tuy nhiên, mình luôn tránh xa mua vàng vào thời điểm này vì chúng rất rủi ro, đến từ phía hai đầu mua - bán cách xa nhau. Thay vào đó, mình sẽ đợi ngày vàng giảm giá mới tính chuyện mua tích trữ”.

Trong lúc nhà nhà hò nhau cắt lỗ lúc giá vàng biến động khó lường, một thanh niên lại chọn cách mua vào- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Được biết, T.T mua vàng để hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư lâu dài. Thêm nữa, anh thích mua vàng vì hình thức đầu tư này… đơn giản. Tức là anh chỉ cần đợi mua vàng vào ngày giá giảm, bán vàng vào ngày giá cao mà không cần tính toán cẩn thận như đầu tư chứng khoán.

“Mình chỉ coi vàng là một loại tài sản phòng thủ. Mình mua vàng từ dòng tiền tiết kiệm hàng tháng, khi nào đủ sẽ mua 1 chỉ. Mình thường đặt cột mốc chốt lãi vàng, khi nào đạt mục tiêu đó thì sẽ bán đi, chứ không đợi vàng lên đỉnh. Bởi giờ giá vàng biến động lắm, mình sẽ khó biết được khi nào thị trường vàng sẽ đóng băng và không còn tăng nữa. Đó cũng là lý do mà dân tình cho rằng vàng có lên 95 - 100 triệu đồng thì mình cũng không quan tâm”.

Kinh nghiệm chơi vàng

Một điều đặc biệt là cả Nguyễn Phượng và T.T chưa bao giờ lỗ khi mua vàng, bởi họ chọn mua vàng để tích lũy dài hạn, chỉ bán khi giá vàng tăng cao.

Về riêng T.T, anh cho hay trong năm ngoái khi giá vàng bắt đầu tăng cao, cứ 4-5 tháng anh lại chốt lời một lần, với tỷ suất sinh lời là 5-10%.

“Mua vàng theo chỉ thì có hơi lắt nhắt, nhưng về lâu dài thì đó là hình thức tích tiểu thành đại khá hay. Đơn cử như trước khi mua vàng, mình thường dồn tiền mua thứ linh tinh nên thành ra nhiều khi nghĩ mình đi làm được nhiều tiền lắm, nhưng tiết kiệm chẳng còn bao nhiêu.

Với mình, giữa lúc kinh tế khó khăn, có vàng trong người thì sẽ yên tâm hơn. Chẳng hạn rủi ro thất nghiệp thì có thứ để bán”, T.T nói.

Trong lúc nhà nhà hò nhau cắt lỗ lúc giá vàng biến động khó lường, một thanh niên lại chọn cách mua vào- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, Nguyễn Phượng nhận định: Về lâu dài, mua vàng sẽ sinh lời, kể cả bạn đu đỉnh. Tuy nhiên, lúc mua vàng ở đỉnh bạn phải chấp nhận rủi ro là có thể sau này bán ra, mức sinh lời sẽ thấp hơn nhiều so với các tài sản khác. Bởi thời điểm mua vào, giá vàng đã cao hơn so với mức bình thường.

“Mình nghĩ nếu có tiền thì bạn mua vàng miếng, ít tiền hơn thì mua vàng nhẫn. Quan điểm của mình khi mua vàng, một là để đầu tư nhanh, hai là nếu lướt sóng mà không thoát kịp thì mua dành cho tích lũy và tiết kiệm cho những việc lớn trong đời. Với mình, mua vàng sẽ không lỗ, chỉ trừ trường hợp bạn mua vàng rồi bán luôn chỉ trong vài ba ngày thôi”, Nguyễn Phượng bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại